Trong phiên sáng hôm qua, VN-Index tiếp tục có thêm một lần thử thách ngưỡng 1.000 điểm, nhưng giống như trong phiên trước đó, chỉ số lại bị đẩy ngược trở lại.
Trong phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index giảm theo chiều thẳng đứng, nhưng lực cầu bắt đáy tại nhóm VN30 nhập cuộc khi VN-Index lùi về gần ngưỡng 990 điểm, giúp chỉ số quay đầu trở lại, hãm bớt đà giảm khi đóng cửa.
Phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, chứng khoán châu Âu và Mỹ đã chứng kiến cảnh bán tháo trên diện rộng, đặc biệt là tại các cổ phiếu công nghệ, khiến phố Wall và chứng khoán châu Âu lao dốc. Nỗi lo về lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao, cùng chiến tranh thương mại leo thang cũng là nguyên nhân khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc.
Trên phố Wall, Dow Jones giảm 3,15%, S&P 500 giảm 3,3% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 và Nasdaq Composite mất hơn 4%.
Tiêu cực nhất là chỉ số theo dõi lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500, khi giảm 4,8%, mức giảm sâu nhất trong một phiên kể từ năm 2011 đối với lĩnh vực này sau khi tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây.
Trong đó, những ông lớn như Microsoft giảm 5,4%, Apple giảm 4,6%, Amazon tụt 6,2% và Alphabet (công ty mẹ của google) mất 4,6%.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc dòng tiền rời bỏ thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận tại trái phiếu, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức 3,1931% với kỳ hạn 10 năm và 3% với kỳ hạn 3 năm.
Theo CNBC, những đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán thường tạo ra làn sóng đổ xô sang kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Trong suốt 20 năm vừa qua, mỗi khi S&P 500 mất hơn 2% trong 1 tháng thì trái phiếu Chính phủ Mỹ lại có đà tăng mạnh mẽ.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trấn an giới đầu tư, “Đây là đợt điều chỉnh mà chúng ta đã mong chờ trong một khoảng thời gian dài” và đổ lỗi cho Fed bởi đã tăng nhanh lãi suất.
Ám ảnh theo phố Wall, chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch sáng nay cũng bị báo tháo mạnh với chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm tới 4%, Hang Seng tại Hồng Kông cũng mất 3,7%, Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất hơn 3,7%, KOSPI tại Hàn Quốc mất 2,8%; PSE Composite tại Philippine mất 2%...
Ảnh hưởng tâm lý từ thị trường chứng khoán thế giới, mở cửa sáng nay, chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến cảnh bán tháo ngay đầu phiên, khiến VN-Index mất 3,7% và HNX-Index mất hơn 3,6%.
Sau 1 tiếng giao dịch, toàn sàn HOSE chỉ có 20 mã tăng, trong khi có tới 270 mã giảm, trong đó không có bất kỳ một bluechip nào có màu xanh.
Thanh khoản thị trường theo đó tăng vọt nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc.
Nỗi ám ảnh của những phiên ngày đầu tháng 2 năm nay trở lại, khi đó VN-Index đã có 2 phiên liên tiếp giảm mạnh 5,1% và 3,54% trong ngày mùng 5 và 6/2 khi chỉ số đang ở vủng đỉnh 1.100 điểm.
VN-Index trải qua phiên sáng tiếp tục lùi sâu, khi có thời điểm mất khoảng 60 điểm, thủng mốc 940 điểm sau 1 tiếng rưỡi giao dịch.
Áp lực bán giải chấp khiến các mã giảm sâu và nằm sàn la liệt trên bảng điện tử với 39 mã, trong đó không thiếu những bluechip như VIC, MSN, PLX, SSI, VPB, BMP…
Trên các thị trường chứng khoán châu Á khác, đà bán tháo cũng chưa có dấu hiệu dừng lại, khi các chỉ cố chuẩn tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông tiếp tục nới rộng đà giảm, mất hơn 4%.
Sau khi thủng ngưỡng 940 điểm, chỉ số hồi dần do lực cầu bắt đáy nhập cuộc, chỉ số tiến trở lại vùng 950 điểm, nhưng một lần nữa, áp lực bán lại gia tăng trong những phút cuối, kéo VN-Index đi xuống.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 22 mã tăng và 295 mã giảm, trong đó 42 mã giảm sàn, VN-Index giảm mạnh 47,8 điểm (-4,81%), xuống 946,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 223,8 triệu đơn vị, giá trị 4.837,48 tỷ đồng, tăng 111% về khối lượng và 118% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4,4 triệu đơn vị, giá trị 231,4 tỷ đồng.
