Một số mã lớn đã tiếp sức giúp thị trường duy trì đà tăng và liên tục lập đỉnh mới của năm. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã gặp khó khi thử thách ngưỡng 1.030 điểm và quay đầu điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần qua.
Theo Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, thông thường, sau quá trình bứt phá khỏi vùng tích lũy thì những quãng nghỉ điều chỉnh để rũ bớt hàng lỏng lẻo hoặc tái tích lũy để lấy thêm năng lượng là cần thiết để thị trường có thể tăng bền vững hơn. Do vậy, nhịp điều chỉnh (nếu có) nên được coi là nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật do xu hướng tăng vẫn là xu hướng chính của thị trường.
Đồng thời, ông Hưng đưa ra kịch bản trong tuần tới là khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh ở các phiên đầu tuần, điều này là hoàn toàn bình thường trong quá trình tăng điểm vừa qua của thị trường, đặc biệt là nhóm Vn30 đang có chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 11/11, dù dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt nhưng sự khởi sắc của nhóm bluechip đã giúp thị trường le lói sắc xanh. Cùng thanh khoản yếu và sự hỗ trợ của các mã lớn chưa đủ mạnh khiến chỉ số VN-Index diễn biến giằng co trong biên độ hẹp.
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, sau gần 1 giờ giao dịch lình xình, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ.
Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa. Trong đó, dòng bank vẫn là điểm sáng hỗ trợ giúp thị trường không quá giảm sâu. Hầu hết các mã ngân hàng như VCB, TCB, BID, CTG, MBB đều nhích nhẹ.
Cổ phiếu MBB đang hấp dẫn thị trường với thanh khoản vượt trội đạt hơn 6 triệu đơn vị và giữ sắc xanh nhạt với mức tăng nhẹ trên 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã FLC, AAA, SCR, TSC, ASM… cũng chịu áp lực bán ra và quay đầu điều chỉnh nhẹ, trong khi đó, HQC, HSG, HAR… tăng nhẹ.
Thị trường vẫn diễn biến khá ảm đạm vào giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 122 mã tăng và 177 mã giảm, VN-Index giảm 0,24 điểm (-0,02%), xuống 1.022,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 100,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.156 tỷ đồng, tăng 23,41% về lượng và tăng gần 20% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,81 triệu đơn vị, giá trị gần 400 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn phân hóa nhẹ với VCB, CTG, TCB, MBB tăng nhẹ chưa tới 1%, còn BID, EIB, HDB, VPB đứng dưới mốc tham chiếu. Trong đó, MBB vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư khi có gần 9,3 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công.
Ở nhóm cổ phiếu nhà Vin đã có những dấu hiệu tích cực hơn khi VHM đảo chiều hồi phục với mức tăng nhẹ 0,5% lên 99.000 đồng/CP, VRE cũng tăng 0,7% lên 34.900 đồng/Cp, còn VIC có phiên điều chỉnh thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 0,6% xuống 119.800 đồng/CP.
Bên cạnh VIC, một số mã bluechip khác giao dịch thiếu tích cực, khiến thị trường chưa thể khởi sắc như MSN giảm 1,82% xuống 75.400 đồng/CP, MWG, NVL, GAS, VJC giảm nhẹ.
Cổ phiếu ROS cũng chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,8% xuống 24.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE, đạt 14,14 triệu đơn vị.
Diễn biến giằng cũng diễn ra ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Cổ phiếu FLC đảo chiều trở lại trong sắc đỏ khi giảm 0,9% xuống 4.550 đồng/CP và khớp 3,16 triệu đơn vị; AAA cũng quay đầu điều chỉnh nhẹ 0,9% xuống 15.700 đồng/CP và khớp 2,39 triệu đơn vị…
Trái lại, HQC tăng nhẹ 0,9% lên 1.070 đồng/CP và khớp 1,55 triệu đơn vị, TCH cũng nhích 0,2% lên 23.550 đồng/CP, HAR tăng 6,7% lên 4.000 đồng/CP…
Trên sàn HNX, giao dịch cũng giằng co lên xuống trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 37 mã giảm và 47 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,01%), xuống 107,26 điểm.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,8 triệu đơn vị, giá trị 103,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,35 triệu đơn vị, giá trị hơn 19 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ có một vài mã tăng nhẹ như ACB tăng 0,4% lên 24.900 đồng, DP3 tăng 1,6% lên 65.500 đồng/CP, HUT tăng 4,2% lên 2.500 đồng/CP, VC3 tăng 2,3% lên 18.100 đồng/CP, L14 và DHT nhích nhẹ.
Trong khi đó, nhiều mã lớn đang giao dịch dưới mốc tham chiếu như SHB giảm 1,5% xuống 6.700 đồng/CP, VCS giảm 1,1% xuống 87.500 đồng/CP, CEO giảm 1,1% xuống 9.400 đồng/CP, DGC giảm 1,1% xuống 26.800 đồng/CP, PVS, VCG, TNG…
Ngoại trừ điểm sáng MBB giao dịch sôi động, hầu hết dòng bank đều sụt giảm. Trên sàn HNX, cả 3 mã ACB, SHB, NVB đều có khối lượng chưa tới 1 triệu đơn vị.
2 mã dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX là HUT và BII có khối lượng khớp lệnh tương ứng 2,36 triệu đơn vị và gần 1,2 triệu đơn vị. Cũng giống HUT, cổ phiếu BII chốt phiên khởi sắc khi tăng 11,11% lên mức giá trần 1.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, dù mở cửa không mấy thuận lợi nhưng thị trường đã nhanh chóng đảo chiều khởi sắc.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,25%), lên 56,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị 47,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị gần 15 tỷ đồng.
Thanh khoản sụt giảm mạnh khi chỉ có duy nhất BSR chuyển nhượng thành công hơn 0,56 triệu đơn vị, còn lại đều chưa tới 0,2 triệu đơn vị. Chốt phiên, BSR quay đầu giảm 1% xuống 9.900 đồng/CP.