Sau phiên lao dốc đầu tuần (11/12), thị trường đã có phiên co giật mạnh trong phiên hôm qua (12/12) khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng. Trong phiên nay, VN-Index có biên độ dao động rất mạnh, lên tới 40 điểm.
Có thời điểm, VN-Index còn xuyên thủng cả mốc 900 điểm, nhưng cuối cùng đã bật trở lại để chốt phiên ở mốc 927 điểm.
Theo đánh giá của ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu CTCK Maritime, chỉ số VN-Index cần có những phiên điều chỉnh khi tăng mạnh trong hơn 2 tháng qua. Việc điều chỉnh của chỉ số trong những phiên vừa qua là dấu hiệu tích cực và những biến động này là điều kiện cần thiết để thị trường tăng trưởng bền vững hơn trong trung và dài hạn.
Đồng thời, ông Cường cũng đưa ra quan điểm lạc quan khi cho rằng, lợi nhuận quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan, cùng với dòng tiền tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường.
Nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch hôm nay 13/12, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, các chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục để thử thách các ngưỡng kháng cự cao hơn.
Bước vào phiên giao dịch sáng 13/12, thị trường vẫn duy trì sắc xanh dù đà tăng điểm khá mong manh. Sau phiên giao dịch đầy biến động hôm qua, nhà đầu tư đã trở nên thận trọng, khiến thanh khoản cầm chừng và VN-Index cũng chỉ giằng cho trong biên độ hẹp.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch không mấy tích cực khi chỉ có VCB tăng nhẹ, còn lại BID, CTG, MBB, STB đều đứng dưới mốc tham chiếu.
Bên cạnh đó, trụ cột chính VNM sau 3 phiên khởi sắc cũng đã đuối sức và quay đầu điều chỉnh giảm 0,77%, tạm đứng tại mức giá 193.000 đồng/CP sau hơn 1 giờ giao dịch.
Trái lại, mặc dù thông tin dầu thô bị chốt lời mạnh và quay đầu lao dốc trong phiên thứ Ba, nhưng sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí như GAS, PLX, PVD, PVC, PVS, PVB… cũng đã hồi phục, hỗ trợ giúp thị trường giữ sắc xanh trong phiên sáng nay.
Sau khi giằng co nửa đầu phiên, áp lực bán bất ngờ gia tăng về cuối phiên khiến thị trường lại chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 94 mã tăng và 163 mã giảm, VN-Index giảm 3,67 điểm (-0,4%) xuống 923,58 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 86,6 triệu đơn vị, giá trị 1.973,78 tỷ đồng, giảm 33,17% về lượng và gần 36% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,4 triệu đơn vị, giá trị 244,18 tỷ đồng, trong đó KBC thỏa thuận 7,47 triệu đơn vị, giá trị 99,72 tỷ đồng; PDR thỏa thuận 1,31 triệu đơn vị, giá trị 43,89 tỷ đồng.
Áp lực bán khiến các các mã ngân hàng đều nới rộng đà giảm như VCB giảm 1,12%, xuống 44.200 đồng/CP; CTG giảm 2,34%, xuống 20.900 đồng/CP, BID giảm 1,04%, xuống 23.850 đồng/CP, STB giảm 2,81%, xuống 12.100 đồng/CP; MBB giảm 1,67%, mức 23.600 đồng/CP.
Bên cạnh trụ cột VNM, nhiều mã lớn cũng quay đầu đi xuống như MSN, MWG, SSI, PLX, VRE, BVH… Trong đó, PLX giảm khá sâu 2,8%, xuống 62.300 đồng/CP.
Ngoài PLX, các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí cũng giảm nhiệt như GAS chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, tạm đứng tại mức giá 87.300 đồng/CP; PVD tăng 2,7% lên mức 21.300 đồng/CP.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là AMD. Việc nhà đầu tư ồ ạt mua vào giúp AMD tiếp tục duy trì sắc tím cùng lượng dư mua trần chất đống. Chốt phiên, AMD tăng 7% lên mức 10.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE đạt 3,93 triệu đơn vị và dư mua trần 10,16 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau những nhịp rung lắc và biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu nửa đầu phiên, lực bán tăng mạnh cũng khiến chỉ số sàn cắm đầu đi xuống.
Chốt phiên sàn HNX có 69 mã giảm và 49 mã tăng, HNX-Index giảm 1,1 điểm (-0,99%) xuống 109,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,63 triệu đơn vị, giá trị hơn 434 tỷ đồng, giảm 10,63% về lượng và hơn 11% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 33,27 tỷ đồng.
Trong đó, ACB tiếp tục là nhân tố chính đẩy thị trường đi xuống khi giảm 3,2% xuống mức 33.500 đồng/CP, ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, một số mã khác trong nhóm HNX30 cũng giảm nhẹ như DBC, HUT, NTP, SHB, PLC…
Cùng thuộc nhóm cổ phiếu họ P, PVS cũng đã thu hẹp đà tăng đáng kể khi chỉ còn tăng nhẹ 0,52%, chốt phiên tại mức giá 19.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,32 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thụ trường.
Trái lại, PCG khá tỏa sáng sau một tuần giao dịch tiêu cực khi được kéo lên mức giá trần 7.400 đồng/CP, tăng 8,8% với khối lượng khớp lệnh đột biến đạt 3,35 triệu đơn vị.
Theo thông tin từ PCG, Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS), tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT PCG đã đăng ký bán toàn bộ 6,7 triệu cổ phiếu PCG, tương ứng tỷ lệ 35,51%. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 30/11 đến ngày 29/12. Rất có thể một phần cổ phiếu PCG đã được GAS đẩy bán thành công trong phiên sáng nay.
Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn chính, chỉ số sàn sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên đã hồi phục và duy trì sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,1%) lên mức 54,12 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,13 triệu đơn vị, giá trị 77,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 679.600 đơn vị, giá trị 15,16 tỷ đồng.
GEX là cổ phiếu giao dịch tốt nhât sàn với khối lượng giao dịch đạt 677.800 đơn vị, tuy nhiên chốt phiên GEX giảm 1,25% xuống mức 23.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, LPB cũng giảm 0,76% xuống mức 13.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 556.600 đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sản GEX.