Việc thanh khoản thị trường xuống mức rất thấp và kéo dài nhiều phiên khiến một số ý kiến lo ngại, bên bán sẽ mất kiên nhẫn và đẩy thị trường vào một nhịp giảm mới. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng nay, điều này chưa xảy ra, bất chấp dòng tiền vẫn chỉ đứng ngoài quan sát. Trong khi đó, hiệu ứng ETF cũng gần như không mấy tác động tới thị trường.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,45 điểm (-0,08%), xuống 554,48 điểm. Thanh khoản vẫn bị tắt khi chỉ có hơn 1,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 14,5 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, diễn biến không có gì thay đổi khi cả 2 bên đều “cò kè, bớt một thêm hai”, khiến chỉ số VN-Index lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản nhỏ giọt.
Trong khi VN-Index với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, cũng như một số bluechip khác dao động chủ yếu trong sắc xanh, thì HNX-Index lại ngược lại, chủ yếu dao động trong sắc đỏ. Chỉ số này chỉ đảo chiều tăng điểm trong 1 thời gian rất ngắn sau đó lại quay đầu đi xuống.
Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, dường như bên nắm giữ tiền mặt mới là những người sốt ruột hơn bên nắm giữ cổ phiếu. Việc BID CII và HPG tăng khá ngay đầu phiên giúp VN-Index giữ được sự cân bằng cần thiết. Sau đó, đến lượt MBB bất ngờ nhận được lực cầu mạnh, giúp mã này vọt tăng từ tham chiếu 14.400 đồng, lên mức cao nhất phiên khi đóng cửa là 15.000 đồng. Tiếp sau đó, một số mã ngân hàng khác cũng đảo chiều tăng như VCB, CTG, STB, giúp VN-Index tăng vọt qua mốc 560 điểm và đóng cửa ở mức cao nhất phiên.
Tương tự, HNX-Index sau khi lình xình trong phần lớn thời gian giao dịch sáng nay, đã bứt phá theo VN-Index trong những phút cuối phiên. Tuy không giữ được mức điểm cao nhất phiên như VN-Index, nhưng HNX-Index cũng đóng cửa với mức tăng khá.
Chốt phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 6,06 điểm (+1,09%), lên 560,99 điểm với 114 mã tăng, trong khi chỉ còn 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,1 triệu đơn vị, giá trị 853,06 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,2 triệu đơn vị, giá trị 152,9 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,6 điểm (+0,78%), lên 76,59 điểm với 81 mã tăng, trong khi cũng chỉ còn 57 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,2 triệu đơn vị, giá trị 155,4 tỷ đồng và đến chủ yếu từ khớp lệnh.
BID tăng phiên thứ 2 liên tiếp nhờ thông tin được ETF FTSE thêm vào danh mục trong lần tái cơ cấu lần này. Chốt phiên sáng nay, BID tăng 4,2%, lên 24.800 đồng với 1,74 triệu đơn vị được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua vào 0,45 triệu đơn vị.
VCB dù xuất phát chậm hơn, nhưng cũng tăng 2,61%, lên 43.200 đồng với 0,89 triệu đơn vị được khớp, CTG cũng tăng 2,58%, lên 19.900 đồng với 2,4 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, MBB tăng 4,17%, lên 15.000 đồng với 3,6 triệu đơn vị được khớp, cao nhất sàn HOSE; STB tăng 1,24%, lên 16.300 đồng, trong khi EIB đứng ở tham chiếu 11.900 đồng.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ lình xình với thanh khoản thấp.
Các mã bluechip khác, CII và HPG gây ấn tượng từ đầu phiên, trong đó CII có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, còn HPG phục hồi trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, 2 mã này không thể bứt phá thêm, mà chỉ duy trì ở mức tăng trên dưới 2% từ đầu cho đến chốt phiên. Trong đó, CII được khớp 2,3 triệu đơn vị, còn HPG được khớp chỉ hơn 0,3 triệu đơn vị.
Không chỉ nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao cũng đã rục rịch trở lại. Sau khi lình xình đầu phiên, FLC đã đóng cửa với mức tăng 3,13%, lên 6.600 đồng với 2,5 triệu đơn vị được khớp, HAI tăng 3,57%, lên 5.800 đồng với 1,4 triệu đơn vị được khớp, thậm chí có lúc mã này đã chạm trần 5.900 đồng. Ngoài ra, một số mã khác cũng có mức tăng như DLG, VHG, ITA, LGL, LGC, FIT…
Cũng nhờ thông tin được thêm vào danh mục của FTSE, nên PDR cũng có thanh khoản tốt với 2,34 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, về mức giá lại khá yếu ớt khi chỉ lình xình quanh tham chiếu và hiện vẫn chưa được khối ngoại mua vào. Trong khi đó, TTF dù cũng tăng giá, nhưng thanh khoản lại rất thấp.
Trên HNX, chịu sức ép lớn nhất trên sàn này vẫn là FID khi đang còn dư bán sàn tới gần 1 triệu đơn vị, trong khi được khớp 446.900 đơn vị. Sự mạnh dạn cuối phiên giúp mã này giảm bớt lượng dư bán sản so với đầu phiên sáng.
Trong phiên hôm qua, FID cũng còn dư bán rất lớn trong phiên sáng khi chỉ có 500 đơn vị được khớp, nhưng sang phiên chiều, lực mua mạnh đã hấp thụ gần như hết lượng dư bán sàn. Tưởng chừng lực mua lớn trong phiên chiều qua, sẽ giúp FID thoát khỏi mức sàn trong phiên sáng nay, tuy nhiên, dường như những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này không mấy tin tưởng vào sự hồi phục, nên nhanh chóng thoát thân.
Tương tự HOSE, nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao trên HNX cũng có giao dịch tích cực trong sáng nay. Trong đó, KLF tăng 4,55%, lên 4.600 đồng với 1,2 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HNX. Tiếp đó là TIG với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và đứng ở tham chiếu 10.900 đồng.
Tuy nhiên, đà tăng của HNX-Index chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng như ACB tăng 2,76%, lên 18.600 đồng và SHB tăng 1,49%, lên 6.800 đồng.