Cuộc đấu giá cổ phiếu VNM do SCIC tổ chức chiều qua dù kết quả chỉ đạt 60% nhưng lãnh đạo SCIC cho biết, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khu vực nhiều biến động thì kết quả trên được coi là khá thành công. Kết quả cụ thể là đấu giá thành công hơn 78 triệu cổ phiếu VNM với giá 144.000 tỷ đồng/CP.
Diễn biến cổ phiếu lớn VNM trong phiên hôm qua cũng đã tác động khá tiêu cực lên thị trường khi quay đầu giảm khá mạnh, cùng áp lực bán gia tăng và lan rộng trên bảng điện tử khiến các chỉ số quay đầu giảm điểm.
Không chỉ thiếu sự hỗ trợ của các cổ phiếu bluechip, thị trường còn chịu tác động từ việc điều giảm sâu của các mã có tính thị trường bởi áp lực bán ồ ạt tăng mạnh đặc biệt trong phiên chiều. Bên cạnh HQC tiếp tục trạng thái dư bán sàn khủng, nhiều mã đầu cơ khác như FIT, FLC, TTF, TMT, KBC, KSH, LCM cũng đua nhau nằm sàn.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (13/12), cùng với đà bán đã chững lại, nhiều mã thị trường đã thu hẹp đà giảm, “ông lớn” VNM cũng đã đảo chiều bật tăng 1.100 đồng/CP và sắc tím tại SAB đã tiếp sức giúp thị trường hồi phục tích cực.
Ngoại trừ trụ cột VNM tăng điểm, nhiều mã bluechip khác vẫn giao dịch trong sắc đỏ, khiến đà tăng không mấy bền vững. Chỉ số VN-Index leo lên mức 663 điểm và nhanh chóng hạ nhiệt khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục.
Cổ phiếu đầu ngành bia SAB tiếp tục bảo toàn sắc tím và đóng vài trò là lực đỡ chính của thị trường cùng đà tăng nhẹ của một số mã bluechip như VNM (trở lại lình xình trên mốc tham chiếu với mức tăng chỉ 100-200 đồng/CP), GAS, KDC, SSI, REE, đã giúp VN-Index cầm cự tại mốc 660 điểm.
Cổ phiếu thị trường HQC có phiên giảm sàn thứ 10 liên tiếp với lượng dư bán sàn vẫn chất đống với hơn 81,3 triệu cổ phiếu sau hơn 80 phút giao dịch.
Ngoài ra, các mã có tính đầu cơ khác như DLG, HAR, KSH, LGL vẫn tiếp tục giảm sàn.
Sau những biến động trong phiên hôm qua, trật tự thứ hạng người giàu nhất sàn chứng khoán lại tiếp tục có sự hoán đối trong phiên sáng nay. Cụ thể, với việc sở hữu hơn 724 triệu cổ phiếu VIC, tại thời điểm 10h30, giá cổ phiếu VIC đứng tại mức 41.700 đồng/CP, tương ứng tổng tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đạt hơn 30.118 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC sở hữu 114,19 triệu cổ phiếu FLC và 279,56 triệu cổ phiếu ROS, với tổng tài sản 29.324 tỷ đồng. Như vậy, ông Vượng đã dành lại vị trí là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt, cao hơn ông Quyết hơn 794 tỷ đồng.
Trong khi lực cầu tỏ ra suy yếu thì áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến sắc đỏ lan rộng bảng điện tử. Cả hai chỉ số đều quay đầu giảm điểm và chốt phiên tại mức thấp nhất.
Trên sàn HOSE có 68 mã tăng và 158 mã giảm, trong đó có 14 mã giảm sàn, chỉ số VN-Index giảm 1,45 điểm (-0,22%) xuống mức 658,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,8 triệu đơn vị, giá trị 1.152,8 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 11,6 triệu đơn vị, giá trị 209,88 tỷ đồng.
Sàn HNX có 54 mã tăng và 80 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,49%) xuống mức 78,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,81 triệu đơn vị, giá trị 129,26 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip là lực hãm chính, cụ thể, nhóm VN30 có tới 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, chỉ số VN30-Index giảm 3,41 điểm (-0,56%) xuống mức 609,42 điểm; còn HNX30-Index giảm 0,53 điểm xuống mức 140,43 điểm với 8 mã tăng, 14 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Cổ phiếu lớn VNM cũng hòa nhịp cùng chỉ số VN-Index. Sau khi hỗ trợ giúp chỉ số này hồi phục trong 2/3 thời gian của phiên sáng, VNM đã quay đầu giảm điểm, tác động tiêu cực lên thị trường. Với mức giảm 0,5%, VNM chốt phiên tại mức thấp nhất 133.000 đồng/CP và khớp 0,74 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác cũng giao dịch thiếu tích cực như VIC giảm 0,7%, BVH giảm 0,87%, MSN giảm 1,11%, VCB, FPT, PVD, BID… Đáng chú ý, ROS tiếp tục giảm sâu với biên độ 6,5% xuống mức giá 101.000 đồng/CP và khớp 1,69 triệu đơn vị.
Cùng với việc giảm sâu của cổ phiếu ROS, tài sàn trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết còn 28.789 tỷ đồng, thấp hơn 1.400 tỷ đồng so với tổng tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng (30.190 tỷ đồng).
Trong khi đó, “ông lớn” ngành bia là SAB tiếp tục duy trì sắc tím với mức tăng 6,9% lên mức giá trần 184.800 đồng/CP, nhưng “một cánh én không làm nên mùa Xuân”.
Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, bên cạnh HQC, HAR, DLG, KSH tiếp tục giảm sàn, nhiều mã vừa và nhỏ khác như LBM, LGL, HU3, TS4, TNC, TYA cũng đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo.
FLC tuy chưa giảm sàn, nhưng vẫn giảm sâu với mức giảm 4,9%, xuống mức giá 4.850 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 7,72 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, KLF có phiên giảm sàn thứ 6 phiên tiếp, đóng cửa tại mức giá 2.300 đồng/CP với lượng khớp gần 2 triệu đơn vị và dư bán sàn 2,29 triệu đơn vị.