Phiên giao dịch sáng 9/10: Dầu khí trở lại, VN-Index hướng tới mốc 630 điểm

(ĐTCK) Sự trở lại của họ dầu khí, đặc biệt là sức bật của GAS đã giúp VN-Index bay cao trong phiên sáng nay.
Phiên giao dịch sáng 9/10: Dầu khí trở lại, VN-Index hướng tới mốc 630 điểm

Sự trở lại của nhóm cổ phiếu dầu khí đã giúp nhà đầu tư hưng phấn hơn khi bước vào phiên sáng nay giúp cả hai sàn cùng tăng điểm khá mạnh.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 4,99 điểm (+0,81%) tạm đứng ở mức 622,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,63 triệu đơn vị và tổng giá trị tương ứng 57,9 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng điểm tiếp tục được nới rộng nhờ dòng tiền vào thị trường duy trì ở mức cao. Sắc xanh chiếm áp đảo trên sàn với số lượng gần gấp 3 lần số cổ phiếu giảm.

Cổ phiếu GAS tăng mạnh đã đưa VN-Index tới ngưỡng kháng cự mới khi mã này có lúc chạm trần và hiện tăng 6.000 đồng (+5,5%).  Cùng với GAS, PVD và BVH cũng chính là những lực đỡ cho VN-Index trong phiên sáng nay.

Trong nhóm Vn30, mặc dù chỉ lác đác vài ba mã đỏ điểm, nhưng đà tăng của các mã còn lại khá thấp nên không hỗ trợ nhiều cho đà tăng chung của thị trường. Trong đó, nếu phiên trước cổ phiếu VNM là bệ đỡ chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm thì trong phiên sáng nay, cổ phiếu này đang đứng nguyên ở mốc tham chiếu.

Với thông tin vừa công bố, ngày 20/10 tới, PNJ sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 12% và thời gian thanh toán dự kiến ngày 10/11 giúp cổ phiếu nhanh chóng lấy lại được đà tăng điểm. Hiện PNJ tăng 600 đồng (+1,58%), tuy nhiên, giao dịch khá thấp khi chỉ khớp hơn 2.000 đơn vị.

Bên cạnh đó, thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với tổng doanh thu hợp nhất đạt 290.500 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch 9 tháng và 82% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 36.500 tỷ đồng, bằng 131% kế hoạch 9 tháng và 91% kế hoạch năm tiếp tục thổi luồng gió mới vào nhóm cổ phiếu họ dầu khí. Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này vẫn duy trì đà tăng điểm khá mạnh. Trong đó, PXS và PVD cùng tăng 1.000 đồng/CP, PTL, PXT, PET, PGD… cũng lần lượt xanh.

MWG, một trong những mã có thị giá lớn nhất sàn cũng được đẩy mạnh lên mức trần ngay từ đầu phiên. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 dao động nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản và thủy sản sau mấy phiên tăng mạnh đã bị chốt lời sáng nay. Nhóm vận tải biển cũng không có được sự đồng đều.

Còn FLC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thanh khoản trên sàn với hơn 3,95 triệu đơn vị và hiện đang đứng ở mốc tham chiếu 11.800 đồng/CP.

Trên HNX, các cổ phiếu dẫn dắt như ACB, BVS, CTS, KLS, PVC, PVS, PVB, PGS, VND, VCG,… đang hỗ trợ khá tốt cho đà tăng của HNX-Index. Trong đó, tâm điểm của dòng tiền vẫn là các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán và dầu khí.

Nhóm cổ phiếu dầu khí với các trụ cột như PVS tăng 300 đồng (+0,7%), PVC tăng 800 đồng (+2,22%), PGS tăng 400 đồng (+1,1%), PVB tăng 1.000 đồng (+1,72%), cùng PVX cũng tăng nhẹ 100 đồng…

Cổ phiếu SHB đang có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 6,46 triệu đơn vị với mức giá tăng khá tốt, tương ứng tăng 200 đồng (+2,15%) lên 9.500 đồng/CP.

Mặc dù áp lực bán vẫn duy trì ở mức cao, nhưng lực cầu giá thấp cũng tỏ ra không thua kém đã hấp thụ dòng tiền mạnh giúp thanh khoản tăng đáng kể. VN-Index duy trì được đà tăng ổn định nhờ vào lực đỡ từ GAS và các cổ phiếu họ dầu khí.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 7,7 điểm (+1,25%) lên 624,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 92,19 triệu đơn vị và tổng giá trị 1.631,66 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 6 triệu đơn vị, trị giá 209,63 tỷ đồng. Riêng BCI thỏa thuận 2,29 triệu đơn vị, trị giá 42,52 tỷ đồng và HSG thỏa thuận gần 3 triệu đơn vị, trị giá hơn 125,56 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,32%) lên 91,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 47,65 triệu đơn vị và tổng giá trị tương ứng 734,32 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,84 triệu đơn vị, tổng giá trị 218,21 tỷ đồng. Riêng OCH thỏa thuận tới gần 8,7 triệu đơn vị, trị giá 200,87 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tiếp tục là lực hãm đà bứt phá của VN-Index khi hầu hết các cổ phiếu lớn đều đang giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu. Trong đó, VIC giảm 600 đồng (-1,2%), KDC giảm 500 đồng (-0,83%), DRC giảm 500 đồng (-0,76%)…, còn VNM, MSN, CTG… vẫn đứng ở mốc tham chiếu. Chốt phiên, VN30 có tới 14 mã tăng, chỉ 5 mã giảm và 11 mã đứng giá, chỉ số Vn30-Index chỉ tăng 0,89 điểm (+0,14%) đứng ở mức 659,87 điểm.

Trong khi đó, GAS vẫn là trụ cột chính nâng đỡ thị trường khi duy trì đà tăng 6.000 đồng (+5,5%) với thanh khoản khá tốt đạt hơn nửa triệu đơn vị. Cùng các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như PVD, BVH, HPG, VCB… cũng tăng điểm khá mạnh.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chịu áp lực bán ra khá mạnh, tuy nhiên, nhờ dòng tiền hấp thụ mạnh nên đà giảm không sâu. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục được nhà đầu tư săn đón với khối lượng khớp lệnh cao. Cụ thể, FLC đã rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu nhưng đóng cửa vẫn duy trì mức 11.800 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 5,94 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn sàn. HQC cũng chỉ nhích nhẹ trên mốc tham chiếu một bước giá và đã chuyển nhượng 3,95 triệu đơn vị, cặp đôi DXG và KBC cùng điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng với khối lượng khớp cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị…

Mặt khác, với sự hỗ trợ của thông tin tốt, nhóm cổ phiếu dầu khí trên cả hai sàn tiếp tục duy trì đà tăng khá ổn định như PVD, PVS, PVC, PGS…

Nhóm cổ phiếu HNX30 vẫn là các trụ cột chính giúp HNX-Index duy trì sắc xanh đến hết phiên giao dịch. Chốt phiên, HNX30-Index tăng 0,96 điểm (+0,52%) lên 186,75 điểm với 13 mã tăng, 8 mã giảm và 9 mã đứng giá.

Cổ phiếu SHB cũng chịu áp lực bán ra và lùi về mức giá thấp nhất trong phiên. Đóng cửa, SHB tăng nhẹ 100 đồng (+1,08%) đứng ở mức 9.400 đồng/CP và chuyển nhượng thành công hơn 7,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường. Còn PVX cũng lùi về mốc tham chiếu với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục