Những tác động cần lường trước trong nhiệm kỳ của Donald Trump

(ĐTCK) Ngày 9/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã cho kết quả khá bất ngờ với việc tỷ phú Donald Trump thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhằm giúp nhà đầu tư nhìn nhận rõ hơn những tác động lớn có thể có từ nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Những tác động cần lường trước trong nhiệm kỳ của Donald Trump

Những tác động trên lĩnh vực thương mại quốc tế

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump nêu lên các quan điểm chống thương mại hóa toàn cầu, phản đối các hiệp định thương mại tự do và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại ở mức cao, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các nước khác, đặc biệt từ những nước mà ông cho rằng có sự thao túng tiền tệ.

Những tác động cần lường trước trong nhiệm kỳ của Donald Trump ảnh 1

 Ông Nguyễn Xuân Bình

Cụ thể hơn, đối với các hiệp định thương mại tự do, ông đề xuất đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định khác đang chờ đàm phán.

Nếu ông Trump giữ nguyên quan điểm thì TPP sẽ ít cơ hội được thực thi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Điều này, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP như dệt may, da giày, logistics... cần phải lường trước. Hơn thế nữa, khả năng thu hút các dòng vốn FDI mới hoặc mở rộng quy mô của các dự án FDI đã đầu tư vào Việt Nam trong các năm gần đây để đón đầu cơ hội từ TPP có thể chững lại.

Đối với vấn đề bảo hộ thương mại, ông Trump từng đề xuất việc áp mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc có thể lên đến 45%, các mặt hàng xuất xứ từ Mexico lên đến 35% và mức thuế 15 - 45% đối với hàng hóa đến từ các quốc gia có dấu hiệu thao túng tiền tệ. Trong các thị trường có khả năng bị Mỹ áp mức thuế nhập khẩu cao có Liên minh châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mexico, như vậy bao gồm 5 trong 6 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Điều đáng lo ngại là nếu các mức thuế này được áp dụng, hành động trả đũa từ những nước trên có thể xảy ra, với việc áp dụng các mức thuế cao tương đương với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Hiện ông Trump mới chỉ chủ trương đàm phán lại các điều khoản thương mại với hai đối tác là Mexico và Trung Quốc, nhưng quan điểm bảo hộ này có thể sẽ còn tiếp tục chi phối đối với các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại, trong đó có Việt Nam.

Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại với Mỹ, với giá trị ngày càng tăng. Năm 2015, Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Mỹ.

Những tác động cần lường trước trong nhiệm kỳ của Donald Trump ảnh 2

Nguồn: Bloomberg và tính toán của BVSC
* Diễn biến tỷ giá hữu hiệu thực tế và tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa của VND trong tương quan với 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu, tính theo tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và các nước. 

Những tác động cần lường trước trong nhiệm kỳ của Donald Trump ảnh 3

9 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị 28,3 tỷ USD, trong đó các ngành có xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm dệt may (8,6 tỷ USD), giày dép (3,3 tỷ USD), điện thoại (3,1 tỷ USD), máy vi tính và sản phẩm điện tử (2,1 tỷ USD), gỗ và sản phẩm từ gỗ (1,9 tỷ USD), máy móc (1,5 tỷ USD) và thủy sản (1,1 tỷ USD).

Quan điểm cứng rắn của Donald Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác có thặng dư thương mại với Mỹ. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Mức chênh lệch thuế nhập khẩu quá lớn giữa các quốc gia vào Mỹ sẽ khiến hoạt động mua bán hưởng chênh lệch giá (arbitrage) diễn ra mạnh mẽ. Hàng hóa từ các nước bị áp thuế cao, như Trung Quốc, tìm cách nhập khẩu gián tiếp vào Mỹ qua nước thứ ba, chẳng hạn Việt Nam. Vấn đề trên thực tế đã và đang xảy ra, với việc Mỹ hôm 7/11 chính thức mở điều tra cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ để tránh thuế. Để khắc phục tình trạng đó, bên cạnh việc kiểm duyệt gắt gao, Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Ngoài ra, khi cánh cửa vào thị trường Mỹ khép chặt hơn, hàng hóa của Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm các thị trường thay thế. Không thể loại trừ khả năng một phần hàng hóa đó sẽ chuyển sang Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước (câu chuyện của một số mặt hàng thép vừa qua là ví dụ điển hình), hoặc gia tăng sức ép cạnh tranh ở các thị trường thứ ba với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam (xem bảng).

Tác động trên thị trường tiền tệ

Tân Tổng thống Mỹ chủ trương sẽ cắt giảm thuế khá mạnh, bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời tăng chi tiêu công, đặc biệt vào lĩnh vực y tế và cơ sở hạ tầng. Giảm thuế nhưng đồng thời tăng chi tiêu sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng. Điều này nhiều khả năng gây áp lực lên lạm phát và USD sẽ có xu hướng giảm giá trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, USD dự báo có xu hướng tăng giá so với đồng tiền của các nước “có thể là đích ngắm” của các hành động bảo hộ thương mại của Mỹ, bao gồm JPY, EUR và đặc biệt là đồng tiền của các thị trường đang phát triển hiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Diễn biến này phản ánh trước yếu tố kỳ vọng và dự báo về những khó khăn mà các nước đang phát triển sẽ gặp phải trên lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như khía cạnh xuất khẩu. Thêm vào đó, rủi ro lạm phát tăng lên cùng với chủ trương cắt giảm thuế mạnh tay của ông Trump khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất.

Số liệu của CME Group (Mỹ) trong ngày 9/11 cho biết, xác suất Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 12/2016 ở mức 81%, sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá của USD trong thời gian tới. Kịch bản này cùng yếu tố mang tính mùa vụ cuối năm trong nước có thể gây áp lực mất giá nhất định lên VND trong hai tháng cuối năm.

Đồ thị diễn biến tỷ giá hữu hiệu thực tế (REER) và tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) của VND từ tháng 1/2014 đến nay, trong tương quan với 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu, tính theo tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và các nước cho thấy, sau những biến động vừa qua, hiện đường NEER đã lên mức 104,3 điểm, trong khi đường REER, do ảnh hưởng tăng mạnh của lạm phát, đã nới rộng khoảng cách và lên trên 108 điểm (xem đồ thị).

Trong gần 3 năm qua, mỗi khi 2 đường NEER và REER đi lên, vượt qua mốc 106 điểm (tức VND lên giá tương đối so với rổ 8 đồng tiền tham chiếu) thì áp lực giảm giá VND xuất hiện. Ở thời điểm hiện tại, đường REER đã lên mức khá cao, ngang bằng đỉnh hồi đầu năm 2015, nhưng nguyên nhân xuất phát từ hiện tượng tăng có phần bất thường của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm khi phần lớn trong đó là do việc điều chỉnh giá của dịch vụ y tế và giáo dục (đóng góp gần 3% vào mức tăng của CPI chung). Nếu tạm bỏ qua yếu tố bất thường này, hiện đường REER đang ở mức xấp xỉ 105 điểm.

Mặc dù vậy, sau những bất ổn 2 tuần đầu tháng 11, cả 2 đường tỷ giá đang đi lên với độ dốc khá lớn và nếu xu hướng tăng của USD được duy trì, NEER và REER sẽ tiến sát vùng nguy hiểm (106 điểm) trong thời gian tới, phản ánh áp lực phá giá VND.

Trên thực tế, với thặng dư cán cân thanh toán tổng thể trong năm nay và dự trữ ngoại hối đã được củng cố, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp để bình ổn thị trường, nhưng nếu việc này duy trì quá lâu và không tuân theo nguyên tắc thị trường thì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Kết luận

Bài viết đưa ra một số đánh giá về những tác động lớn có thể có nếu những đề xuất thay đổi chính sách mà ông Trump đã đưa ra trong kỳ vận động tranh cử vừa qua được thực thi.

Mặc dù vậy, không loại trừ khả năng trên thực tế, những chính sách mà ông Trump theo đuổi sẽ theo chiều hướng ôn hòa hơn những gì ông đã phát biểu trong kỳ tranh cử nhằm mục đích gây ấn tượng với dân chúng. Hơn nữa, hệ thống chính trị của Mỹ cũng có sự ràng buộc, phân quyền rất lớn và các chính sách đã được xây dựng, từng bước hoàn thiện qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống trước đây. Vì vậy, để thực hiện những thay đổi lớn như trong tuyên bố của ông Trump không phải là đơn giản.

Nguyễn Xuân Bình

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục