Phiên giao dịch sáng 7/7: Dòng tiền vẫn chảy mạnh

(ĐTCK) Dù thị trường đang chịu áp lực chốt lời lớn và đang ở vùng kháng cự mạnh sau 3 phiên khởi sắc, nhưng dòng tiền vẫn rất tự tin nhập cuộc mỗi khi lực bán giá thấp xuất hiện, giúp cả 2 sàn giữ được sự cân bằng trong phiên sáng nay.
Phiên giao dịch sáng 7/7: Dòng tiền vẫn chảy mạnh

Cảnh báo về khả năng rủi ro khi thị trường đang bước vào vùng kháng cự mạnh đã được các công ty chứng khoán đưa ra tuần trước. Tuy nhiên, một số quan điểm lạc quan vẫn cho rằng, thị trường đang trong trend tăng dài hạn và nhóm cổ phiếu ngân hàng yếu thế, sẽ có nhóm cổ phiếu khác thay thế để dẫn dắt thị trường đi lên, thậm chí là sẽ hướng tới đỉnh cũ 640 điểm.

Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường đã có những rung lắc mạnh trong nửa cuối phiên sáng khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đuối sức, tuy nhiên, trong phiên chiều, thị trường đã vọt tăng mạnh khi nhóm dầu khí và các mã bluechip khác đã thay thế xứng đáng nhóm ngân hàng, chứng khoán.

Tuy vậy, phiên tăng điểm với thanh khoản tăng vọt hôm qua cũng đem lại cho nhiều nhà đầu tư lo lắng, rằng thị trường đang ở vùng đỉnh và rủi ro điều chỉnh sẽ gia tăng trong các phiên giao dịch sau đó.

Lo lắng này đã phần nào chính xác khi thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Áp lực bán diễn ra trên diện rộng, khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử ngay từ đầu phiên.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,33 điểm (-0,21%), xuống 623,89 điểm với chỉ 27 mã tăng, trong khi số mã giảm nhiều gần gấp 3 lần.

Ngoài áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng mạnh trước đó, thị trường bước vào phiên sáng nay còn có thông tin bất lợi khi giá dầu thô thế giới phiên tối qua lao dốc hơn 8% sau kết quả trưng cầu dân ý của Hy Lạp được công bố với đa số cử tri nước này không chấp thuận với các điều kiện của các chủ nợ quốc tế đưa ra để đổi lấy gói cứu trợ.

Như đã đề cập, trong phiên hôm qua, thị trường tăng mạnh trong phiên chiều nhờ sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, đặc biệt là PVD và GAS. Do đó, nếu các mã này chịu tác động tiêu cực giống như nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên đầu tuần, thì khả năng đà tăng của chỉ số VN-Index sẽ bị đe dọa, bởi nhóm ngân hàng hiện đã ở mức giá khá cao và rất khó để tăng tiếp.

Trong khi đó, trên HNX, kịch bản cũ lại lặp lại khi ngay mở cửa phiên giao dịch, SHB được mớm 1 lệnh ở mức trần, giúp HNX-Index tăng mạnh, nhưng sau đó, khi giao dịch của SHB phản ánh đúng cung cầu và nhiều mã khác có giao dịch, với nhóm dầu khí giảm giá, HNX-Index đã ngay tức giảm trở lại.

Sau đó, VN-Index đã dần hồi phục nhờ sự trở lại của một số mã lớn như BVH, KDC, DPM, HPG, FPT, MSN, VNM, giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 630. Tuy nhiên, do lực bán diễn ra mạnh ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, nên VN-Index nhanh chóng thoái lui trở lại và giằng co mạnh trong những phút cuối phiên trước khi kết thúc giữ được sắc xanh nhạt. Trong khi HNX-Index lình xình sát dưới tham chiếu và đóng cửa với sắc màu trái ngược với VN-Index.

Cụ thể, kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,96 điểm (+0,31%) với 94 mã tăng trong khi có 113 mã giảm. Thanh khoản tiếp tục tăng mạnh khi tổng khối lượng giao dịch đạt 100,11 triệu đơn vị, giá trị 1.800 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp khiêm tốn với 2,9 triệu đơn vị, giá trị 69,4 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,36%), xuống 89,14 điểm với 62 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,58 triệu đơn vị, giá trị 492,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng chỉ đóng góp khiêm tốn với hơn 0,7 triệu đơn vị, giá trị gần 12,7 tỷ đồng.

Trong các mã đơn lẻ, giao dịch tại JVC thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên HOSE. Sau 3 phiên tăng trần liên tiếp, nhưng áp lực chốt lời đã xuất hiện mạnh trong phiên hôm qua, sáng nay, áp lực bán này đã thể hiện rõ hơn ngay đầu phiên khi lệnh bán ATO lên tới gần 1,2 triệu đơn vị. Dù vậy, lực mua vẫn khá lớn, nên toàn bộ lệnh bán ATO đều được hấp thụ hét. Mở đầu phiên, JVC giảm 4,35%, xuống 8.800 đồng với gần 1,2 triệu đơn vị được khớp.