22 mã tăng trên HOSE hầu hết thanh khoản thấp, từ vài chục đến vài nghìn đơn vị khớp lệnh như ABT, PDN, PGD, TLG, VPS, TMP, S4A…riêng APG khớp cao nhất với hơn 163.000 đơn vị, tăng 0,7% lên 7.050 đồng và sắc tím hiếm hoi tại CLG, +7% lên 3.200 đồng, khớp hơn 50.000 đơn vị.
39 mã nằm sàn, trong đó có 1 bluechip duy nhất là HSG, mất 6,8% xuống 11.700 đồng, khớp lệnh hơn 10,7 triệu đơn vị.
Tất cả mã cổ phiếu lớn, bluechip trong rổ VN30 đều giảm sâu, nhiều mã có thời điểm giảm sàn là VIC, MSN, PLX, SSI, VPB, BMP, CII, GMD, REE, STB.
Kết phiên sáng thì một số hãm bớt đà rơi, mất điểm “ít nhất” là SAB, khi -2,2% xuống 221.000 đồng; VNM -3% xuống 126.100 đồng; DHG -2,8% xuống 89.400 đồng; VIC -4,8% xuống 92.000 đồng. Còn lại đều mất từ 5 – 6,7%.
Khớp lệnh cao nhất là STB với hơn 15,5 triệu đơn vị, và cũng là cao nhất sàn HOSE; HPG có gần 11 triệu đơn vị; HSG nêu trên hơn 10,7 triệu đơn vị; VPB hơn 7,4 triệu đơn vị, cùng MBB, CTG, SSI có từ 6 triệu đến gần 7 triệu đơn vị.
Các mã vừa vả nhỏ cũng thi nhau giảm sàn như OGC, PVD, DIG, ASM, VND, TCM, GTN, HTT, HCD, TCH, TNT…
Khớp lệnh cao nhất có FLC với hơn 14,4 triệu đơn vị, chốt phiên mã này -6,6% xuống 5.410 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HXN-Index chịu ảnh hưởng còn tiêu cực hơn, khi chốt phiên mất hơn 5% với 26 mã giảm sàn.
Theo đó thì KLF, SHS, DST, KVC, MST giảm sàn cùng các ông lớn ACB mất 6%; SHB -7%; MBS -6,7%; VCS -6%; PVS -9,3%; VGC -7,2%; CEO -7,4%; DBC -5%; VCG may mắn hơn, nhưng cũng mất 2,6% xuống 18.700 đồng.
Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 13,7 triệu đơn vị; PVS có 9,4 triệu đơn vị; ACB có 6,4 triệu đơn vị; KLF có 3,7 triệu đơn vị; HUT có 3,6 triệu đơn vị…
Đi ngược là PGS, khi +3,2% lên 31.900 đồng, nhưng chỉ có gần 13.000 cổ phiếu được sang tay; SRA tăng trần +10% lên 47.300 đồng, khớp gần 200.000 đơn vị; DCS +10% lên 1.100 đồng, khớp hơn 430.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 13 mã tăng và 118 mã giảm, HNX-Index giảm 5,79 điểm (-5,09%), xuống 107,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,3 triệu đơn vị, giá trị 921,65 tỷ đồng, gấp 4 lần về khối lượng và hơn 3,5 lần về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 400.000 đơn vị, giá trị 5,6 tỷ đồng.
Trên UpCoM, cũng không có gì bất ngờ khi sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử, nhưng UpCoM-Index giảm thấp hơn 2 chỉ số chính.
21 mã thanh khoản tốt nhất sàn với trên 100.000 đơn vị khớp lệnh đều giảm, và hầu hết là các mã lớn như BSR, POW, OIL, HVN, ACV, VIB, QNS, VGT, VEA, VGI, MSR, MPC…
Khớp lệnh BSR cao nhất với hơn 5,5 triệu đơn vị; POW có 3,12 triệu đơn vị; LPB có 2,55 triệu đơn vị; OIL có 2,2 triệu đơn vị; VGT có 1,4 triệu đơn vị; HVN gần 1 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,76 điểm (-3,27%), xuống 52,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 22 triệu đơn vị, giá trị 326,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 570.000 đơn vị, giá trị 6,55 tỷ đồng.