Sáng nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng. Theo đó, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn 9 tháng đạt 560.100 tỷ đồng, bằng 119,5% kế hoạch 9 tháng và 84% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 125.500 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch 9 tháng và 89% kế hoạch năm.
Về các chỉ tiêu tài chính hợp nhất. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 290.500 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch 9 tháng và 82% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 36.500 tỷ đồng, bằng 131% kế hoạch 9 tháng và 91% kế hoạch năm.
Bước vào phiên giao dịch chiều, sau ít phút ngập ngừng, dòng tiền đã dần chảy mạnh và hướng tập trung vào các "hàng nóng", trong đó có nhóm cổ phiếu dầu khí, giúp VN-Index hồi dần và vượt qua mốc tham chiếu.
Dù dòng tiền chảy mạnh vào các nhóm cổ phiếu "nóng", nhưng lực đỡ chính giúp VN-Index đảo chiều tăng khá tốt trong phiên chiều nay lại là VNM khi "đại gia" này tăng mạnh. Dù về cuối phiên, VNM không giữ được mức giá cao nhất trong ngày, khiến đà tăng của VN-Index bị hãm bớt, nhưng với mức tăng 4.000 đồng (+3,77%), cùng với việc GAS tăng 2.000 đồng lên mức cao nhất ngày 109.000 đồng đã giúp VN-Index vượt qua mốc 615 điểm.
Trong khi đó, trên HNX, thiếu vắng những mã trụ lớn như HOSE, HNX kết thúc phiên giao dịch với sắc đỏ bao trùm.
Kết thúc phiên giao dịch chiều 8/10, chỉ số VN-Index tăng 3,18 điểm (+0,52%) lên 617,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 175,39 điểm, tương đương giá trị 3.128,48 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,8 triệu đơn vị, trị giá 191 tỷ đồng.
Nhóm VN30, mặc dù đà tăng đã xuất hiện ở một số mã (VNM tăng 3,77%; PVT tăng 2,7%; HPG tăng 2,6%; HDR tăng 1,54%..), nhưng với 19 mã giảm (ITA giảm 3,19%; VIC giảm 1,19%; VCB giảm 0,74%; PVD giảm 1,98%; SSI giảm 0,63%...) khiến chỉ số này chốt phiên giảm 0,18 điểm (-0,03%) xuống 658,98 điểm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 91,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 82,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.150 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,21 tỷ đồng.
HNX30-Index giảm 0,98 điểm (-0,52%) xuống 185,79 điểm với 6 mã tăng, 19 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Độ rộng trong phiên chiều đã được thu hẹp, số mã tăng giảm và giảm không còn khoảng cách chênh quá lớn như phiên sáng. Đóng góp vào đội quân áo tím, ngoài một số mã thuộc nhóm vận tải biển VST, VNA… còn có sự trở lại của những mã họ “P” như PTL, PXS, PXT.
Về thanh khoản, trong 5 mã có khối lượng giao dịch lớn nhất trên HOSE, ngoài nhóm bất động sản có ITA (9,5 triệu); FLC (gần 9 triệu) và KBC (6,9 triệu) không mấy bất ngờ, VHG lại khá bất ngờ khi khớp tới 9,5 triệu cổ phiếu và là mã có thanh khoản cao nhất sàn.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, VHG có mức tăng khá ấn tượng cũng như thanh khoản tương đối tốt. Vậy điều gì tạo ra sự đột biến ở cổ phiếu này? Có lẽ việc quyết định tái cấu trúc toàn diện, đổi tên, tăng vốn điều lệ… đã tạo ra một diện mạo mới và kỳ vọng mới cho cổ phiếu này. Bên cạnh đó, thông tin mới nhất từ doanh nghiệp này cho biết 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 76 tỷ đồng lợi nhuận, vượt qua con số 75 tỷ đồng kế hoạch, cũng là một thông tin tốt hỗ trợ tích cực VHG.
Trên HNX, PVX tăng 100 đồng và là mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX, với 12,75 triệu cổ phiếu giao dịch. Tiếp đến SHB với 7,7 triệu đơn vị; KLF (5,93 triệu) và FIT với 5 triệu cổ phiếu.
Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn đang hướng sự tập trung vào những doanh nghiệp có sự rỏ rỉ tin tốt hay được các CTCK dự báo kết quả kinh doanh quý III khả quan. Hy vọng khi kết quả chính thức được công bố không làm các nhà đầu tư thất vọng, có thể tạo ra một con sóng mới trong quý IV này.