Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/10

KBC: Cân nhắc rủi ro pha loãng lợi ích

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Hôm nay, cổ phiếu KBC tiếp tục tăng mạnh lên 17.500 đồng với khối lượng khớp lên cả phiên đạt gần 7,3 triệu cổ phiếu, trong đó, khối ngoại cũng mua 1 triệu cổ phiếu. Theo quan sát của chúng tôi, trong vòng 2 tháng trở lại đây KBC đã tăng hơn 58%. Mức tăng này có sự đóng góp không nhỏ của hàng loạt thông tin tích cực liên tục được doanh nghiệp công bố.

Trong thông cáo báo chí được đăng tải hôm qua, KBC cho biết Dragon Capital đã đăng ký mua 375 tỷ đồng trong tổng số 1.200 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu chuyển đổi mà Công ty dự kiến phát hành thời gian tới.

Bên cạnh số TPCĐ này, tuần trước, KBC cũng đã xin ý kiên cổ đông về việc 120 cổ phiếu riêng lẻ với giá phát hành dự kiến khoảng 15.000/cp. Với quỹ đất hơn 2.400 ha ở khu vực Bắc Ninh và Hải Phòng, phần lớn là đất sạch, KBC có thế mạnh rất lớn trong lĩnh vực phát triển các dự án KCN ở phía Bắc. Trong đó, KCN Tràng Duệ (KBC sở hữu 90%) với vị trí địa lý thuận lợi, gần đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng quốc tế Hải Phòng; cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường Tân Vũ- Lạch Huyện… có nhiều tiềm năng để khai thác. Nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, các doanh nghiệp trong KCN Tràng Duệ sẽ được hưởng các ưu đãi như: thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm, giảm 50% cho 9 năm tiếp theo…

Với những lợi thế này, trong tháng 8, KBC đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với LG Electronics, trong đó cho biết LGE có ý định thuê thêm 50ha đất tại KCN Tràng Duệ với tổng giá trị 650 tỷ đồng. KBC cho biết hiện Công ty đang hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ để phục vụ cho dự án của LGE mà còn cho các công ty vệ tinh của tập đoàn này.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ cao và áp lực chi phí lãi vay lớn kéo theo chính là rào cản đối với khả năng tăng trưởng, lợi nhuận sau thuế của KBC trong những năm gần đây. Đến cuối quý II, số dư các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của KBC lần lượt là 2.699 tỷ đồng và 952,7 tỷ đồng với tỷ lệ Nợ/vốn chủ sở hữu là 71,7%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của KBC đã lên đến hơn 170 tỷ đồng.

Theo ước tính của chúng tôi, việc phát hành cổ phiếu và TPCĐ, nếu thành công, sẽ đem lại hơn 3.000 tỷ đồng để giúp KBC trả bớt các khoản vay nói trên. Qua đó, Công ty có thể tiết kiệm được gần 400 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi năm (tương đương EPS khoảng 1.000 đồng/cp với số lượng cổ phiếu hiện tại). Như vậy, nhận định một cách sơ bộ dựa trên những thông tin được công bố, triển vọng của KBC trong các năm tới là tương đối khả quan. Tuy nhiên, nếu có ý định đầu tư dài hạn vào cổ phiếu, nhà đầu tư nên cân nhắc rủi ro pha loãng lợi ích sau khi Công ty phát hành cổ phiếu và TPCĐ.

DRC và CSM: P/E đang được giao dịch ở mức thấp

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Giá cao su cuối quý III/2014 giảm khoảng 37% so với cùng kỳ 2013, hiện đang giao dịch tại 1.490 USD/tấn. DRC và CSM lần lượt đưa vào vận hành nhà máy lố p radian toàn thép với công suất 300.000 và 350.000 chiếc lốp/năm.

Hưởng lợi từ giá mủ cao su thế giới tiếp tục xu hướng giảm. Cao su thiên nhiên là nguyên liệu đầu vào chiếm 50% giá thành sản xuất của các công ty cao su săm lốp. Trong 9 tháng đầu năm 2014, giá cao su vẫn trong xu hướng giảm trung hạn. Hiện giá mủ tờ RSS3, giảm khoảng 37% so với cùng kỳ năm ngoái so với cùng kỳ 2013 hiện chỉ còn giao dịch ở mức 1.490 USD/tấn. Giá cao su giảm là do hiện tượng dư cung trên thế giới và hiện tượng này được dự báo có thể kéo dài đến hết 2015. Cụ thể, tổ chức Nghiên cứu Cao Su Thế giới (IRSG) dự báo dư cung năm 2014 đạt 371.000 tấn, năm 2015, sẽ là 202.000 tấn.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/10 ảnh 1

Triển vọng dài hạn tốt nhờ lốp radian toàn thép. Hai công ty săm lốp trong ngành là DRC và CSM đã lần lượt vận hành 2 nhà máy lốp radian toàn thép mới với công suất lần lượt là 300.000 và 350.000 chiếc lố p/năm. Đầu năm 2014, DRC đã ký hợp đồng xuất khẩu 10.000 chiếc lốp/tháng.

Chúng tôi kỳ vọng sang năm 2015, DRC sẽ ký được thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu. CSM đang xin cấp chứng nhận chất lượng quốc tế và nếu thuận lợi công ty sẽ bắt đầu xuất khẩu trong quý IV/2014. Trước khi nhà máy của DRC và CSM đi vào hoạt động, dòng lốp này tại Việt Nam gần như100% là phải nhập khẩu. Hiện tại, ch ỉ 10% lượng xe trong nước sử dụng lốp radian toàn thép trong khi tỷ lệ này ở các nước Châu Âu là 90%, cho thấy dư địa tăng trưởng lố p radian toàn thép rất lớn.

Hưởng lợi nhờ thắt chặt quy định tải trọng xe. Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn số 3703/BGTVT -VT giữa tháng 4 yêu cầu thắt chặt kiểm soát tải trọng xe. Với cùng 1 lượng hàng hóa trong nền kinh tế, việc thắt chặt quy đị nh về tải trọ ng sẽ khiến việc vận chuyển hàng hóa của các nhà sản xuất chậm trễ.

Để đảm bảo đúng tiến độ giao hàng đòi hỏi các doanh nghiệp tăng số lượng xe vận tải. Chúng tôi cho rằng, sự kiện này có lợi cho tiêu thụ xe và săm lốp cho thị trường lắp ráp mới nói chung và lốp radian toàn thép của DRC và CSM nói riêng trong quý IV/2014 và 2015.

Định giá tương đối thấp. Các công ty cao su săm lốp niêm yết đang được giao dịch tại P/E 2014 12,2 lần, tương đối thấp so với VN-Index hiện khoảng 14,5 lần.

TCM: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

TCM công bố giấy chứng nhận và kế hoạch đầu tư nhà máy Vĩnh Long. Ngày 16/9/2014 TCM đã được ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án các nhà máy sản xuất dệt may bao gồm:

Nhà máy may 1 (từ tháng 9/2014-11/2014): Vốn đầu tư 165,5 tỷ đồng, sản lượng 6,1 triệu sp/năm. Dự kiến đi vào hoạt động chính thức tháng 1/2015.

Nhà máy may 2 (từ tháng 3/2015-9/2015): Vốn đầu tư 122,5 tỷ đồng, sản lượng 6,1 triệu sp/năm. Dự kiến đi vào hoạt động chính thức tháng 11/2015.

Nhà máy đan và nhà máy nhuộm (từ tháng 3/2016-12/2016): Vốn đầu tư 357 tỷ đồng, công suất đan 4,8 tấn/năm và công suất nhuộm 10,6 tấn/năm. Dự kiến đi vào hoạt động chính thức tháng 4/2017.

Chúng tôi cho rằng TCM có thể sẽ cần thêm 3 tháng để thử nghiệm nhà máy may 1 và dự kiến tạo ra doanh thu từ tháng 4/2015. Công suất khâu may hiện tại của TCM là 18 triệu sản phẩm/năm, trong đó các nhà máy của TCM sản xuất 15 triệu sản phẩm và thuê ngoài 3 triệu sản phẩm. Nhà máy may 1 với công suất 6,1 triệu sản phẩm năm khi đi vào hoạt động chính thức sẽ nâng tổng năng lực sản xuất khâu may lên 21,1 triệu sản phẩm/năm, tăng 60% so với hiện tại. Chúng tôi cho rằng các dự án này sẽ là yếu tố dẫn dắt TCM tăng trưởng doanh thu trong các năm tới.