Bước vào đợt giao dịch khớp lệnh, “cuộc chiến” thực sự mới bắt đầu diễn ra giữa một bên muốn thực hiện hóa khoản lợi nhuận khoảng chốt lời khi đã có được mức lợi nhuận 21% và một bên muốn nâng đỡ giá cổ phiếu này.

Sau khoảng 20 phút gay cấn, cuối cùng bên nhiều tiền hơn đã chiến thắng, JVC đã được kéo dần lên mức 9.700 đồng, chỉ còn cách mức trần 1 bước giá. Sau đó, lực bán gia tăng lại đẩy JVC lùi trở lại tham chiếu, trước khi đóng cửa ở mức 9.300 đồng, tăng nhẹ 1 bước giá. Thanh khoản của JVC tiếp tục duy trì ở mức lớn với gần 7,9 triệu đơn vị được khớp.

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư và cổ đông lớn chiều qua để chia sẻ về định hướng phát triển của Công ty, tân Chủ tịch HĐQT JVC, ông Hosono Kyohei  cho biết, việc ông Lê Văn Hướng “vắng mặt” khiến hoạt động của Công ty khó khăn. Trong khi đó, ông Koichi Hori, Chủ tịch Dream Incubator Inc  (DI), tổ chức đang nắm giữ 30% vốn điều lệ JVC cũng không hiểu vì lý do gì ông Hướng bị bắt tạm giam.

Ngoài trừ JVC, một số mã bluechip khác cũng gây chú ý, đặc biệt là BVH. Dù mở cửa trong sắc đỏ như toàn bộ bluechip khác trên sàn, nhưng nhờ lực cầu lớn của khối ngoại, BVH đã được kéo tăng mạnh trở lại lên mức giá trần 52.000 đồng và phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của BVH. Tuy vậy, thanh khoản không lớn khi chỉ có 368.260 đơn vị được khớp, trong đó riêng khối ngoại đã mua vào 275.740 đơn vị.

Từ hiệu ứng BVH, một số bluechip khác cũng lần lượt trở lại như KDC, DPM, GMD, thậm chí giá dầu thô lao dốc, cũng không ảnh hưởng tới nhóm dầu khí khi PVD, GAS lình xình quanh tham chiếu. Nếu đầu năm, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu này đã bị đẩy xuống mức sàn khi giá dầu giảm mạnh. Trong đó, KDC tăng 1,63%, lên 43.700 đồng, FPT tăng 0,84%, lên 47.900 đồng, HPG tăng 2,72%, lên 30.200 đồng, DPM tăng 1,66%, lên 30.700 đồng, MSN tăng 1,72%, lên 88.500 đồng, VNM tăng 0,86%, lên 117.000 đồng.

Trong khi đó, FLC vẫn lình xình ở quanh mức tham chiếu 8.600 đồng trước khi chốt ở mức giá 8.700 đồng với 8,67 triệu đơn vị được khớp. OGC sau nửa đầu phiên cầm cự cuối cùng cũng đóng cửa ở mức sàn 2.600 đồng với 3,3 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ VCB gắng gượng đóng cửa ở mức tham chiếu, còn lại đều quay đầu giảm giá, nhưng mức giảm không lớn. Tương tự, nhóm chứng khoán cũng đồng loạt đóng cửa dưới tham chiếu trong phiên sáng nay.

Trong khi JVC gây chú ý trên HOSE, thì SHN lại là tâm điểm trên HNX, dù thanh khoản không tốt bằng JVC. Sau khi giảm về mức 12.300 đồng trong phiên hôm qua, mở cửa phiên hôm nay, SHN đã được đẩy tăng trở lại 2,44% và sau đó lượng dư bán được hấp thụ dần, kéo mã này lên mức trần 13.500 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần tới hơn 1,37 triệu đơn vị.

Cũng có sắc tím trở lại còn có ASA khi mã này tăng lên mức 4.800 đồng, nhưng đà tăng trần này chưa chắc chắn khi không còn lượng dư mua trần. Thanh khoản của mã này cũng khá khiêm tốn với 283.013 đơn vị được khớp.

Trong khi đó, sau khi được mớm trần khi mở cửa, giao dịch tại SHB đã phán ánh đúng cung cầu khi lình xình quan tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá với 3,17 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi nhóm dầu khí lớn trên HOSE giữ được sự vững vàng, thì các mã dầu khí trên HNX lại đang chịu áp lực khi cả PVS, PVC, PVX, PGS đang giao dịch dưới tham chiếu. ACB cũng đảo chiều giảm trở lại sau khi góp công lớn, cùng nhóm dầu khí hỗ trợ HNX-Index tăng mạnh phiên hôm qua.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục