Thị trường đã có nhịp hồi lại khá mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, sau 3 phiên liên tiếp điều chỉnh trước đó. Tuy nhiên, nhịp phục hồi này còn để lại nhiều nghi ngại khi thanh khoản thị trường bị sụt giảm mạnh.
Sự nghi ngại này còn gia tăng sau khi thông tin nới room mới nhất được đưa ra theo chiều hướng Chính phủ sẽ chưa sớm ký quyết định này. Đồng thời nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, nhóm có độ tăng trưởng nóng tháng qua, bị dội gáo nước lạnh khi một loạt mã rơi vào diện cảnh báo.
Do vậy, không khó hiểu nhìn vào diễn biến thị trường nửa phiên sáng nay với các mảng xanh đỏ đan xen trên bảng điện tử. Trên HOSE màu xanh vẫn giữ được nhờ số mã tăng lớn hơn giảm và đặc biệt là một số trụ cột của thị trường như GAS, MSN... vẫn tăng điểm khá vững.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,46 điểm (+0,08%) lên 589,9 điểm với hơn 2,54 triệu đơn vị được khớp, trị giá 39,43 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bắt đáy vẫn còn khi lệnh đặt mua giá dưới tham chiếu vẫn là khá lớn, nhưng khi nguồn cung giá thấp cạn kiệt thì các lệnh mua đuổi giá cao không mạnh mẽ khiến đà tăng của chỉ số khá mong manh vì không được hỗ trợ bởi thanh khoản.
Còn trên HNX, do không có các mã trụ và số mã giảm điểm vẫn chiếm ưu thế, nên trong phần lớn thời gian giao dịch nửa phiên sáng, chỉ số này chìm trong sắc đỏ với thanh khoản còn ở mức tồi tệ hơn HOSE.
Nhận định về diễn biến trong phiên cuối tuần này, đa số các CTCK từ cuối ngày hôm qua đã đưa ra đánh giá thận trọng. Việc tăng điểm mạnh ngày hôm qua có tác động rất lớn từ các mã nhỏ, mã nóng đã giảm sâu trước đó quay đầu tăng trần. Dòng tiền nóng khó đảm bảo sự tăng lên bền vững của các chỉ số.
Điều này đã đúng trong nửa đầu buổi sáng, nếu như phiên hôm qua, các cổ phiếu nhỏ là tâm điểm khi có hàng trăm mã đồng loạt tăng trần trên cả 2 sàn. Nhưng sang phiên này, sắc tím đã gần như biến mất, chỉ còn lác đác vài mã như PXM, DLG, TCO, BT6 trên HOSE hay GGG, KHB, LCS, L14… trên sàn HNX.
Hy vọng giữ đà tăng tập trung vào các mã lớn. Hiện GAS, PVD, VCB, HPG, MSN vẫn còn màu xanh giúp VNIndex chưa đổi sang màu đỏ. Việc tăng hay giảm tiếp theo và khả năng kéo dòng tiền nóng tham gia thêm đang phụ thuộc diễn biến giao dịch các mã này.
Càng về cuối phiên, dòng tiền càng tỏ ra thận trọng khiến các nhân tố giữ đà tăng cứ “rụng” dần, các chỉ số đều không còn giữ được mốc tham chiếu.
Kết phiên sáng 4/4, VN-Index giảm 1,03 điểm (-0,17%) dừng tại 588,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,768 triệu đơn vị, trị giá 1.207,58 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận là 4,86 triệu đơn vị, giá trị 283,4 tỷ đồng, với sự đóng góp trên 2,7 triệu đơn vị ở giá sàn, giá trị 188,03 tỷ đồng của VIC. Chỉ số VN30-Index giảm 2,03 điểm (-0,31%) xuống 662,85 điểm. Còn HNX-Index giảm tới 1,24 điểm (-1,41%) xuống 86,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,130 triệu đơn vị, trị giá 372,4 tỷ đồng. Chỉ số HNX30-Index giảm 2,71 điểm (-1,5%) xuống còn 177,94 điểm.
Trong nhóm VN30, độ rộng giảm giá đã tăng nhiều hơn khi có tới 16 mã giảm, 9 mã tăng và 5 mã đứng giá. Các mã lớn như VCB, VNM, MBB, FPT, DPM… đồng loạt giao dịch dưới tham chiếu, kéo VN-Index quay đầu giảm điểm. Trong đó, VNM giảm 1.000 đồng xuống 143.000 đồng, DPM giảm 9.00 đồng xuống 42.700 đồng, FPT giảm 500 đồng xuống 68.000 đồng…
SSI giảm 200 đồng, xuống 29.000 đồng và khớp hơn 1,5 triệu đơn vị. Các mã chứng khoán khác như AGR, BSI cũng chung cảnh ngộ như SSI, trong khi HCM đứng tham chiếu.
Tuy nhiên, đà giảm của VN-Index phần nào được hãm lại nhờ MSN, HAG, KDC, GAS, PVD… vẫn duy trì được sắc xanh. Trong đó, HAG có thanh khoản mạnh khi khớp được 2,36 triệu đơn vị và tăng 200 đồng lên 28.600 đồng. VIC tạm đứng tại tham chiếu khi hết phiên.
Trong khi đó, việc dòng tiền nóng đang tạm đứng ngoài, nên đa phần các cổ phiếu đầu cơ như ITA, FLC, KBC, HQC, MCG, DXG… cùng chịu chung sắc đỏ. ITA giảm 200 đồng, xuống 10.100 đồng và khớp 4,97 triệu đơn vị, thanh khoản cao nhất trên HOSE. FLC giảm mạnh hơn với 500 đồng, xuống 14.400 đồng và kịp khớp 4,3 triệu đơn vị.
Trên HNX, toàn bộ các mã dẫn dắt như VND, SHB, KLS, ACB, SHB, PVS, SCR… đồng loạt giao dịch dưới tham chiếu. Lực cầu yếu khiến thanh khoản của các mã này sụt giảm mạnh so với mọi khi. SHB khớp 2,56 triệu đơn vị, còn lại SHS, KLS, SCR… chỉ khớp trên 1 triệu đơn vị.
PVX cũng không khá hơn khi cũng giảm 300 đồng xuống 6.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,16 triệu đơn vị.