Biên lợi nhuận mảng sợi cải thiện nhờ giá bông giảm. Nhằm giữ chi phí giá nguyên liệu phù hợp với diễn biến giá bông thế giới, TCM đã thay đổi chiến lược mua nguyên liệu với 40% mua tương lai và 60% mua giao ngay. Công ty cho biết đã mua vào khoảng 1.000 tấn bông với giá 62 cent/pound. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của mảng sợi dự kiến tăng lên 8-9% so với mức 3-5% ở 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, TCM đã chốt giá hợp đồng bán sợi ở mức giá khá cao khoảng 3,2 USD/kg trong tháng 8/2014, do vậy doanh thu mảng sợi sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi giá bông giảm. Ngoài ra, giá bông giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của mảng vải và mảng may mặc

Nâng lợi nhuận 2014. TCM đặt mục tiêu đạt 68,5 triệu USD doanh thu và 4,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế cho 6 tháng cuối năm 2014. Nếu hoàn thành, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm ước tính đạt 2.765 tỷ đồng (-2,1% so với kế hoạch ban đầu) và 172 tỷ đồng (+4,8% so với kế hoạch ban đầu). Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đánh giá khả năng TCM hoàn thành kế hoạch trong năm 2014 là khá cao.

Điều chỉnh giá mục tiêu. Chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu cho cổ phiếu TCM từ mức 32.500 VND/CP lên 40.700 VND/CP dựa trên cơ sở sau:

Phương pháp DCF:

(1) Điều chỉnh CDS (Credit Default Swap): Cán cân thanh toán cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, kinh tế vĩ mô có dấu hiệu hồi phục giúp CDS Việt Nam liên tục giảm từ đầu năm 2014. Theo đó CDS trong công thức tính suất chiết khấu được điều chỉnh giảm từ 290.5 điểm xuống 265 điểm, làm cho WACC giảm từ 15.7% xuống còn 15.1%.

(2) Điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng dài hạn từ 2% lên 3%. Phương pháp P/E. Giá cổ phiếu ngành dệt may đã tăng khoảng 29% so với đầu năm 2014. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh P/E ngành lên 9,6 lần từ 6,8 lần trong báo cáo trước.

TCM là doanh nghiệp niêm yết duy nhất sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, xuất khẩu phần lớn sang Mỹ và đáp ứng yêu cầu xuất xứ “Từ sợi trở đi” của TPP. Cùng với việc doanh thu và lợi nhuận có những tăng trưởng rõ nét kể từ năm 2013, biên lợi nhuận gộp đang từng bước cải thiện. Thêm vào đó, các dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ là động lực để TCM tăng trưởng doanh thu trong tương lai. Do đó, chúng tôi khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của công ty và bảo lưu đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu TCM. Với mức giá đóng cửa ngày 19/9/2014, TCM đang giao dịch tại P/E khoảng 9,5 lần, tương ứng EPS dự phóng 3.602 VND/CP.

GMC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Triển vọng kinh doanh khả quan. Các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA EU-Việt Nam vẫn sẽ là các yếu tố hỗ trợ ngành dệt may tăng trưởng trong tương lai. Nhờ đó, số lượng đơn hàng dự kiến tiếp tục tăng từ các thị trường chủ lực và mở rộng sang những thị trường khác như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Canada... Dựa trên triển vọng này cùng với những kinh nghiệm và lợi thế sẵn có trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, việc đầu tư sản xuất và mở rộng kinh doanh sẽ là động lực dẫn dắt GMC tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Biên lợi gộp nhuận ổn định. Do đặc thù là ngành thâm dụng lao động và các doanh nghiệp dệt may đang phải cạnh tranh gay gắt về nguồn lao động do cầu lớn hơn cung nên áp lực tăng chi phí nhân công với GMC là khá lớn. Ngoài ra chi phí nguyên vật liệu ngày càng tăng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc nâng cao phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu FOB và ODM cùng với việc kết hợp phương pháp Lean Manufacturing sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của GMC. Dựa trên những cơ sở này, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận của GMC sẽ cải thiện trong năm 2014 và ổn định vào những năm tiếp theo.

Cơ hội tăng trưởng trong dài hạn. GMC đang chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược hay liên kết với các đơn vị may mặc để cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành may mặc đồng thời phát triển các thị trường chủ lực và mở rộng sang thị trường mới. Bên cạnh đó, GMC cũng mong muốn tìm đối tác cùng công ty khai thác và phát triển Trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế tại đường Hồng Bàng, Quận 5.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/10 ảnh 2

Ước tính kết quả kinh doanh 2014. Dựa vào cơ sở đã đưa ra, chúng tôi ước tính GMC sẽ đạt 1.376 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% yoy, hoàn thành 106% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 59,4 tỷ đồng, tăng 20,5% yoy.

Rủi ro đầu tư. Hoạt động của GMC phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên công ty khó chủ động về giá cả và thời hạn giao hàng. Ngoài ra, thanh khoản thấp cũng là vấn đề nhà đầu tư cần lưu ý.

Quan điểm của BVSC. Chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu GMC ở mức giá mục tiêu 53.000 VND/cổ phiếu dựa trên triển vọng khả quan của ngành dệt may và doanh nghiệp. GMC là công ty có hoạt động ổn định, tăng trưởng khá đều và tỷ lệ cổ tức tương đối cao (20-30%/năm). Do đó đây là cổ phiếu phù hợp với những nhà đầu tư an toàn.

EVE: Kết quả kinh doanh sẽ phục hồi vào cuối năm

CTCK Bảo Việt (BVSC)

EVE tiền thân là nhà máy của Công ty TNHH Viko Moolsan 100% vốn Hàn Quốc được thành lập tháng 12/1993. Hoạt động kinh doanh chính bao gồm 2 lĩnh vực là sản xuất bông tấm và sản xuất Chăn-Ga-Gối-Đệm. Ngoài ra công ty có định hướng mở rộng sang mảng kinh doanh nội thất.

Nguyên liệu chính của EVE là vải và xơ, được cung cấp bởi EP International JSC Hàn Quốc (98% xơ) và Tai Han Trung Quốc (92% vải). EVE thường ký hợp đồng mua nguyên liệu từ 4-6 tháng trước mùa vụ để có thể chủ động được chi phí, giá bán sản phẩm, giảm bớt rủi ro biến động giá nguyên liệu và tỷ giá.

Quy mô sản xuất lớn. EVE là công ty sản xuất Chăn-Ga-Gối-Đệm lớn nhất Việt Nam với 3 nhà máy sản xuất (Hà Nội, Hưng Yên, Đồng Nai). Các nhà máy đang hoạt động khoảng 80-90% công suấtthiết kế với năng suất khoảng 10 triệu sản phẩm Chăn-Ga-Gối-Đệm/năm và 30 triệu yard bông tấm/năm.

Hệ thống phân phối rộng, thương hiệu mạnh. EVE là công ty có hệ thống phân phối lớn

nhất ngành Chăn-Ga-Gối-Đệm với hơn 636 đại lý trên 61 tỉnh thành, chiếm 22% thị phần Chăn-Ga-Gối-Đệm và 31% thị phần bông tấm. Thương hiệu lớn nhất của EVE là EVERON. Đây là sản phẩm dẫn đầu thị trường Chăn-Ga-Gối-Đệm, dành cho phân khúc trung bình. Ngoài ra, công ty còn có Artemis cho phân khúc cao cấp và Edelin cho phân khúc bình dân. Bông tấm là nguyên liệu cho các công ty dệt may sản xuất áo jacket, làm mếch cổ áo. Khách hàng chính của mặt hàng bông tấm là các công ty may mặc Hàn Quốc, Mỹ và các công ty may xuất khẩu trong nước.

Giai đoạn 2009-2013, EVE luôn duy trì biên lợi nhuận gộp từ 34-42% nhờ chính sách dự trữ nguyên vật liệu và ấn định giá hợp lý. Đặc biệt là trong năm 2011, giá bông biến động mạnh 200% nhưng EVE vẫn giữ được biên lợi nhuận 39,8% cho cả năm.

6 tháng đầu năm 2014 EVE đạt 311 tỷ đồng doanh thu và 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 7% và 25% so với cùng kỳ năm 2013. Doanh thu từ Chăn-Ga-Gối-Đệm (đóng góp 35% tổng doanh thu) giảm 26% so với năm ngoái trong khi doanh thu từ bông tấm vẫn tăng 12% so với năm ngoái. Nhu cầu tiêu dùng suy yếu do nền kinh tế còn khó khăn và mức độ cạnh tranh với các thương hiệu khác như Bluesky, Kore, Hòa Bình, Sông Hồng… ngày càng gay gắt là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh sụt giảm. Với kết quả trên, EVE chỉ hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu và 33% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

EVE dự kiến đưa ra 4 loại sản phẩm nệm lò xo cao cấp trong tháng 9/2014 đồng thời sản phẩm Chăn-Ga-Gối-Đệm bước vào mùa vụ kinh doanh từ tháng 10 sẽ mang lại doanh thu cao cho công ty vào quý IV. Theo đó chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của EVE sẽ phục hồi vào giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp giảm (do chính sách thưởng hoa hồng cho các đại lý có doanh số) có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty trong năm 2014. Cổ phiếu EVE đang giao dịch tại P/E khoảng 7,8 lần dựa trên EPS kế hoạch khoảng 3.272 VND/CP, thấp hơn P/E trung bình ngành là 10,1 lần. EVE là cổ phiếu có thanh khoản yếu nên kém hấp dẫn nhà đầu tư.

KMR: P/E khá cao, khoảng 11,6 lần

CTCK Bảo Việt (BVSC)

KMR tiền thân là Công ty TNHH Mirae Fiber 100% vốn Hàn Quốc được thành lập tháng 12/1993 và chính thức hoạt động theo mô hình CTCP từ năm 2007. Hoạt động kinh doanh chính của KMR là sản xuất bông tấm (padding), chần bông (quilting) và chăn ga gối đệm (bedding). Doanh thu bông tấm chiếm khoảng 75% tổng doanh thu, doanh thu chần bông chiếm 16% còn lại là doanh thu Chăn-Ga-Gối-Đệm và các nguyên phụ liệu dệt may khác.

Lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, KMR đạt 185 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2013 nhờ số lượng đơn hàng gia tăng ở thị trường truyền thống Hàn Quốc và phát triển sang các thị trường mới là Mỹ và Nhật. Chi phí tài chính giảm 28% xuống còn 5,1 tỷ đồng (nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh 36% so với cùng kỳ năm ngoái) giúp bù đắp mức tăng 9,8% trong chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Đặc biệt KMR ghi nhận khoản lợi nhuận khác (thanh lý tài sản và bảo hiểm bồi thường) đạt 2,7 tỷ đồng so với mức lỗ 1,9 tỷ đồng ở cùng kỳ 2013. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, KMR đã hoànt hành 42% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2014.

Quý II và quý III hàng năm thường là mùa cao điểm về doanh thu. Bên cạnh đó, giá bông nguyên liệu đang trong xu hướng giảm so với đầu năm sẽ có tác động tích cực đến biên lợi nhuận của công ty. Do vậy nhiều khả năng kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt trong quý III.

Mảng kinh doanh bông tấm kỳ vọng tăng trưởng cao hơn khi TPP được ký kết. Xu hướng chuyển dịch các đơn hàng sang những nước có giá thành cạnh tranh như Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư FDI vào các nhà máy kéo sợi, dệt nhuộm dự kiến sẽ diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới để tận dụng lợi ích về thuế quan khi TPP được ký kết.

Theo đó, nhu cầu bông tấm của ngành dệt may Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng. Với vị thế là một trong những công ty cung cấp nguyên liệu bông gòn lớn nhất cho ngành dệt may Việt Nam và xuất khẩu sang các nước khác, mảng kinh doanh bông tấm của KMR kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao hơn, góp phần cải thiện doanh thu lợi nhuận trong thời gian tới.

Tháng 8/2013, KMR bất ngờ điều chỉnh kết quả kinh doanh năm 2012 từ lãi 3,9 t ỷ đồng sang lỗ 14 tỷ đồng do trích lập dự phòng khoản phải thu từ công ty mẹ. Điều này khiến cổ phiếu KMR bị bán tháo mạnh trong các phiên giao dịch sau đó.

Tại thời điểm 30/6/2014, khoản phải thu khách hàng c ủa KMR là 126 tỷ đồng, tăng 75% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu từ Mirae Fiber Technology Co., Ltd (công ty mẹ) có giá trị lớn nhất, chiếm 25% tổng giá trị khoản phải thu khách hàng.

Dự phòng khoản phải thu cũng tăng từ 18 tỷ đồng lên 21,8 tỷ đồng. Chúng tôi không có số liệu về số dư dự phòng của khoản phải thu này để đánh giá ảnh hưởng cụ thể đối với KMR tuy nhiên việc Mirae Fiber Tech thường xuyên thanh toán chậm trễ làm giảm hiệu quả sử dụng tiền của KMR. Ngoài ra, sự không rõ ràng trong cách ghi nhận dự phòng/hoàn nhập gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty từ đó có thể tạo ra sự biến động mạnh lên giá cổ phiếu.

Giá cổ phiếu KMR đã tăng 25% so với cuối năm 2013 và là cổ phiếu có mức tăng cao thứ 3 trong ngành dệt may sau TCM và TET. Kết quả kinh doanh tốt, triển vọng tăng trưởng tích cực được xem là yếu tố chính hỗ trợ giá cổ phiếu KMR trong các quý tiếp theo. Tuy nhiên, sự không rõ ràng trong cách ghi nhận kế toán (liên quan đến giao dịch giữa KMR và công ty mẹ) có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty từ đó có thể tạo ra sự biến động mạnh lên giá cổ phiếu. Cổ phiếu KMR đang giao dịch tại P/E khoảng 11,6 lần dựa trên EPS kế hoạch khoảng 697 VND/CP, đắt hơn P/E trung bình ngành là 10.1 lần.

>> Tải báo cáo 

BIC: Lợi nhuận năm 2014 dự phóng 109 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) có tình hình kinh doanh ổn định với lợi thế là sự hậu thuận mạnh mẽ của BIDV. 6 tháng đầu năm 2014, Công ty đạt doanh thu là 418 tỷ VNĐ và lợi nhuận sau thuế là 48,2 tỷ VNĐ.

Từ đầu năm 2014, Công ty đã có nghị quyết về việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Chúng tôi đánh giá nếu việc phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược thành công, Công ty sẽ gia tăng vị thế và uy tín trong ngành bảo hiểm đồng thời cũng tiếp nhận nguồn lực tài chính qua đó cải thiện sức khỏe tài chính và khả năng sinh lời. Trên thị trường xuất hiện một số thông tin BIC lựa chọn đối tác chiến lược là sẽ bán khoảng 20% cổ phần với giá không thấp hơn 20.000 đ/cp . Tuy nhiên Công ty không chính thức xác nhận thông tin này.

BIC đã chính thức được tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu Thế Giới A.M.Best định hạng năng lực tài chính đạt mức B+ (năng lực tài chính vững mạnh) và định hạng năng lực tổ chức phát hành đạt mức bbb- (công ty duy trì được khả năng thực hiện các cam kết tài chính tốt) là những bước đi chuẩn bị cho khả năng thành công của BIC trong việc lựa chọn đối tác chiến lược phù hợp.

Chúng tôi dự phóng BIC có thể đạt tổng doanh thu hơn 1.050 tỷ đồng, tương đương doanh thu thuần hơn 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 109 tỷ đồng trong năm 2014. EPS năm 2014 dự kiến đạt 1.500 đồng/cp

CMI: Rủi ro nếu tích lũy thêm

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Hoạt động kinh doanh chính được cải thiện mạnh mẽ. Tổng doanh thu 6 tháng đầu 2014 đạt 53 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng so với mức 742 triệu đồng trong cùng kỳ 2013. Nguyên nhân chủ yếu là do mảng khai thác quặng sắt, đặc biệt là từ mỏ Trấn Hưng – Yên Bái đi vào hoạt động ổn định với sản lượng khoảng 4.000 tấn quặng tinh/tháng, đóng góp đến hơn 75% tổng doanh thu. Như vậy, lợi nhuận sau thuế 1H 2014 CMI đạt gần 10 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với kết quả lỗ hơn 4 tỷ trong cùng kỳ 2013; EPS 6 tháng đạt 1.100 đồng/cp.

