Phiên giao dịch sáng 4/3: Nghỉ ngơi lấy sức

(ĐTCK) Dù đã có động lực tăng khá vững trong phiên hôm qua, nhưng áp lực chốt lời khi chạm mốc 600 điểm khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm. Đây có thể chỉ là phút nghỉ ngơi lấy sức trước khi bước vào đợt chinh phục mới của thị trường.
Phiên giao dịch sáng 4/3: Nghỉ ngơi lấy sức

Hôm qua (3/3), thị trường đã có phiên giao dịch hưng phấn với sự tăng trưởng cả về giá, độ rộng và đặc biệt là thanh khoản. Điều này cho thấy tâm lý chung của thị trường đang ở trạng thái lạc quan và nhà đầu tư không ngần ngại giải ngân ở mức giá cao.

Bên cạnh đó, việc dòng tiền tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu bluechips cơ bản trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ chỉ tăng nhẹ cũng cho thấy chiến lược đầu tư trung, dài hạn đang chiếm ưu thế. Đây chính là nền tảng để VN-Index có thể bứt phá vượt qua mốc kháng cự gần 600 điểm.

Tuy nhiên, liệu VN-Index có thực hiện được điều này khi chỉ còn cách mốc kháng cự này một khoảng không xa hay tiếp tục thất bại như trong các phiên giao dịch tuần trước vẫn phải chờ vào phiên giao dịch hôm nay?

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 1,77 điểm (+0,3%) lên 598,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,64 triệu đơn vị, tương đương giá trị 45 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, sự hưng phấn của các nhà đầu tư tiếp tục được thể hiện qua số mã tăng điểm trên bảng điện tử cũng như thanh khoản của thị trường. VN-Index nhanh chóng vượt qua 600 điểm, nhưng cũng ngay sau đó lại bị đẩy lùi khỏi mốc này khi dòng bank đang cho thấy sự suy yếu.

Cụ thể, hầu hết mã ngân hàng như VCB, STB, CTG, BID đứng giá, trong khi MBB giảm 100 đồng.

Dòng bất động sản và khoáng sản, dù không còn sôi động như phiên hôm qua nhưng vẫn giữ được thanh khoản tốt, đặc biệt KSA vẫn giữ mức trần.

Tuy nhiên, sau gần 45 phút giao dịch, giao dịch của nhà đầu tư bắt đầu chậm lại. Có lẽ việc chuẩn bị công bố danh mục trong kỳ sắp tới của các quỹ ETFs vẫn có nhiều ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

Nhiều nhận định trên thị trường cho rằng, DRC và CSM có khả năng sẽ bị loại khỏi cả 2 quỹ ETF VNM và ETF FTSE. Thông tin này khiến cả 2 mã này đang chịu áp lực bán, CSM đã giảm 400 đồng, trong khi DRC giảm 500 đồng.

Với nhóm bluechips, GAS tăng 1.000 đồng khi giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại, nhưng VIC (giảm 500 đồng) và MSN đứng giá, VCB đã quay đầu giảm 100 đồng, cũng là những trở lực cản bước đi lên của VN-Index.

Trên HNX, độ rộng không lớn như trên HOSE, nhưng chỉ số sàn này vẫn duy trì sắc xanh ngay đầu phiên.

Đến 10h, chỉ số HNX-Index quay về tham chiếu với thanh khoản đạt 17 triệu đơn vị, trị giá 216 tỷ đồng.

Trong đó, riêng KLF chiếm đến hơn 25% tổng giá trị giao dịch toàn sàn với hơn 4,5 triệu cổ phiếu được giao dịch. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch tại mức giá 10.900 đồng/cp, tăng 200 đồng.

Một số mã dẫn dắt khác như VND tăng 100 đồng; BVS tăng 200 đồng; ACB, PVS tăng 100;  đồng; trong khi PVX, SCR, KLS đứng giá.

Trong phiên giao dịch sáng nay dù thị trường bị đẩy lại khi gặp ngưỡng cản 600 điểm, nhưng nó vẫn mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư.

Ồ ạt xuống tiền đẩy chỉ số trên sàn lên cao và chinh phục mốc cản khó vượt. Sau đó lại nhanh chóng đi xuống trước áp lực chốt lời và có thời điểm rơi xuống tham chiếu. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại, cùng dòng tiền nội trực chờ, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ đã bắt đầu nhập cuộc, đã giúp chỉ số trên HOSE có cú nảy ngược lại, nhưng vẫn không thoát khỏi đà giảm trước khi kết thúc phiên giao dịch sáng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,05 điểm (-0,01%) xuống 596,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,5 triệu đơn vị, trị giá 1.185,42 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 15 tỷ đồng.

Trên HNX, dù cũng những thời điểm giao động, nhưng may mắn giữ được sắc xanh trước khi thị trường tạm nghỉ giao dịch giữa phiên. HNX-Index tăng nhẹ 0,13 điểm (+0,15%) lên 86,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,5 triệu đơn vị, trị giá 409 tỷ đồng.

Dòng bank hôm nay đã không còn giữ được vị thế dẫn dắt, thay vào đó là dòng chứng khoán với nhiều mã đồng loạt tăng điểm, như HCM tăng 1.000 đồng; SSI tăng 200 đồng (HOSE); VND, BVS (tăng 200 đồng trên HNX)… Có lẽ thông điệp phát đi từ việc cơ quan quản lý thị trường về việc đang xây dựng nhiều cơ chế mới để thúc đẩy TTCK phát triển, cũng như thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn, trong đó, có việc chia nhóm DN để mở room, đã thu hút dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này.

Đáng chú ý, ở những mã đầu cơ, đang là tâm điểm của dòng tiền. Cụ thể, KBC, HAI trên HOSE và KLF trên HNX. Trong đó, HAI được khớp tới 8,25 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,32%, xuống 15.500 đồng, dù mở cửa với sắc xanh và có lúc tăng 3,1%, nhưng lực bán mạnh đã kéo HAI giảm mạnh, có lúc bị kéo xuống mức sàn 15.100 đồng.

Theo nhận định từ CTCK Rồng Việt (VDSC), KBC có khả năng sẽ bị FTSE bán ra 1 triệu cổ phiếu, cổ phiếu này trong phiên hôm nay đã có mức thanh khoản cao nhất trên HOSE cũng như đang được khối ngoại mua vào nhiều nhất sàn, với mức tăng mạnh, 400 đồng/cp.

T. Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục