Phiên sáng 14/11: ROS bứt phá, VIC yếu đà, ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán

(ĐTCK) Cuộc bám đuổi giữa 2 tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam tiếp tục gay cấn trong phiên sáng nay khi cả 3 cổ phiếu ROS, FLC và VIC đều duy trì đà tăng tốt.
Phiên sáng 14/11: ROS bứt phá, VIC yếu đà, ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán

Phiên sáng 14/11: Ông Trịnh Văn Quyết vượt qua ông Phạm Nhật Vượng

Cuộc bám đuổi giữa 2 tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam tiếp tục gay cấn trong phiên sáng nay khi cả 3 cổ phiếu ROS, FLC và VIC đều duy trì đà tăng tốt.

Trong phiên cuối tuần trước, thị trường đã chứng kiến “cuộc đua” của 2 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (FLC) và Công ty Faros (ROS) thông qua những cú nước rút về giá của 3 mã cổ phiếu này. Có thời điểm, ông Quyết đã vượt qua vị trí số 1 người giàu nhất trên sàn chứng khoán mà ông Vượng nắm giữ nhiều năm nay. Tuy nhiên, về cuối phiên, trong khi giá ROS đã “kịch kim”, thì với việc VIC đảo chiều, được đẩy lên mức giá cao nhất ngày đã giúp ông Vượng lấy lại được vị trí số 1 với tổng tài sản trên sàn hơn ông Quyết hoảng 800 tỷ đồng.

Nhận định về “cuộc đua” này, nhiều nhà đầu tư, cũng các chuyên gia chứng khoan cho rằng, sẽ còn nhiều điểm hấp dẫn.

Đúng như vậy, ngay khi bước vào phiên sáng nay, dù chịu chút áp lực chốt lời đầu phiên, nhưng sau đó cả 3 mã FLC, ROS và VIC đều đã nhanh chóng được kéo tăng trở lại, trong đó ROS thậm chí đã được kéo lên mức giá trần 116.300 đồng, trong khi VIC cũng lên mức 44.600 đồng.

Tuy nhiên, chốt phiên, đà tăng của các mã này hạ nhiệt bớt, thậm chí VIC còn đóng cửa giảm nhẹ 0,22%, xuống 43.900 đồng, còn ROS tăng 6,8%, lên 116.100 đồng với 1,47 triệu đơn vị được khớp, FLC tăng 1,29%, lên 7.090 đồng với 17,3 triệu đơn vị được khớp.

Với mức giá hiện tại, ông Quyết đã chính thức vượt qua ông Vượng trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản tạm tính hiện là 33.229 tỷ đồng, hơn ông Vượng hơn 1.443 tỷ đồng.

Ngoài “cuộc đua kỳ thú” giữa 3 mã cổ phiếu trên, thị trường cũng chứng kiến một số điểm khởi sắc khác như VHG. Mã này lúc đầu cũng leo lên mức giá trần 3.070 đồng và còn dư mua giá trần khá lớn, nhưng lực cung gia tăng cuối phiên đã hấp thụ hết lượng dư bán trần, khiến VHG chốt phiên ở mức 3.000 đồng, tăng 4,53% với 3,45 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên khác như PHR, DPR, TRC đều đang giảm giá, TNC cũng chỉ giữ được sắc xanh nhạt và đà tăng không vững.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự khởi sắc trở lại của nhóm cổ phiếu thép khi TLH ở mức trần 10.950 đồng với hơn 1,26 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần gần 0,8 triệu đơn vị. Các mã lớn hơn như HPG, HSG, SMC, NKG lúc đầu cũng đều tăng rất tốt, nhưng về cuối phiên, HPG hạ nhiệt, chỉ còn tăng 0,49%, lên 41.150 đồng với 2,6 triệu đơn vị được khớp, các mã còn lại đều duy trì được đà tăng tốt.

Ngoài ROS, HPG, một số mã bluechip khác cũng có mức tăng khá tốt như MWG, REE, PGD, CII, nhưng các mã lớn như VNM, nhóm ngân hàng, nhóm dầu khí, bảo hiểm, cũng như việc VIC đảo chiều khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ, ở mức gần thấp nhất phiên.

Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index giảm 3,08 điểm (-0,45%), xuống 676,12 điểm với 99 mã tăng và 130 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 67,74 triệu đơn vị, giá trị 1.233,38 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,65 triệu đơn vị, giá trị 35,65 tỷ đồng.

Cũng có diễn biến tương tự VN-Index, HNX-Index cũng liên tục đảo chiều trong nửa đầu phiên sáng nay, nhưng với đà bán gia tăng nửa cuối phiên đã khiến HNX-Index giảm khá mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên với mức giảm 0,36 điểm (-0,44%), xuống 80,83 điểm với 39 mã tăng, 81 mã giảm.

Một vài mã lớn đang hỗ trợ cho HNX-Index như NTP, LAS, PVB, thì NTP đã đảo chiều chỉ còn lại mức tham chiếu, LAS và PVD cũng chỉ có mức tăng nhẹ, trong khi ACB, AAA, VCG, PVS, PVC đều đóng cửa trong sắc đỏ, tác nhân chính khiến HNX-Index mất điểm.

Trong khi đó, các mã nhỏ như FID, HKB, TTH, PV2 tiếp tục giảm sàn, trong đó HKB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 3,85 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, NHP thoát khỏi mức sàn nhờ lực cầu tốt cuối phiên.

Ở chiều ngược lại, thị trường ghi nhận sự tích cực của ACM khi đang  ở mức trần 2.000 đồng với hơn 1,45 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần 0,33 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngành than cũng đang tiếp tục nổi sóng với hàng loạt mã tăng trần như TC6, TCS, TDN, THT, TVD.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục