Qua “quãng xóc”, VN-Index sẽ lên 635 - 655 điểm

(ĐTCK) Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường CTCK MB (MBS) cho rằng, dù TTCK đảo chiều khá mạnh vào cuối tháng 3, nhưng nhìn chung, về xu hướng trung và dài hạn, thị trường có thể tiếp tục tăng với các mốc tăng dự kiến như 635 - 655 điểm của VN-Index.
Qua “quãng xóc”, VN-Index sẽ lên 635 - 655 điểm

Phiên giao dịch ngày 2/4/2014, thị trường tiếp tục xuất hiện tín hiệu bán tháo về cuối phiên khi nhiều nhà đầu tư gần như đã mất hết kiên nhẫn và quyết định cắt lỗ.

Theo ông Sơn, trong lượng cung này, có một phần không nhỏ đến từ lượng cổ phiếu yêu cầu giải chấp của các CTCK, nhất là khi nhiều cổ phiếu penny tăng nóng trong thời gian qua chủ yếu được NĐT mua bằng tiền margin. Do đó, khi nhóm cổ phiếu này giảm mạnh hơn, thị trường đã kích hoạt hàng loạt lệnh bán. Phần lớn các cổ phiếu giảm sàn trong phiên trước đều thuộc dòng đầu cơ, penny

Sau 2 phiên giảm mạnh, VN-Index mặc dù vẫn giữ được mốc 580 điểm, nhưng tâm lý thị trường đang khá yếu. Lực cung ngắn hạn phiên hôm qua có thể giảm bớt chút ít do một phần lượng cung tiềm năng đã được phân phối trước đó, tuy nhiên vẫn đáng ngại khi lượng cung yêu cầu giải chấp có thể vẫn còn khá nhiều.

Ông Sơn nhận định, lực cầu bắt đáy có tín hiệu tăng lên trong phiên hôm (3/4). Tuy nhiên, lượng cầu khớp chủ động giá cao là khá mỏng, thể hiện ở thanh khoản của cả hai sàn tụt về mức thấp, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình trong thời gian qua. Bên cạnh đó, lượng cung giá thấp đã cạn sau hai phiên bán mạnh, trong khi lực cầu bắt đáy có xu hướng tăng lên, dẫn đến sự chênh lệch cung cầu, làm cho thanh khoản giảm sút.

Tuy nhiên, về cơ bản, thanh khoản giảm trong những phiên phục hồi như sáng qua vẫn chưa thể khẳng định là xu hưởng giảm đã kết thúc. Bởi thông thường, trong những vùng này, khả năng thị trường có thể xuất hiện bulltrap trong phiên hoặc một vài phiên, do đó, thận trọng là không thừa trong giai đoạn này.

Nhìn về phân lớp cổ phiếu, nhóm cổ phiếu bluechips như GAS, HPG, PVD, PVS trong thời gian qua chưa giảm nhiều, trong khi đó, nhóm giảm mạnh nhất chủ yếu là cổ phiếu penny và đầu cơ. Do đó, trong những phiên hồi phục kỹ thuật như phiên 3/4, những cổ phiếu này thường được bắt đáy và nhiều cổ phiếu đã tăng trần trở lại như KSD, HLA, VNH, KHB, GGG…, khiến nhiều NĐT đua mua trở lại.

Ông Sơn cho biết, về kỹ thuật, VN-Index đã phá vỡ kênh tăng giá ngắn hạn và đang giảm về vùng cân bằng mới. Nhìn từ sóng Elliot, vùng hỗ trợ mạnh nhất cho VN-Index trong thời điểm này là 550 - 555 điểm và vùng hỗ trợ yếu hơn là 570 - 580 (+/-5) điểm. Do đó, các đợt phục hồi có thể diễn ra quanh vùng hỗ trợ kỹ thuật gần nhất. Tuy nhiên, nếu xu hướng chưa được củng cố hoặc đảo chiều thì khả năng giảm vẫn có thể tiếp diễn. Nhìn lại diễn biến thị trường trong các năm trước, các đợt điều chỉnh thường kéo dài từ 2 tuần đến 1 tháng với các đợt giảm và phục hồi đan xen. Do đó, NĐT nên quan sát chờ tín hiệu củng cố về giá và khối lượng giao dịch trước khi trở lại thị trường hoặc có thể mua thăm dò tại các vùng kỹ thuật.

Theo số liệu trong vòng 5 phiên gần đây nhất, quỹ VNM ETF đã rút ròng khoảng trên 9 triệu USD sau đợt tăng vốn kéo dài, cho thấy tín hiệu không mấy tích cực. Giai đoạn này khá giống với kịch bản năm ngoái, khi VNM ETF bắt đầu rút vốn thị trường, cũng tạo đỉnh ngắn hạn và giảm kéo dài hơn một tháng.

Về xu hướng trung và dài hạn, ông Sơn cho rằng, năm 2014, thị trường có thể tiếp tục trong xu hướng tăng với các mốc tăng dự kiến như 635 - 655 điểm cho VN-Index. Do đó, NĐT nên thận trọng bắt đáy tại vùng hiện tại, chờ đợi thông tin kết quả kinh doanh quý I và gom mua dần cổ phiếu; xem xét gom mua khi giá cổ phiếu điều chỉnh gần các vũng hỗ trợ mạnh, cũng như khi thị trường test lại các vùng hỗ trợ hoặc trong các phiên giảm mạnh.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục