Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên giao dịch khá tích cực sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài. Bước vào tuần giao dịch này, nhiều nhận định cho rằng, xu hướng của thị trường vẫn trong kênh tăng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sẽ diễn ra mạnh ở ngưỡng kháng cự 610 điểm.
Đúng như nhận định nay, trong phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index với sự hỗ trợ đắc lực từ VNM và GAS đã lên leo lên trên mốc 610 điểm trong đầu phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã diễn ra nhanh chóng sau đó ở hầu hết các mã khác, khiến VN-Index bị rung lắc và cuối cùng đã không thể cầm cự nổi trong đợt khớp lệnh ATC.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực bán đã xuất hiện mạnh ngay từ đầu phiên, trong khi thị trường cũng không còn nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn như trước đây, khiến VN-Index giảm khá mạnh ngay khi mở cửa.
Cụ thể, mở cửa, VN-Index giảm 3,5 điểm (-0,58%), xuống 600,35 điểm với 3,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 59,4 tỷ đồng.
Đà giảm được nới rộng dần khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục khi sắc đỏ lan rộng khắp bảng điện tử với số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng. Trong nhóm VN30 và HNX30, số mã tăng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
VNM sau phiên hứng khởi hôm qua sau thông tin HĐQT trình ĐHCĐ kế hoạch chia cổ tức 2015 khủng, đã nhanh chóng hạ nhiệt theo xu hướng chung của thị trường. Mở cửa phiên sáng nay, VNM giảm 1 bước giá xuống 143.000 đồng và sau đó lình xình quanh mức giá này. Thanh khoản cũng không còn được như phiên hôm nay khi sự thận trọng đã trở lại với nhà đầu tư sau những phút ngấu hứng đầu tuần.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng cũng đa số chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ BID và EIB đang có sắc xanh nhạt, nhưng đà tăng cũng không vững.
Cổ phiếu dầu khí cũng đang giảm khá mạnh khi giá dầu thô trong phiên đầu tuần quay đầu giảm mạnh 4% sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục mới, trong khi cũng ít khả năng có thỏa thuận đóng băng sản lượng sau động thái thay Bộ trưởng Dầu mỏ của Ả Rập Xê út.
Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, lực cầu hoạt động khá tốt, nhất là sự nhập cuộc của các nhà đầu tư nước ngoài tại một số mã lớn như nhóm ngân hàng, GAS, VIC, MSN, giúp VN-Index chặn đứng đà giảm và quay đầu đi lên. Có lúc, chỉ số này đã chuyển sắc xanh, nhưng đà tăng không giữ được lâu, bởi áp lực bán vẫn còn lớn.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,39 điểm (-0,23%), xuống 602,46 điểm với 57 mã tăng và 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,75 triệu đơn vị, giá trị 1.401,56 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,25 triệu đơn vị, giá trị 217 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 0,41 điểm (-0,51%), xuống 79,99 điểm với 51 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,7 triệu đơn vị, giá trị 246,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn.
Trở lại với diễn biến của một số mã đáng chú ý. VNM sau khi chịu rung lắc đầu phiên, cũng đã lấy lại thế cân bằng và chốt phiên ở mức tham chiếu 144.000 đồng, cũng là mức cao nhất phiên. Tuy nhiên, thanh khoản không còn tốt như phiên hôm qua.
Nhóm ngân hàng với lực cầu ngoại tốt đã trở lại mốc tham chiếu, trong khi BID duy trì đà tăng 2,25%, lên 18.200 đồng với 2,98 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau FLC (6,13 triệu đơn vị), trong đó riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 0,67 triệu đơn vị, lớn nhất trong sáng nay.
EIB cũng giữ được mức tăng tối thiểu, đóng cửa ở mức 10.800 đồng, nhưng đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong phiên sáng nay.
Ngoài nhóm ngân hàng, một số bluechip khác cũng đã lấy lại sắc xanh, hỗ trợ cho thị trường như FPT, DCM, một vài mã bảo hiểm, trong khi các mã lớn khác trở lại tham chiếu, ngoài VNM còn có VIC, MSN, BVH.
Việc thị trường quay đầu khiến áp lực bán tại nhiều mã cũng giảm bớt. Trong đó, sau khi bị bán ồ ạt và xuất hiện dư mua sàn 30.500 đồng trong nửa đầu phiên, SBT đã hồi dần và chốt phiên ở mức 30.900 đồng, giảm 5,5% với 2,56 triệu đơn vị được khớp.
Tương tự, đà giảm cũng đã dừng lại tại nhiều mã nhỏ và vửa, trong đó nhiều mã đã trở lại mốc tham chiếu như FLC, HAI, HQC, DLG, ITA… số khác có sắc đỏ, nhưng cũng chỉ giảm 1, 2 bước giá.
Trên HNX, cổ phiếu sáng nhất là PGS khi tăng 2,67%, lên 19.200 đồng với 0,7 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, thị trường còn có sự hỗ trợ của một vài mã bluechip khác như AAA, VNR, PHP, trong đó PHP sáng nay chỉ được khớp đúng 1 lệnh duy nhất với lô tối thiểu 100 đơn vị tại mức giá 22.600 đồng, tăng 9,17%. Mức tăng này không phản ánh đúng cán cân cung cầu của PHP. Hiện bên mua chỉ mua ở mức tham chiếu trở xuống, trong khi bên bán lại muốn bán ở mức giá cao hơn tham chiếu ít nhất là 2,4%.
Như đã đề cập ở trên, việc thị trường hãm đà rơi trong phiên sáng nay có sự góp công lớn từ lực cầu ngoài. Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 4,2 triệu đơn vị (chưa có số liệu bán ra), trong đó mua vào mạnh chủ yếu là các mã lớn như ngân hàng, VIC, MSN, GAS… Trong khi trên HNX, khối ngoại mua mua ròng 342.620 trong phiên sáng nay.