Giá cổ phiếu này đã giảm từ mức đỉnh 78.400 đồng/CP còn 36.200 đồng/CP (giá đã điều chỉnh tỷ lệ cổ tức trong năm), giảm 53,8% so với đỉnh ngày 23/1/2015 và giảm 46,6% so với cuối năm 2014.
Đà giảm giá của GAS song hành với sự đi xuống của giá dầu thế giới. Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, giá dầu thô đầu năm 2016 có thể xuống sát 36 USD/thùng, trong khi kịch bản giá dầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt ra để lập kế hoạch ở mức 100 USD/thùng. Trong năm qua, chỉ số giá cổ phiếu ngành dầu khí giảm 41,5%, mức giảm mạnh nhất trong các ngành. Khối ngoại cũng đã bán ròng 11,65 triệu cổ phiếu GAS trong năm 2015.
Điều chỉnh kế hoạch năm vào phút cuối
Năm 2015, giá dầu thô ở mức thấp (bình quân khoảng 50 USD/thùng so với năm 2014 trên 100 USD/thùng) đã tác động đến giá khí bán cho khách hàng điện, đạm, khí thấp áp, CNG và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất - kinh doanh của PV GAS. Khi chỉ còn mấy ngày nữa là hết năm, PV GAS đã điều chỉnh giảm 12% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận với giả định giá dầu thô 54 USD/thùng, trước đó, kế hoạch của PV GAS được dựa trên giả định giá dầu thế giới năm 2015 ở mức 100 USD/thùng.
Hiện giá cổ phiếu GAS đã xuống mức thấp nhất kể từ khi chào sàn và nhiều khả năng cổ phiếu này khó có thể giảm sâu hơn nữa. Nhiều NĐT chờ đợi, cuối năm 2016 sẽ là lúc cổ phiếu GAS hồi sinh khi giá dầu tăng trở lại.
Kế hoạch doanh thu của Tổng công ty đã giảm từ 69.539 tỷ đồng xuống 61.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm từ 14.164 tỷ đồng xuống 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 11.526 tỷ xuống 8.200 tỷ đồng.
Theo công bố của PV GAS, năm 2015, Tổng công ty ước đạt 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, chỉ trong vài ngày, PV GAS đang từ chỗ không hoàn thành kế hoạch năm trở thành vượt kế hoạch.
Ngoài chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, một số chỉ tiêu khác của PV GAS đều đã về đích trước hạn như sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ ước cả năm đạt 10,423 triệu m3, vượt 7% kế hoạch năm, mức cao nhất trong 25 năm kể từ khi thành lập; sản lượng LPG sản xuất tại Nhà máy Khí Dinh Cố ước cả năm đạt 282 nghìn tấn, vượt 21% kế hoạch.
Phần kinh doanh LPG (bao gồm nhập khẩu, Dinh Cố, Dung Quất, kinh doanh quốc tế) ước cả năm đạt 1.324 nghìn tấn, vượt 38% kế hoạch. Như vậy, 2015 là năm PV GAS có sản lượng LPG tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay. Condensate sản xuất ước cả năm đạt 57,7 nghìn tấn, vượt 20% kế hoạch.
Triển vọng năm 2016
Nếu nhìn vào đồ thị giá cổ phiếu GAS và giá dầu thế giới trong năm qua, có thể thấy một sự tương đồng đáng kể. Tuy nhiên, mỗi khi giá dầu thế giới giảm sâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phiếu GAS, còn khi giá dầu tăng mạnh trở lại thì mức tăng của GAS không tăng tương ứng.
Có thể thấy, giá dầu năm 2016 ra sao sẽ quyết định đến “số phận” của cổ phiếu GAS. Có nhiều nhận định trái chiều về diễn biến giá dầu trong năm 2016. Một chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng, giá dầu có thể xuống 20 USD/thùng trong năm 2016, nhưng “chỉ có 15% xác suất này xảy ra”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại cảnh báo, giá dầu sẽ còn chịu áp lực giảm do khí hậu toàn cầu ấm lên, ngày càng nhiều nguồn năng lượng sạch được sản xuất và các thiết bị tiết kiệm năng lượng được sử dụng, nền kinh tế của Trung Quốc và nhiều nước mới nổi đang chững lại, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống. Theo IEA, giá dầu sẽ ở quanh mức khoảng 50 USD/thùng cho đến cuối thập kỷ này và cho đến tận năm 2040 vẫn chưa đạt mốc 85 USD/thùng.
Một điểm nữa ủng hộ cho nhận định giá dầu giảm là tình trạng dư cung tăng nhanh. Theo số liệu của Baker Hughes Inc, số giàn khoan của Mỹ tăng 17 giàn lên 541 giàn vào cuối năm 2015, các kho dự trữ dầu thô của nước này cũng đã mở rộng lên 490,7 triệu thùng, tăng 130 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm qua.
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy, giá dầu sẽ không quá xấu trong năm 2016, thậm chí có khả năng tăng trở lại vào cuối năm. Tình trạng dư cung sẽ không duy trì lâu, bởi nhu cầu xăng đang gia tăng ở châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), châu Âu và Bắc Mỹ.
Cùng với đó, sản lượng dầu mỏ của Mỹ giảm bởi ngành khai thác đá phiến đang chật vật với nợ nần trong bối cảnh công suất sản xuất của ngành dầu đã gần đạt ngưỡng tối đa cũng nhiều diễn biến địa chính trị phức tạp trên thế giới.
Trước diễn biến giá dầu bất thường, đánh giá tiềm năng cổ phiếu GAS trong năm 2016, CTCK SSI chỉ đưa ra khuyến nghị “nắm giữ”, trong khi CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng triển vọng 2016 của GAS vẫn kém tích cực do tình hình giá dầu và dự báo lợi nhuận 2016 có thể giảm tiếp 13%.
Tuy nhiên, trong báo cáo nhận định cổ phiếu GAS vừa phát hành ngày 25/12/2015, chuyên viên phân tích của VCSC vẫn đưa ra mức giá mục tiêu 38.500 đồng/CP cho cổ phiếu này (tăng hơn 5% so với giá hiện tại) và cho rằng, giá mục tiêu của GAS vẫn có thể đạt 35.100 đồng/CP ngay cả khi giá dầu chỉ còn 20 USD/thùng.
PV GAS đang xin phép Chính phủ điều chỉnh cơ chế giá thị trường, theo đó, giá bán trung bình trên bao tiêu cho các nhà máy điện sẽ ít nhất bằng giá khí đầu vào.
Theo VCSC, đề xuất này có khả năng cao được thông qua và GAS là DN trung gian nên không chịu rủi ro giá dầu ra thấp hơn giá đầu vào. Theo VCSC, nếu giá dầu tăng 10 USD/thùng thì giá mục tiêu của PV GAS sẽ tăng 10%, nhưng nếu giá dầu giảm 10% thì giá mục tiêu chỉ giảm khoảng 5%.
Ban lãnh đạo PV GAS cũng cho rằng, năm 2016 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức với Tổng công ty như giá dầu diễn biến khó dự đoán; tỷ trọng sản lượng khí có giá đầu vào cao tăng so với năm 2015 do các mỏ mới đưa vào hoạt động sản lượng thấp, chi phí khấu hao đường ống cao; một số dự án lớn triển khai, nhu cầu vốn lớn, tiến độ sát, cần phải tập trung và huy động nguồn lực lớn để đảm bảo tiến độ; thời gian dừng khí hoàn toàn để bảo dưỡng sửa chữa hệ thống khí Nam Côn Sơn và PM3 dài hơn năm trước…
Bên cạnh đó, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực khiến có thể xuất hiện nguồn LPG được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, cạnh tranh trực tiếp với nguồn LPG PV GAS đang nhập khẩu từ Trung Đông và chịu thuế suất 5%.
Năm 2016, PV GAS đặt mục tiêu khai thác 9,724 triệu m3 khí, 987.000 tấn LPG, 56.655 tấn condensate, hoàn thành đấu nối Thiên Ưng vào Dự án Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 1, đưa vào vận hành dự án cấp bù khí ẩm Nam Côn Sơn cho GPP Dinh Cố, chuẩn bị và thực hiện đầu tư các dự án GPP Cà Mau, nhà máy sản xuất Polypropylene, lô B – Ô Môn, Nam Côn Sơn 2-giai đoạn 2, Sư Tử Trắng, Cá Rồng Đỏ…
Phát hành ESOP sẽ làm tăng cổ phiếu lưu hành tự do 30%
Một thông tin đáng chú ý về cổ phiếu GAS trong năm 2016, đó là việc PV GAS đã thông qua việc phát hành 18,95 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho người lao động (1% số cổ phiếu lưu hành) với giá 20.000 đồng/CP. Mức giá này chỉ bằng 54% thị giá đang niêm yết trên sàn và số cổ phiếu này chỉ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Điều đáng nói ở đây là số cổ phiếu lưu hành tự do của GAS ngoài thị trường chỉ hơn 62 triệu cổ phiếu, do đó, nếu sau 1 năm khi lượng cổ phiếu này được phép chuyển nhượng sẽ chiếm khoảng hơn 30% lượng cổ phiếu lưu hành tự do và có thể tác động đến giá cổ phiếu GAS.
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành dầu khí, sau năm 2015, PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PV GAS xuống dưới 75%. Tuy nhiên, đó mới là chủ trương, còn việc thực hiện như thế nào vẫn phải chờ. PV GAS có kế hoạch tăng vốn cổ phần thêm 50% trong vòng 3 năm tới, một phần tài trợ cho xây dựng dự án Lô B - Ô Môn, có thể tăng gấp đôi công suất vào năm 2020. Việc gia tăng lượng vốn cổ phần này có thể thực hiện thông qua cổ tức cổ phiếu và quyền mua/phát hành riêng lẻ.
Với quy mô là một trong những DN lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam và là DN ngành khí lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á, cổ phiếu GAS vẫn nên được đưa vào danh mục theo dõi của NĐT.
Hiện giá cổ phiếu GAS đã xuống mức thấp nhất kể từ khi chào sàn và nhiều khả năng cổ phiếu này khó có thể giảm sâu hơn nữa. Nhiều NĐT chờ đợi, cuối năm 2016 sẽ là lúc cổ phiếu GAS hồi sinh khi giá dầu tăng trở lại.