Thị trường bẻ ngoặt xu hướng tăng
Đà tăng của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đang bị bẻ ngoặt khi áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn gia tăng đột biến, cả từ khối nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có hai nguyên nhân chính khiến áp lực bán gia tăng. Thứ nhất là sau giai đoạn tăng điểm kéo dài, mặt bằng giá cổ phiếu đã không còn rẻ như trước. Đặc biệt, khi quan sát ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khá nhiều mã hiện đang giao dịch với P/E trên 20 lần và mức giá đang giao dịch ở đỉnh trong lịch sử.
Thứ hai, sự kiện bán vốn không thành công ở Becamex, Vinaconex và ảnh hưởng từ những thông tin liên quan đến việc truy tố một số cựu quan chức ngành dầu khí... Với các yếu tố chưa tích cực ở giai đoạn hiện tại, ông Bình cho rằng, nhiều khả năng nhịp điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn, có thể kéo dài đến hết trung tuần tháng 12.
Tuy nhiên, với các tín hiệu hồi phục khá bền vững của nền kinh tế và doanh nghiệp, ông Bình cho rằng, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại và có thể giúp thị trường hồi phục vào cuối tháng.
Cũng trong tuần này, sự kiện chào bán cổ phần ở Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn sẽ diễn ra, xu hướng ở nhóm cổ phiếu thuộc diện thoái vốn như SAB, BHN, FPT, BMP…, vốn có tác động mạnh đến diễn biến thị trường chung sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả phiên đấu giá này.
Cuối ngày 11/12/2017, thị trường cũng đã điều chỉnh khá mạnh, VN-Index rơi xuống dưới 920 điểm và có thể phá mốc 900 điểm. Tuy nhiên, thị trường có khả năng sẽ sự phân hóa, khi đó những cổ phiếu có thông tin không tích cực sẽ giảm giá, đặc biệt là những cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó nhờ thông tin hỗ trợ mang tính thời sự. Ngược lại, những cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh tốt sẽ tăng, nhưng không nhiều.
Với diễn biến hiện tại, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, có hai kịch bản đặt ra đối với thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thứ nhất, thị trường vẫn tiếp tục giảm điểm, nghĩa là nhóm trụ sẽ khó giữ vững và có nhịp điều chỉnh mạnh.
Nếu như điều này diễn ra, thị trường có hồi phục lại như hiện nay cũng phải chờ đến giữa tháng 1/2018. Điều mà thị trường đang lo ngại chính là những cổ phiếu tăng quá nóng và định giá quá cao như VIC, VRE, SAB, BHN bất ngờ rớt giá sẽ kéo theo hệ lụy nhiều nhà đầu tư chịu áp lực giảm đòn bẩy tài chính.
“Những cổ phiếu tăng nóng đang có dấu hiệu chùng xuống. Điều này sẽ khiến cho dòng tiền không mạo hiểm đẩy giá lên cao hơn nữa”, ông Bình nói và cho biết thêm, ở giai đoạn này, hầu hết các quỹ đầu tư ngắn hạn, mang tính ủy thác đã hoàn thành mục tiêu năm và vì vậy, họ sẽ chẳng cần cố gắng quá nhiều để lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Kịch bản thứ hai được ông Bình đưa ra là nhóm cổ phiếu trụ nếu tiếp tục đi ngang, cơ hội sẽ đến với những cổ phiếu nhỏ và có vốn hóa trung bình. Thực tế cho thấy, từ giữa năm 2017 đến tháng 11, mặc dù chỉ số tăng phi mã, nhưng số nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận là rất ít.
Hầu hết trong giai đoạn này, nhóm cổ phiếu lớn mới chính là đầu tàu của thị trường và mang đến cơ hội cho nhà đầu tư. Trong khi, đại đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn “đắm đuối” với những cổ phiếu thị giá thấp nên hầu hết thua lỗ. Vì thế, khi thị trường tăng mạnh sẽ càng thúc đẩy họ mua bán và kiếm lợi nhuận, đồng thời trở nên sốt ruột hơn.
Tuy nhiên, có thể đây lại là một rủi ro khó kiểm soát không chỉ đối với nhà đầu tư, mà còn với cả thị trường. Ở kịch bản này, VN-Index sẽ không còn tăng mạnh nữa, mà chủ yếu duy trì sự tích cực. Giá cổ phiếu sẽ tùy thuộc vào những câu chuyện riêng, nhất là những dự án mới của các doanh nghiệp hay kết quả kinh doanh cuối năm...
Cơ hội ở những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt quý IV
Đến hẹn lại lên, tháng 12, các doanh nghiệp niêm yết lại rục rịch đưa ra dự báo kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm. Tiếp nối xu hướng tích cực trong 3 quý đầu năm, kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp trên sàn được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan. Trong đó, các nhóm ngành được BVSC đánh giá cao gồm có ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Theo BVSC, diễn biến thuận lợi về mặt vĩ mô, sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp nói chung, tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng là những động lực giúp kết quả kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục cải thiện trong quý IV.
Đối với nhóm ngành chứng khoán, tăng trưởng mạnh về giá trị giao dịch trên hai sàn niêm yết và sàn UPCoM, cùng sự sôi động trong hoạt động tư vấn niêm yết, M&A… là các yếu tố cơ bản giúp hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp này tăng trưởng trong quý IV và cả năm 2017 nói chung. Bên cạnh đó, diễn biến thuận lợi của thị trường cũng giúp hoạt động tự doanh của đa số công ty chứng khoán đạt kết quả khả quan.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, theo BVSC, mặc dù bức tranh chung của cả năm 2017 được đánh giá tích cực, tuy nhiên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong quý IV sẽ có sự phân hóa mạnh và các doanh nghiệp có điểm rơi lợi nhuận vào quý IV sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp có quỹ đất rẻ, vị trí tốt và dòng tiền lớn.
Ngoài những ngành trên, thép, bảo hiểm, thủy điện... cũng được dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý cuối năm. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý ở đây là, kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực ở hầu hết các doanh nghiệp trong các ngành này đã được phản ánh vào giá. Do đó, lựa chọn cổ phiếu không còn đơn giản và nhà đầu tư cần xác định xem liệu giá cổ phiếu những ngành này còn đủ để tăng tiếp hay không, có nghĩa về mặt định giá còn hấp dẫn không.
Lúc này, nhà đầu tư cần nhìn về tương lai xa của doanh nghiệp, hơn là chỉ nhìn vào kết quả dự kiến năm 2017. Các chuyên gia khuyên rằng, muốn đầu tư vào một cổ phiếu, cần phân tích kỹ xem doanh nghiệp này liệu có còn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2018 hay những năm tiếp theo hay không. Đây mới là căn cứ để xem cổ phiếu có còn biên độ để tăng giá trong dài hạn.
Ông Võ Văn Cường - Giám đốc Nghiên cứu, CTCK Maritime
Tôi cho rằng, lợi nhuận quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan, cùng với dòng tiền tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường. Tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình cũng như những cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, nhóm thực phẩm và đồ uống, nhóm ngành sản xuất công nghiệp sẽ thu hút được dòng tiền và giúp các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.
Ông Vũ Minh Đức - Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Chúng tôi cho rằng những ngành như tài chính - ngân hàng, xây lắp - bất động sản, hàng tiêu dùng, công nghiệp... sẽ có xu hướng tăng trưởng lợi nhuận quý IV và cả năm 2017 tốt so với phần còn lại. Tuy nhiên, định giá của những cổ phiếu trong ngành này và thị trường nói chung không còn quá hấp dẫn với mức P/E của VN-Index khoảng hơn 18 lần.
Do đó, sự tăng trưởng này nhiều khả năng đã được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu. Để có động lực tăng tiếp (không tính đến yếu tố bong bóng), nhà đầu tư sẽ chờ đợi hơn vào triển vọng tăng trưởng của năm 2018, có thể được gợi mở vào quý I năm sau.