Tình hình đầu tư các dự án diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Do mưa lớn tại Lào gây ngập lụt nên tình hình đầu tư mỏ sắt Khoăm Bang diễn ra khá chậm, dự kiến dự án chỉ có thể đi vào hoạt động từ cuối tháng 11. Bên cạnh đó, dự án khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Vân Xuân – Hã Tình sẽ đi vào hoạt động từ nửa cuối tháng 10 năm nay, trễ gần 4 tháng so với kế hoạch đầu năm. Như vậy, cả 2 dự án này sẽ không thể đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh năm 2014.

Lợi nhuận nửa cuối năm 2014 dự kiến sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, triển vọng cả năm vẫn tích cực. Việc tăng cường kiểm soát tải trọng và nâng thuế khai thác quặng sắt từ 10% lên 12% đã có những tác động rõ nét lên chi phí hoạt động của CMI, khiến cho lợi nhuận gộp biên giảm còn 37.3% trong quý II so với mức 46.5% trong quý I/2014. Bên cạnh đó, giá quặng sắt 62% Fe thế giới hiện tại đang ở mức 82USD/tấn khô, giảm 37% so với mức trung bình 130USD/tấn khô trong 6 tháng cuối năm ngoái, dự kiến sẽ gây áp lực không nhỏ đến giá đầu ra của sản phẩm quặng tinh của CMI. Trên cơ sở đó, BVSC dự báo doanh thu nửa cuối năm 2014 được duy trì ổn định ở mức 52 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế đạt chỉ 12 tỷ đồng, giảm đang kể 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ những cải thiện tốt về hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu, lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 ước đạt 22 tỷ đồng, tăng trưởng 73% và hoàn thành 55% kế hoạch năm. EPS dự phóng 2014 đạt 2,440 đồng/cp.

Dự kiến phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu. Trong buổi họp ĐHCĐ bất thường ngày 22/10/2014 sắp tới, CMI dự kiến sẽ trình đại hội việc chuyển phương án huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi sang phát hành cổ phiếu riêng lẻ bằng mệnh giá. Theo kế hoạch, 100 tỷ thu về từ đợt phát hành này sẽ dung để đầu tư dứt điểm 2 nhà máy bột đá siêu mịn

CaCO3 và nhà máy đá ốp lát nhân tạo tại khu công nghiệp Nam Cấm, Nghệ An. CMI sẽ hoàn thành các hạng mục của hai nhà máy này vào cuối 2015 và bắt đầu đi vào hoạt động từ 2016. Ở giai đoạn lấp đầy công suất, dự án có thể đóng góp 500 tỷ doanh thu và 73.5 tỷ lợi nhuận sau thuế mỗi năm cho CMI.

Khuyến nghị đầu tư: CMI là doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản có hoạt động tương đối ổn định và chỉ số tài chính tốt so với các công ty cùng ngành.

Do các dự án hiện tại vẫn còn giấy phép khai thác khá dài và một loạt các dự án khác chuẩn bị đi vào hoạt động từ cuối 2014, BVSC đánh giá cao khả năng mà công ty có thể duy trì mức chi trả cổ tức 15% hằng năm, tương ứng với suất lợi nhuận khoảng 7% ở mức giá hiện tại 21.200 đồng/cp ngày 06/10/2014.

Bên cạnh đó, CMI cũng hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ vào dự án bột đá CaCO3 và đá ốp lát nhân tạo. Tuy nhiên, việc phát hành riêng lẻ thêm 10 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá sẽ gây áp lực pha loãng đáng kể khi tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của CMI chỉ ở mức 9 triệu cổ phiếu, ước tính P/E F2014 sẽ tăng từ 8.7 lên trên 18.3 lần sau khi phát hành. Do đó, BVSC cho rằng đây vẫn là thời điểm tương đối rủi ro để tích luỹ thêm cổ phiếu CMI.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục