Mặc dù áp lực bán vẫn hiện hữu khiến VN-Index có những nhịp rung lắc dưới mốc 795 điểm, nhưng sự trở lại của dòng bank cùng một số mã lớn thay phiên nhau dẫn dắt thị trường là động lực chính giúp thị trường hồi phục sau phiên điều chỉnh vào đầu tuần.
Tuy nhiên, giao dịch vẫn thận trọng cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn phân vân, trong khi đó VN-Index mất mốc 800 điểm trong những phút cuối, khiến nhiều công ty chứng khoán nhận định khả tăng thị trường sẽ còn gặp khó khăn trong phiên tới.
Theo SHS, trong phiên giao dịch 13/9, VN-Index sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang với vùng hỗ trợ trong khoảng 791-798 điểm (MA5-10), vùng kháng cự của chỉ số được xác định tại 800-805 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, dù dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế nhưng sắc xanh bao phủ trên diện rộng, cùng hầu hết các mã lớn đã lấy lại đà tăng kể cả ROS, SAB, khiến thị trường tiếp tục đi lên và Vn-Index nhanh chóng vượt mốc 800 điểm.
Đà tăng được duy trì khá ổn định nhưng không có sự bứt phá. Mặc dù các mã lớn như HPG, GAS, ROS, SAB đã hồi phục nhưng biên độ tăng còn khá hẹp chỉ trên dưới 500 đồng/CP.
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng sau nhịp tăng nhẹ phiên hôm qua cũng đã trở lại lình xình ở mốc tham chiếu như BID, CTG, STB cùng đứng giá, còn VCB và MBB nhích nhẹ.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là các cổ phiếu đầu cơ bất động sản khi đồng loạt đua nhau khởi sắc như SCR, HQC, FLC, ITA, OGC, HAR…
Nhóm cổ phiếu bluechip khá phân hóa cùng lực cầu thận trọng quan sát khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái lình xình.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,72 điểm (+0,22%) lên 801,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 79,84 triệu đơn vị, giá trị 2.006,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,78 triệu đơn vị, giá trị 171,54 tỷ đồng, trong đó MSN thỏa thuận 1,1 triệu đơn vị, giá trị 60,61 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,5%) lên 104,24 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 18,94 triệu đơn vị, giá trị 240,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp thêm 283.125 đơn vị, giá trị 4,33 tỷ đồng.
Sau phiên điều chỉnh mạnh vào cuối tuần trước, giá dầu thô đã tăng trở lại, là tác nhân chính giúp các cổ phiếu họ dầu khí khởi sắc trong phiên sáng như như GAS tăng 0,9%, PLX tiếp tục nới rộng biên độ tăng 1,3% với khối lượng khớp lệnh sôi động đạt 1,87 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục lình xình quanh mốc tham chiếu với BID, CTG quay đầu giảm điểm, STB và MBB cùng đứng giá tham chiếu, còn VCB nhích nhẹ.
Đáng chú ý trong nhóm cổ phiếu bluechip, ROS sau phiên lao dốc mạnh ngày hôm qua đã nhanh chóng hồi phục. Hiện ROS tăng nhẹ 0,8% lên mức 114.900 đồng/CP với khối lượng khớp 1,56 triệu đơn vị. Cổ phiếu VNM sau 5 phiên điều chỉnh cũng đã lấy lại cân bằng khi đứng giá tham chiếu.
Mặt khác nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch tích cực và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường. Trong đó, ASM tăng 4,13% và khớp 5,12 triệu đơn vị; SCR tăng 2,22% và khớp hơn 4 triệu đơn vị, FLC tăng gần 1% và khớp 3,69 triệu đơn vị; HQC, ITA, OGC cũng giữ sắc xanh với khối lượng khớp trên 1-2 triệu đơn vị. Ngoài ra, IDI, HU3, VRC tăng trần.
Trên sàn HNX, các mã hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường như ACB tăng 0,72%, NTP tăng 3,6%, PGS tăng 2,26%, VCS tăng 1,46%., VGC tăng 4,5%, PVB tăng 3,5%...
Cũng góp phần tô điểm cho nhóm cổ phiếu bất động sản, nhiều mã trên sàn HNX cũng khởi sắc như VGC, HUT, CEO, NDN…
Cổ phiếu SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 2,29 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Đứng ở vị trí tiếp theo, CEO khớp 1,68 triệu đơn vị và PVS khớp 1,2 triệu đơn vị, còn lại các mã đều có khối lượng khớp lệnh dưới 1 triệu đơn vị.
Giống 2 sàn niêm yết, trên sàn UPCoM, giao dịch cũng có phần kém tích cực về cuối phiên khiến đà tăng thu hẹp đáng kể.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,05%) lên 54,48 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,93 triệu đơn vị, giá trị 54,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 276.800 đơn vị, giá trị 3,91 tỷ đồng.
Cổ phiếu GEX tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 668.300 đơn vị, tuy nhiên biên độ tăng thu hẹp chỉ còn 0,5%, chốt phiên tại mức giá 21.400 đồng/CP.
Tiếp đó, SWC chuyển nhượng thành công 655.700 đơn vị và PFL là 590.500 đơn vị, còn lại các mã đều có khối lượng giao dịch chưa tới nửa triệu đơn vị.
Đáng chú ý, ART sau phiên hồi phục hôm qua đã quay trở lại giao dịch trong sắc đỏ trong phiên sáng nay, với mức giảm khá mạnh 6,3% xuống 22.400 đồng/CP.