Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/9 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/9

Sasco: Sẽ chưa niêm yết cổ phiếu

CTCK Vietcombank (VCBS)

Ngày 5/9/2014, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) có tổ chức cuộc họp báo giới thiệu về cơ hội đầu tư vào công ty trong đợt IPO sắp tới. Chúng tôi xin được đưa ra một số phân tích ngắn gọn về Sasco như sau:

Sasco được thành lập năm 1994, là công ty con của TCT Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). TCT sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 100% xuống còn 51% thông qua quá trình CPH vào T9.2014 với dự định bán 23,6% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược là các công ty liên quan đến tập đoàn Imex Pan Pacific của ông Jonathan Hạnh Nguyễn. Theo đó, Sasco có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ trong các lĩnh vực kinh doanh chính từ các cổ đông chiến lược. Đồng thời, Sasco sẽ bán đấu giá công khai 23,65% cổ phần ra công chúng và bán 1,75% cổ phần cho CBCNV trong công ty.

Sasco hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, hàng bách hóa mỹ nghệ và cung cấp dịch vụ tại sân bay. Ngoài ra, công ty đang có kế oạch đầu tư một số dự án bất động sản trong thời gian sắp tới.

Sasco có vị thế là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại và cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không lớn và nhộn nhịp nhất Việt Nam, là công ty lớn nhất trong ngành và nhận được nhiều sự hỗ trợ của TCT Cảng hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, so với một số doanh nghiệp hoạt động thương mại, dịch vụ tại sân bay, Sasco có các chỉ số tài chính không tốt bằng do ngành nghề inh doanh chính có phần khác nhau và công ty có khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả.

Trong giai đoạn 2010-2013, doanh thu của công ty tăng trưởng khá, trung bình 14% hàng năm. Theo đó, lợi nhuận cũng tăng trung bình 12% hàng năm. Tuy nhiên biên lợi nhuận ròng đạt được khá thấp, chỉ khoảng 6% do các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì ở mức cao. Công ty có cơ cấu tài chính lành mạnh với lượng tiền và tương đương tiền dồi dào, hệ số nợ chịu lãi vay thấp, đồng thời khả năng quản lý vốn lưu động tốt khi chu kỳ chuyển đổi tiền mặt âm.

Sasco có tiềm năng tăng trưởng tới năm 2017 khi thị trường hàng không quốc tế và Việt Nam tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên với việc sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất tối đa vào năm 2017 và sân bay Long Thành đi vào hoạt động từ năm 2025 thì đà tăng trưởng của Sasco sẽ chậm lại. Giá trị hợp lý theo số liệu ngày 4/9/2014 của Sasco là 12.735 đồng/CP. Ngoài ra, Sasco sẽ không thực hiện việc niêm yết cổ phiếu ngay sau khi cổ phần hóa nên nhà đầu tư cũng nên lưu ý về vấn đề thanh khoản của cổ phiếu này.

Sasco: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi sử dụng phương pháp P/E để định giá cổ phiếu SASCO với không gian mẫu được lựa chọn là các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng không tại các thị trường mới nổi như  Trung Quốc, Thái Lan bên cạnh một công ty Việt Nam khác là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS).

Sau khi điều chỉnh P/E dựa vào rủi ro tương quan giữa thị trường Việt Nam và thị trường quốc gia của các công ty được xét, hệ số P/E bình quân là  11,9x. 

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2014,  SASCO  đạt 146,5  tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với EPS forward 2014 là 1.114  đồng/cổ phiếu. Kết quả định giá theo phương pháp P/E,  giá  hợp lý của SASCO là 13.300 đồng/cp, cao hơn 33% so với mức giá khởi điểm. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với SASCO.

>> Tải báo cáo

BCC: P/E hiện ở mức khoảng 5,0 lần

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kể từ ngày 30/6/2014 đến nay, đồng EUR đã giảm khoảng 5,5% do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong thời gian qua liên tục cắt giảm một số lãi suất chủ chốt nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Việc này có tác động tích cực đến các doanh nghiệp Việt Nam có số dư nợ vay ngoại tệ bằng đồng EUR.

Thu nhập từ lãi tỷ giá trong quý III/2014 ước tính khoảng 100 tỷ đồng Theo báo cáo tài chính ngày 30/6/2014, BCC đang có khoản vay ngoại tệ dài hạn với tổng trị giá là 64,6 triệu EUR, với thời hạn vay là 8,5 năm tính từ tháng 9/2009, trong đó nợ gốc đến hạn trả là 18 triệu EUR.

Theo quy định tại Thông tư 179/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp, nếu biến động đồng EUR tới thời điểm cuối quý III/2014 không thay đổi so với hiện tại, chúng tôi ước tính BCC có thể sẽ hạch toán một khoản doanh thu tài chính khoảng 100 tỷ đồng trong quý III/2014 do đánh giá lại khoản vay dài hạn 64,6 triệu EUR.

Phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước trong quá trình đầu tư nhà máy Trong quá trình đầu tư xây dựng dây chuyền mới của Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, BCC đã có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá luỹ kế tính đến ngày hoàn thành đầu tư dây chuyền mới với tổng số tiền là 349 tỷ đồng, và khoản lỗ này được phân bổ dần trong 5 năm kể từ năm 2009 (theo quy định của Bộ Tài chính, khoản lỗ tỷ giá này được phân bổ trong thời gian không quá 5 năm kể từ khi dây chuyền mới đi vào hoạt động).

Từ năm 2009 đến 2013, BCC đã phân bổ tổng cộng 177 tỷ đồng vào chi phí tài chính. Theo kế hoạch, BCC sẽ phân bổ 172 tỷ đồng còn lại vào chi phí tài chính năm 2014, trong đó 6 tháng đầu năm 2014 đã phân bổ khoảng 74 tỷ đồng, còn lại 98 tỷ đồng dự kiến sẽ phân bổ nốt trong nửa cuối năm 2014.

Đánh giá lại lợi nhuận 2014

Năm 2014, BCC đặt kế hoạch doanh thu 4.166 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 160 tỷ đồng (đã tính đến khoản phân bổ trích lập lỗ chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư xây dựng dây chuyền 2). Trong trường hợp nếu đồng EUR vẫn giữ ở mức thấp như hiện nay cho đến hết quý III/2014, BCC sẽ đánh giá lại giá trị khoản vay dài hạn 64,6 triệu EUR vào cuối quý III/2014 và hạch toán vào doanh thu tài chính khoảng 100 tỷ đồng trong quý 3/2014.

Việc hạch toán doanh thu tài chính đột biến trong quý III/2014 sẽ dẫn đến lợi nhuận sau thuế năm 2014 có thể đạt khoảng 203 tỷ đồng, tăng khoảng 63% so với kế hoạch. EPS năm 2014 có thể đạt 2.120 đồng/cổ phần, tương đương với P/E hiện ở mức khoảng 5,0 lần.

TBC: Lợi nhuận năm 2014 ước đạt 160 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

TBC có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 81.2 tỷ và doanh thu đạt 176 tỷ. TBC là công ty thủy điện có tỷ suất lợi nhuận ròng cao nhất trong các công ty thủy điện đang niêm yết do đã qua giai đoạn đầu tư và đã trả hết nợ vay.

Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể trong năm nay do giá bán điện bình quân của TBC tăng gần 50% từ năm 2013 nhờ gia nhập thị trường phát điện cạnh tranh. Giá bán điện bình quân hiện tại đạt 772 đồng/kWh, tăng 47% và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Công ty gần như không còn vay nợ, không có nhu cầu đầu tư mới, hoạt động ổn định do đó có khả năng trả cổ tức cao cho các cổ đông. Triển vọng lợi nhuận sẽ duy trì ở mức tốt trong các năm tới nhờ giá bán điện có xu hướng tiếp tục tăng.

Công ty đã thoái bớt vốn đầu tư tại Nhiệt điện Hải Phòng trong hai quý đầu năm và chỉ còn nắm giữ 3 triệu cổ phiếu của Công ty này.

Trên 97% tài sản cố định của TBC là nhà cửa và hệ thống máy móc, trong đó có 3 tổ máy phát điện. Các tài sản này dự kiến sẽ khấu hao hết trong 6 năm nữa tính từ năm 2014, với chi phí khấu hao hàng năm khoảng trên 40 tỷ. Tuy nhiên chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ ngày càng tăng và do đó thay thế chi phí khấu hao. Chúng tôi dự phóng, lợi nhuận sau thuế của TBC sẽ đạt mức 160 tỷ trong năm 2014.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục