Thị trường đã trải qua quý đầu tiên của năm 2016 không mấy tích cực khi cả hai chỉ số đều giảm điểm khá mạnh, lần lượt xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Trong đó, tuần cuối cùng của tháng 3 khá tiêu cực khi thị trường đã liên tiếp mất 2 mốc hỗ trợ quan trọng là 570 điểm và sau đó là 560 điểm, cùng với đó, dòng tiền trên thị trường cũng khá yếu và dấu hiệu chốt lời rút ra dần đang ngày càng lớn mạnh.
Vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều có cái nhìn không mấy lạc quan về thị trường tháng 4. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE, xu hướng tháng 4 sẽ khá khó khăn ít nhất trong nửa đầu tháng 4 trừ một số doanh nghiệp có thể được hưởng lợi nếu ĐHCĐ có những thông tin đột biến. Việc phục hồi trong ngắn hạn nhiều khả năng chỉ mang tính chất điều chỉnh, chứ chưa thể quay trở lại xu hướng tăng được.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (ngày 4/4), thị trường vẫn chưa thấy điểm sáng khi hầu hết các trụ cột vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu khiến VN-Index mở cửa trong sắc đỏ. Dòng tiền thận trọng khiến thanh khoản thị trường chỉ nhúc nhắc.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 0,87 điểm (-0,16%) xuống 557,56 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,78 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 37,33 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm vẫn được duy trì bởi gánh nặng đến từ các cổ phiếu dầu khí. Thông tin giá dầu thô tiếp tục giảm kéo theo diễn biến nhóm cổ phiếu dầu khí khá xấu. Cặp đôi GAS và PVD lần lượt giảm 3,13% và 4,24% đã tác động kéo VN-Index lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, sau hơn 30 phút giao dịch, lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp bảng điện tử được tô điểm thêm nhiều sắc xanh. Nhóm cổ phiếu bluechip cũng khởi sắc hơn giúp thị trường vượt qua mốc tham chiếu, tuy nhiên, đà tăng không mấy vững chắc bởi nhà đầu tư chưa mạnh tay xuống tiền.
Điểm sáng trong phiên giao dịch sáng nay là DLG. Tài liệu ĐHCĐ thường niên của DLG vừa được đưa ra cuối tuần trước với thông tin kế hoạch kinh doanh năm nay và tỷ lệ chia cổ tức đều vượt xa so với kết quả năm 2015 đã giúp DLG khởi sắc trong phiên sáng nay.
Theo kế hoạch đề ra trong năm 2016, DLG phấn đấu doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 70% kết quả đạt được trong năm ngoái; lợi nhuận 220 tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần năm trước và tỷ lệ chia cổ tức 8%, trong khi năm ngoái trả 5%; cùng với đó, DLG thông qua kế hoạch dự kiến phát hành hơn 169 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn lên 3.383,72 tỷ đồng.
Lực cầu hấp thụ mạnh giúp DLG khởi sắc cả về giá và thanh khoản. Sau gần 1 giờ giao dịch, DLG tăng 2,8% lên 7.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn và cũng là cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại mua vào mạnh nhất đạt hơn 0,4 triệu đơn vị.
Trái lại, dù Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã lên tiếng chính thức về vấn đề FIT thoái vốn. Cụ thể, trong quý I/2016, FIT đã bán bớt cổ phiếu TSC để giảm tỷ lệ sở hữu về 51% và vẫn là mức chi phối tại TSC. Đến thời điểm này, FIT không có kế hoạch thoái vốn tại TSC như tin đồn. Thông tin trên đã không trấn an được giới đầu tư. Lực bán xuất hiện mạnh ngay từ đầu phiên khiến TSC tiếp tục rớt sâu dưới mệnh giá.
Trong khi bên mua trống sàn thì các lệnh bán lại được ồ ạt tung ra khiến TSC vẫn duy trì sắc xanh mắt mèo. Hiện TSC giảm 6,2% xuống mức giá sàn 9.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,46 triệu đơn vị.
Lực cầu bắt đáy gia tăng giúp thị trường hồi phục tích cực, đà tăng được nới rộng. Tuy nhiên, một lần nữa VN-Index thất bại trước ngưỡng 560 điểm. Sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự trên, áp lực bán nhanh chóng gia tăng khiến thị trường hạ nhiệt. Đà giảm mạnh dần về cuối phiên đẩy thị trường trở về giao dịch trong sắc đỏ.
Thị trường khá cân bằng, trên sàn HOSE có 110 mã tăng và 106 mã giảm, trong đó nhóm VN30 có 11 mã tăng và 11 mã giảm. Chỉ số VN-Index giảm 0,77 điểm (-0,14%) xuống 557,66 điểm. Thanh khoản suy giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 63,43 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 819,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa chính giúp sàn HNX duy trì sắc xanh trong suốt phiên giao dịch. Với mức tăng 0,26 điểm (+0,33%), HNX-Index đứng ở mức 78,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,22 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 246,78 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu dầu khí PVD và GAS sau khi hồi nhẹ đã trở lại vòng xoáy giảm mạnh. Chốt phiên, PVD giảm 3,39%, còn GAS giảm 1,93% với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 0,3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu, trong khi BID và CTG nhích nhẹ thì VCB, MBB, STB, EIB giảm nhẹ.
Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip đang diễn biến thiếu tích cực thì các cổ phiếu thị trường lại khá tỏa sáng. Cụ thể, DLG vẫn nhận được lực cầu từ khối nội và ngoại nên duy trì tốt sắc xanh với mức tăng 1,41% và khớp 5,6 triệu đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản.
Ngoài ra, FLC cũng vượt qua mốc tham chiếu với mức tăng 3,17% và khớp 5,42 triệu đơn vị; HAI sau phiên giảm sàn cuối tuần trước đã lấy lại sắc tím với mức tăng 5,4% và khớp 1,88 triệu đơn vị; VHG cũng lấy lại sắc xanh và khớp 1,24 triệu đơn vị…
Mặt khác, TSC vẫn chưa thoát khỏi trạng thái nằm sàn khi giảm 6,2% xuống 9.000 đồng/CP với khối lượng khớp 1,89 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,4 triệu đơn vị.
Một cổ phiếu khác đáng chú ý là OGC. Sau báo cáo tài chính kiểm toán, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.443 tỷ đồng xuống 681 tỷ đồng do Công ty trích lập các khoản dự phòng phải thu quá hạn thanh toán, OGC tiếp tục đà giảm xuống 3.100 đồng/CP với khối lượng khớp 3,58 triệu đơn vị.
Điểm sáng trên sàn HNX là KLS. Sau một tuần rớt mạnh và rơi vào top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất, cổ phiếu này đã bứt phá ngoạn mục. Lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp KLS từ mức giá đỏ lên thằng trần với mức tăng 9,3% lên 8.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,47 triệu đơn vị và dự mua trần 0,15 triệu đơn vị.