Ngày hôm qua (6/1), thị trường đã có phiên tăng điểm đầu tiên của năm 2016 nhờ sự hồi phục tích cực của nhóm cổ phiếu trụ cột. Sau phiên sáng đứng nhìn, nhà đầu tư cũng đã nhập cuộc hơn giúp thanh khoản cải thiện nhẹ. Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đẩy mạnh mua vào giúp giá trị bán ròng giảm mạnh.
Tuy nhiên diễn biến đã thay đổi 180 độ khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.
Liên tiếp các thông tin bất lợi từ bên ngoài như sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc có vấn đề, Triều tiên công bố đã thử thách thành công bom nhiệt hạch, lam căng thẳng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên gia tăng… đã khiến nhà đầu tư toàn cầu bán tháo ồ ạt, đẩy chỉ số S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (7/1), áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên khiến Vn-Index đánh mất gần 4 điểm và lùi về sát mốc 570 điểm.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 3,95 điểm (-0,69%) xuống 570,62 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,15 triệu đơn vị, trị giá 42,98 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm tiếp tục được nới rộng khi lực bán gia tăng mạnh, trong đó, hầu hết các cổ phiếu bluechip đã chuyển sang sắc đỏ, đặc biệt, một số “ông lớn” suy giảm khá sâu.
Sau hơn 20 phút giao dịch của phiên sáng, trong hơn 300 mã trên sàn HOSE chỉ còn chưa đến 20 mã tăng điểm trong khi có tới hơn 100 mã giảm điểm. Trong đó, nhóm VN30 cũng đồng loạt lùi về giao dịch dưới mốc tham chiếu đã kéo thị trường suy giảm mạnh, chỉ số VN-Index về sát mốc 565 điểm.
Dù vậy, lực cầu ở mức giá thấp với các cổ phiếu bluechip vẫn có, điều này giúp thị trường bớt hoảng loạn.
DRC là cổ phiếu duy nhất trong nhóm đã hồi xanh với mức tăng 300 đồng (+0,7%), HAG cũng đã dần trở lại mốc tham chiếu, các mã lớn khác cũng hãm đà giảm điểm.
Trái lại, thông tin bất lợi từ dầu khí thế giới khiến các mã trong nhóm này vẫn chưa thấy điểm hồi như PVD giảm tới 4,45% xuống 23.600 đồng/CP, GAS được nhận định sẽ hồi sinh vào cuối năm 2016 nhưng sắc đỏ vẫn được tô đậm hơn với mức giảm 1,38% xuống 35.800 đồng/CP; PVS giảm 4,38%, PVC giảm hơn 4,4%, PVB giảm 2,88%, PVX giảm 6,25%... Các mã này đang đóng vai trò là tác nhân chính kéo hai chỉ số đi xuống.
Dòng tiền tham gia tích cực hơn nhưng dưới sức ép của các cổ phiếu lớn khiến thị trường khó hồi phục. Sau thời gian hơn nửa phiên sáng giằng co quanh mốc 570 điểm, chỉ số VN-Index đã thất bại bởi áp lực bán gia tăng về cuối phiên.
Chốt phiên, toàn sàn HOSE có 173 mã giảm và 43 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 6,37 điểm (-1,11%) xuống 568,2 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 59,17 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.043 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 6 triệu đơn vị, trị giá 124,89 tỷ đồng.
Tương tự, bảng điện tử trên HNX cũng nhuốm sắc đỏ khi có tới 115 mã giảm và chỉ 33 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,98 điểm (-1,25%) xuống 77,7 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 23,14 triệu đơn vị, trị giá 241,29 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,7 triệu đơn vị, trị giá 18,18 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip là lực cản chính của thị trường, cụ thể nhóm VN30 có tới 26 mã giảm và 4 mã tăng, chỉ số VN30-Index giảm 5,75 điểm (-0,97%) xuống 584,22 điểm; còn HNX30-Index giảm 2,39 điểm (-1,72%) xuống 136,32 điểm với 23 mã giảm và chỉ 3 mã tăng.
Bên cạnh sắc xanh nhạt của KDC, HAG thì MSN là điểm sáng với sự hồi phục mạnh. Nhờ lực cầu ngoại khá tốt giúp MSN nhanh chóng đảo chiều và tăng điểm mạnh về cuối phiên, với mức tăng 1,97% lên 77.500 đồng/CP, trong khi đó, ông lớn VNM chưa thấy tín hiệu tích cực, đà giảm vẫn khá mạnh đạt 1,59% xuống 124.000 đồng/CP.
Ở các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vẫn trong xu thế giảm điểm như VCB giảm 1,16%, BID giảm 2,48%, BVH giảm 1,87%, SSI giảm 1,44%, HCM giảm 4,14%, ACB giảm 1,03%, SHB giảm 1,64%, VND giảm 2,59%...
Đặc biệt là gánh nặng các cổ phiếu lớn ngành dầu khí đã tác động lớn tới thị trường. Hai cổ phiếu lớn trên HOSE là PVD giảm 5,67% xuống mức thấp nhất của phiên và gần sát giá sàn 23.300 đồng/CP; GAS giảm 1,93% xuống 35.600 đồng/CP. Tương tự, trên HNX, đà giảm của các mã trong nhóm dầu khí cũng tiếp tục được nới rộng như PVS giảm 5,63% xuống 15.100 đồng/CP, PVC giảm hơn 4,4% xuống 15.200 đồng/CP…
Cổ phiếu đáng chú ý là HAG, sau khi rớt xuống dưới mệnh giá đã hồi phục tích cực. Ở phiên hôm qua (6/1), HAG đã lấy lại mệnh giá và sang phiên sáng nay, HAG tiếp tục tăng 1% lên 10.100 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu toàn sàn đạt 4,79 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn giao dịch khá tốt, cụ thể, FLC đã khớp 3,78 triệu đơn vị, các cổ phiếu khác như HAR, HQC, SCR cùng khớp hơn 1,8 triệu đơn vị.