Phiên giao dịch sáng 9/9: Liệu có tháo chạy?

(ĐTCK) Sau nhiều phiên cầm cự, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đã thể hiện rõ tâm lý muốn thoát hàng trong phiên sáng nay. Liệu đây có phải là dấu hiệu báo hiệu hành động thoát chạy trong phiên chiều?
Phiên giao dịch sáng 9/9: Liệu có tháo chạy?
Nhận định về xu hướng của thị trường, đa số công ty chứng khoán cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường sẽ đối mặt với áp lực chốt lời lớn và sẽ có những phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, trong dài hạn, xu hướng của thị trường vẫn là tăng điểm. Những phiên điều chỉnh này chính là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy các cổ phiếu chứng khoán, nhất là các công ty chứng khoán có tự doanh mạnh.

Cùng với nhóm bất động sản, nhóm cổ phiếu chứng khoán chính là những chỉ báo cho xu hướng của thị trường. Vì vậy, 2 nhóm cổ phiếu này tăng điểm chính là những chỉ báo tích cực cho xu hướng tăng dài và mạnh của thị trường.

Trở lại với phiên giao dịch sáng nay. Tâm lý nhà đầu tư khá dè dặt khi bước vào phiên hôm nay sau khi VN-Index không thể giữ được mốc 640 điểm trong phiên đầu tuần. Sau 3 phiên thất bại khi gặp mốc điểm này, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, mốc 640 điểm đã trở thành mốc kháng cự mới của VN-Index.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,65 điểm (+0,1%), lên 640,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,33 triệu đơn vị, giá trị 74 tỷ đồng. HNX-Index cũng có sắc xanh nhẹ ngay khi mở cửa phiên giao dịch, nhưng thay vì nới rộng dần đà tăng như phiên đầu tuần, HNX-Index lại nhanh chóng yếu đà, quay đầu đi xuống dưới mốc tham chiếu.

Tương tự, VN-Index cũng chỉ cầm cự được mốc 640 điểm trong khoảng thời gian ngắn trước khi quay đầu xuống dưới mốc tham chiếu do chịu áp lực chốt lời. Sau đó, VN-Index giằng co mạnh quanh mốc 640 điểm.

Áp lực chốt lời luôn tục trực mỗi khi VN-Index lên ngưỡng 640 điểm. Khác với phiên đầu tuần, áp lực chốt lời sáng nay diễn ra ở diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu, khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 4,62 điểm (-0,72%), xuống 635,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,46 triệu đơn vị, giá trị 2.287,2 tỷ đồng.Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,86 triệu đơn vị, giá trị 305,13 tỷ đồng với những giao dịch lô lớn ở APC, KCB, KSH, HAG và đặc biệt là SAM với 8 triệu cổ phiếu được sang tên. VN30-Index giảm 4,71 điểm (-0,69%), xuống 674,12 điểm.

HNX-Index giảm 1,02 điểm (-1,13%), xuống 88,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,97 triệu đơn vị, giá trị 816,04 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 36,59 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 2,3 điểm (-1,24%), xuống 183,06 điểm.

Dù áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng và khá dứt khoát khiến các cổ phiếu lớn, nhỏ đều quay đầu giảm giá, các nhóm cổ phiếu tạo sóng thời gian qua như bất động sản, khoáng sản, thủy sản, dầu khí cũng đều bị bán mạnh và quay đầu điều chỉnh. Số cổ phiếu giảm giá chiếm gấp hơn 3 lần số mã tăng giá.

Các cổ phiếu lớn như VNM, GAS, MSN, VCB, BID, DPM, BVH... đều đồng loạt quay đầu, sắc xanh chỉ còn xuất hiện lẻ tẻ ở một vài mã bluechip như CTG, GMD, SSI, HCM, STB, PVD.

Nhóm bất động sản đều đồng loạt giảm giá, trong đó, ITA giảm 200 đồng (-2,13%), xuống 9.200 đồng với 7,26 triệu đơn vị. FLC cũng mất 300 đồng (-2,27%), xuống 12.900 đồng với 5,23 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm khoáng sản cũng chỉ còn KSH là giữ được đà tăng, còn lại đều quay đầu giảm giá. Áp lực bán của nhóm khoáng sản đã xuất hiện từ phiên đầu tuần và càng mạnh hơn theo đà bán chung của thị trường trong phiên sáng nay.

Trong nhóm dầu khí, ngoài PVD bật trở lại, các mã nhỏ khác như PXI, PXS, PXT vẫn còn giữ được đà tăng mạnh, còn lại cũng đã quay đầu giảm giá.

Trái ngược với các nhóm cổ phiếu khác và xu thế chung của thị trường, nhóm chứng khoán trên HOSE với sự dẫn dắt của SSI lại bất ngờ đi ngược với xu hướng, trùng như nhận định và khuyến nghị của các công ty chứng khoán.

Trong đó, SSI chốt phiên sáng tăng 300 đồng (+1,02%), lên 29.700 đồng với 5,75 triệu đơn vị được khớp; HCM tăng 400 đồng (+1,02%), lên 39.600 đồng với 1,45 triệu đơn vị được khớp. BSI thậm chí còn tăng mạnh hơn 500 đồng (+5,68%), lên 9.300 đồng, có lúc đã cán mức giá trần 9.400 đồng. Trong khi đó, AGR khá "trì" khi chỉ đứng ở tham chiếu 7.300 đồng.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong phiên sáng nay là sự bùng nổ của SAM khi cổ phiếu này gần như hút hết dòng tiền chốt lời từ các mã khác. Kết thúc phiên, ngoài 8 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuận, SAM còn được khớp tới gần 10,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 12.500 đồng hơn 700.000 đơn vị.

Trên HNX, nhóm chứng khoán lại không có diễn biến tích cực như trên HOSE khi chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu, trong khi sóng dầu khí cũng đã bị chặn, chỉ còn PVE duy trì sắc xanh. Trong đó, PVX được khớp 8,47 triệu đơn vị, giảm 200 đồng (-3,18%), xuống 6.100 đồng.

PVS và PVC, 2 mã có tính chỉ báo xu hướng của HNX-Index đều giảm mạnh. Trong đó, PVS giảm 700 đồng (-1,67%) và PVC giảm 1.900 đồng (-5,34%).

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