TRC sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay
CTCK MB (MBS)
CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) công bố kết quả kinh doanh 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 501 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 137 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của TRC suy giảm trong năm 2014, chủ yếu là do giá bán mủ cao su thiên nhiên giảm mạnh so với cùng kỳ, tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của Công ty. Giá bán mủ cao su trung bình của Công ty trong năm 2014 chỉ đạt mức 38,8 triệu đồng/tấn.
Công ty dự báo, thị trường tiêu thụ mủ cao su sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2015, do đó giá bán dự kiến trong kế hoạch kinh doanh năm 2015 chỉ là mức 31 triệu đồng/tấn. Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2015 khá thấp chỉ ở mức 34,7 tỷ đồng, giảm 78,2% so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, TRC vẫn lên kế hoạch rót 390 tỷ đồng đầu tư vào Công ty Tây Ninh Siêm Riệp, đồng thời tiếp tục khai hoang trồng mới cao su tại dự án này.
Mặc dù không lạc quan về triển vọng giá cao su thiên nhiên trong năm 2015 song chúng tôi đánh giá kế hoạch kinh doanh của TRC quá thận trọng.
Chúng tôi đánh giá giá cao su thiên nhiên nhiều khả năng sẽ chỉ giảm nhẹ trong năm 2015 và TRC sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.
VOS: Kết thúc điều chỉnh - MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
VOS ghi nhận xu hướng tăng trung hạn tính từ nửa cuối 2014. Dù vậy ngắn hạn hơn, đường giá năm trong pha điều chỉnh sau khi đã tăng mạnh trước đó.
Quá trinh điều chỉnh đưa VOS quay lại sát khu vực được nâng đỡ bởi MA trung hạn và trong phiên hôm nay, sự tăng giá đã diễn ra rất dứt khoát để đưa đường giá thoát khỏi tầm ảnh hưởng của quá trình tích lũy.
Kết quả nêu trên giúp xác nhận VOS hoàn tất pha điều chỉnh và quay lại với xu hướng tăng trung hạn của mình.
Thanh khoản ghi nhận mức đột biến trong phiên tăng 3/3 của giá, cho thấy bên mua rất dứt khoát trong việc đẩy giá ra khỏi vùng tích lũy, đây là một điểm cộng.
Chỉ báo tích cực. Ngoài MACD còn nằm thấp hơn đôi chút mức 0 (nhưng khả năng vượt lên khá sáng sủa), hầu hết các chỉ báo khác đều trong vùng tích cực.
NĐT có thể mua vào VOS ở giá hiện tại 6.3. Mục tiêu gần nhất tại 7.3 (+15,9%). Dừng lỗ tại 5.8 (-7,9%).
MSN: Vượt kháng cự quan trọng - MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
MSN là một trong số các bluechips gây “thất vọng” khá nhiều cho nhà đầu tư trong một khoản thời gian dài khi liên tục giảm giá và đi ngang.
Dù vậy kể từ đầu tháng 2 đến nay, MSN liên tục ghi nhận kết quả đi lên và trong một tuần qua, đường giá có cơ hội thử vùng kháng cự quan trọng tại vùng 86 điểm.
Sự bứt phá đã xảy ra rất rõ nét trong 3/3, sau một số phiên giằng co ngay kháng cự trước đó.
Với kết quả vượt kháng cự quan trọng này, xu hướng của MSN được xác nhận chuyển sang trạng thái tăng.
KLGD đạt chuẩn. KLGD có sự gia tăng rõ nét trong một tháng qua. Ở phiên bứt phá kháng cự hôm nay, thanh khoản vượt hẳn lên trên mức trung bình 50 ngày, cho thấy độ tin cậy của điểm bứt phá.
Chỉ báo kỹ thuật tích cực. Các chỉ báo hầu hết di chuyển từ vùng trung tính sang tích cực để ủng hộ xu hướng tăng của giá.
NĐT có thể mua vào MSN ở mức giá hiện tại 90.0. Mục tiêu gần nhất 102 (+13,3%). Dừng lỗ tại 84.0 (-6,7%).
VSC: Nắm giữ cổ phiếu này với lợi nhuận kỳ vọng 19%
CTCK APEC (APS)
Năm 2014, hoạt động khai thác cảng là hoạt động chủ đạo của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC), đóng góp 76% doanh thu và 65% lợi nhuận gộp. Hai hoạt động khác là kho bãi và vận tải chiếm khoảng 10% doanh thu mỗi hoạt động. Đại lý tàu là hoạt động đóng góp ít nhất cho doanh thu, chiếm 3%.
Cảng Green Port có vị trí thuận lợi để phát triển nhờ sông Cấm có độ sâu lớn, 8.0m, cửa sông rộng và có cơ sở hạ tầng phụ trợ phát triển. Cảng này gồm 2 cầu cảng, có thể đón tàu lên đến 10,000 DWT và một năm có thể bốc xếp khoảng 350,000 TEU.
Cảng VIP Green Port có vị trí còn thuận lợi hơn so với cảng Green Port. Cảng này nằm ngay tại cửa sông, có mực nước sâu nên có thể khai thác tàu có trọng tải lớn hơn.
Cảng nằm trong Khu công nghiệp Đình Vũ, gắn liền với đường cao tốc 5B Hà Nội – Hải Phòng nên có cơ sở hạ tầng phụ trợ rất phát triển.
Tuy số lượng cảng hoạt động trong khu vực khá nhiều nhưng chúng tôi đánh giá tình hình cạnh tranh không quá gay gắt trong thời điểm hiện tại và sẽ giảm bớt trong vài năm tới. Hiện tổng khả năng bốc xếp hàng hóa của miền Bắc Việt Nam đạt khoảng 75 triệu tấn hàng hóa mỗi năm thì riêng tại Hải Phòng lượng hàng hóa bốc xếp đã đạt 60 triệu tấn năm 2014. Như vậy, hiện tại cầu đã cao gần bằng cung.
Với những điều kiện thuận lợi của mình, kết hợp với tốc độ phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong những năm tới chúng tôi tin rằng hoạt động khai thác cảng của VSC sẽ tăng trưởng tốt. Các hoạt động khác như kho bãi, vận chuyển và đại lý cũng sẽ tăng trưởng theo việc khai thác cảng.
Điểm hạn chế. Sau nhiều năm đầu tư khai thác, hiện công suất của cảng Green Port đã gần đạt tối đa. Tình trạng này khiến cho doanh thu của VSC khó có thể tăng trưởng nhanh. Ví dụ là tăng trưởng năm 2013 rất thấp, năm 2014 cao hơn là do Trung tâm Logistics Xanh đi vào hoạt động.
Năm 2016, khi cảng VIP Green Port đi vào hoạt động sẽ khắc phục được trình trạng tăng trưởng thấp này.
Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của VSC ở mức 60.740 đồng. Giá hiện tại của VSC là 51.000 đồng. Do đó chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này với lợi nhuận kỳ vọng 19%.