Phiên sáng 13/11: Chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Việc chứng khoán Mỹ lao dốc phiên đêm qua đã gây ảnh hưởng khá lớn đến các thị trường châu Á sáng nay, trong đó chứng khoán Việt cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh đó, sự ảm đạm trong các phiên gần đây do thanh khoản kém đã gần như khiến thị trường không có điểm bấu víu để phục hồi.
Phiên sáng 13/11: Chìm trong sắc đỏ

Niềm vui dù khá ngắn ở cuối phiên hôm qua (12/11) giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên hôm nay.

Tuy nhiên, việc phố Wall phiên đầu tuần (12/11) giảm mạnh do đà lao dốc của nhóm cổ phiếu lớn như Apple, Goldman Sachs đã ảnh hưởng mạnh tới các thị trường chứng khoán châu Á khi mở cửa phiên sáng nay (13/11).

Sắc đỏ bao trùm trên các thị trường chứng khoán châu Á, trong đó mất điểm nặng có chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản khi giảm 3,2%, Hang Seng giảm 1,5%; KOSPI của Hàn Quốc mất gần 1,7%...

Tại thị trường chứng khoán trong nước, mở cửa sáng nay ngày 13/11, mức độ liên đới cũng tương đối rõ ràng, khi chỉ số VN-Index đã giảm thẳng đứng xuống ngưỡng 903 điểm, tương đương mất hơn 14 điểm ngay khi mở cửa.

Gần như toàn bộ các cổ phiếu lớn đều giao dịch trong sắc đỏ, trong đó GAS và MSN giảm trên dưới 3%, VIC, VHM giảm hơn 1,5%, BID và HDB giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng, từ -2,5% đến 3,7%...

Sau hơn 1 giờ giao dịch, thị trường nhìn chung vẫn chưa có tín hiệu nào về sự phục hồi, VN-Index chỉ nhích nhẹ lên không đáng kể từ vùng đáy và đi ngang.

Rổ VN30 đã không còn mã nào xanh, cố gắng thoát hiểm đang chỉ còn SAB và GMD, khi đang giằng co quanh tham chiếu.

Nhìn rộng hơn trên bảng điện tử thì số mã giảm cũng đang chiếm thế áp đảo, các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phân hóa rõ nét, nhưng có thể thấy là sắc đỏ là phần lớn.

Một vài cái tên đi ngược thị trường là CMX, vẫn duy trì sắc tím gần đây lên 16.050 đồng/cổ phiếu, cùng với đó là tân binh HTN, chào sàn ngày hôm qua cũng đang giữ được mức tăng kịch trần của ngày hôm qua đạt được, hiện +7% lên 29.900 đồng.

Sau khi rơi xuống vùng 903 điểm và đi ngang trong nửa đầu phiên, nỗ lực hồi phục của thị trường chỉ đủ để kéo VN-Index trở lại sát 910 điểm, tuy nhiên tại đây thì áp lực bán lại gia tăng, đẩy chỉ số dần thoái lui và kết phiên vẫn mất hơn 11 điểm với thanh khoản yếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 84 mã tăng và 196 mã giảm, VN-Index giảm 11,13 điểm (-1,21%), xuống 906,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 77,42 triệu đơn vị, giá trị 1.483,33 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% về khối lượng, và giảm nhẹ về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 2,1 triệu đơn vị, giá trị 52 tỷ đồng.

Nhóm 10 mã vốn hóa lớn nhất HOSE duy nhất còn SAB tăng điểm, còn lại đều giảm. Cụ thể, SAB +3% lên 240.000 đồng. Trong khi VIC -1,8% xuống 94.200 đồng; VHM -0,7% xuống 75.500 đồng; VNN -1,2% xuống 115.600 đồng; GAS -2,8% xuống 93.900 đồng và MSN giảm sâu nhất khi mất 4,5% xuống 79.800 đồng.

Nhóm 4 cổ phiếu ngân hàng lớn còn lại là VCB -2% xuống 53.500 đồng; BID -2,2% xuống 31.500 đồng; TCB -1,9% xuống 25.800 đồng; CTG -0,9% xuống 22.250 đồng.

Nhìn rộng hơn thì top 30 mã vốn hóa lớn nhất, ngoài SAB thì chỉ còn cổ phiếu ngành bia khác là BHN +2,9% lên 85.900 đồng, còn lại cũng không còn mã nào tăng, trong khi rổ VN30 hồi phục chỉ được thêm 2 mã là GMD +1,4% lên 28.550 đồng và DPM +0,5% lên 18.550 đồng.

Một số mã giảm đáng kể là HDB -3,4% xuống 30.900 đồng; ROS -2,2% xuống 36.250 đồng; CTD -2,2% xuống 144.400 đồng; DHG -2,1% xuống 82.900 đồng; SSI -1,9% xuống 27.750 đồng; MWG -1,9% xuống 107.900 đồng…

Khớp lệnh cao nhất là STB với 2,73 triệu đơn vị, giảm nhẹ 0,8% xuống 12.100 đồng; HPG có 2,2 triệu đơn vị, giảm 1,2%; VPB có 1,7 triệu đơn vị, giảm 2,5%; SBT có 1,63 triệu đơn vị, giảm 0,7%...

Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa, nhưng sắc đỏ chiếm ưu thế, khớp lệnh cao nhất là HNG với 7,6 triệu đơn vị, và cũng là cao nhất HOSE, chốt phiên mã này giảm nhẹ xuống 16.300 đồng. Ngược lại, FLC tăng 2,1% lên 5.720 đồng, khớp lênh chỉ đứng sau HNG với hơn 5,1 triệu đơn vị.

CMX vẫn giữ vững sắc tím từ đầu phiên, +7% lên 16.050 đồng, khớp hơn 290.000 đơn vị. Tương tự là HTN +6,9% lên 29.900 đồng, khớp 129.000 đơn vị, cùng NTL +6%; GMC +3,9%; ANV +3,7%; LDG +3,5%; VHC +2%...

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự trên HOSE, khi HNX-Index đổ đèo từ sớm, tuy cũng có vài nhịp cố gắng đi lên, nhưng lực cầu yếu đã không giúp gì nhiều cho chỉ số.

Cổ phiếu đáng kể nhất là TNG, khi thanh khoản khớp lệnh dẫn đầu sàn với hơn 3,42 triệu đơn vị, và tăng mạnh 9,4% lên 19.800 đồng. Cùng TDT +2,2% lên 13.900 đồng, khớp 350.000 đơn vị, và cổ phiếu nhỏ MPT +7,5% lên 4.300 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã lớn như ACB -1% xuống 28.400 đồng; SHB -1,3% xuống 7.400 đồng; MBS -2% xuống 14.900 đồng; VCS -1% xuống 74.000 đồng; VCG -2,7% xuống 18.300 đồng; VGC -1,9% xuống 15.700 đồng; CEO -1,5% xuống 12.900 đồng; PVS -1,1% xuống 18.700 đồng; PGS -3,2% xuống 30.000 đồng…

Khớp lệnh PVS có 2,78 triệu đơn vị; ACB có gần 2 triệu đơn vị; SHB có 1,89 triệu đơn vị; VCG có 1,3 triệu đơn vị; NVB có 1 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,85%), xuống 102,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22 triệu đơn vị, giá trị 321,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,16 triệu đơn vị, giá trị 30,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, ảnh hưởng tiêu cực cung, UpCoM-Index cũng mất điểm và xuống đáy từ sớm, nhưng sau đó hồi dần, tuy vậy thì do sức mua không được cải thiện rõ ràng nên chỉ số cũng tạm nghỉ trong sắc đỏ.

Sự phân hóa trên UpCoM diễn ra với VGT +6,7%; VEA +3,2%; MPC +1,3%; ACV +2,7%...trong khi các mã quen thuộc giảm như BSR, OIL, POW, QNS, HVN LPB, VGI…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,45%), xuống 51,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,66 triệu đơn vị, giá trị 134,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,68 triệu đơn vị, giá trị 49,7 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục