Phiên giao dịch sáng 4/3: Bên bán có dừng tay?

(ĐTCK) Bất chấp lực bán mạnh và thị trường có những thông tin tác động không mấy tích cực, nhưng lực mua vẫn rất lớn. Liệu nhìn dòng tiền chảy mạnh này, bên bán có dừng tay?
Phiên giao dịch sáng 4/3: Bên bán có dừng tay?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng kể từ đầu năm. Trong 2 tháng đầu năm, VN-Index tăng hơn 16%, còn HNX-Index cũng có thêm hơn 22%. Thanh khoản trên 2 sàn luôn ở mức cao, với giá trị giao dịch luôn trên mức 3.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí phiên 20/2 lên mức kỷ lục 5.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của một công ty chứng khoán, thì lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua phần lớn là dùng đòn bẩy tài chính của giới đầu tư, với dư nợ margin ít nhất lên tới 6.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản vay mượn của người thân, bạn bè và ngân hàng.  Nhìn vào báo cáo này có thể thấy, dòng tiền cho thị trường chứng khoán thiếu bền vững và chỉ cần có “biến nhỏ”, nó cũng có thể khiến thị trường chao đảo.

Nhiều cảnh báo về sự điều chỉnh của thị trường đã được đưa ra và nhìn thấy rõ nhất sự rủi ro của thị trường chính là khối tự doanh của các công ty chứng khoán, khi khối này đã bán mạnh ra từ sau Tết Nguyên đán, với khoản tiền rút ra trong tháng 2 lên tới gần 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn nhìn thấy cơ hội kiếm lời trên thị trường khi nhìn thấy dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán, những người thắng lớn ở đợt sóng trước tiếp tục vào tiền để có thêm lợi nhuận ở đợt sóng này, còn những người nhỡ chuyến tàu trước đó cũng nhanh chóng gom tiền mua vé để lên chuyến tàu mới.

Tuy nhiên, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với nhiều thông tin bất lợi. Ở trong nước, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 của Việt Nam ngành sản xuất giảm xuống còn 51 điểm từ mức 52,1 điểm trong tháng 1. Tuy nhiên, thông tin được giới đầu tư quan tâm, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài là tình hình bất ổn ở Ukraine. Chính những bất ổn ở quốc gia Đông Âu này đã khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc, giới đầu tư nhanh chóng rút tiền khỏi chứng khoán để chuyển qua các kênh đầu tư an toàn khác là USD và vàng.

Nhìn vào diễn biến trong phiên đầu tuần trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thấy rõ điều này khi khối ngoại đẩy mạnh bán ra, trong khi chỉ mua rất nhẹ ở một số mã. Động thái bán ròng tới 93 tỷ đồng của khối ngoại, cùng với việc khối tự doanh cũng rút ròng ra gần 9 tỷ đồng cho thấy, các nhà đầu tư lớn đã nhận thấy thị trường sắp có “biến”.

Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, sau phiên xả hàng ồ ạt chiều qua, “cuộc thi chạy nước rút” của những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trở nên quyết liệt hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.

Không còn dám thăm dò, thử thái độ của bên mua, ngay khi thị trường mở cửa, lệnh bán giá thấp đã nhanh chóng chất đầy, nhuộm đỏ bảng điện tử.

Kế thúc đợt 1, VN-Index giảm 4,04 điểm (-0,7%), xuống 569,34 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 66,8 tỷ đồng.

Lực bán tiếp tục tăng mạnh khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục, tuy nhiên, “lòng tham” của bên nắm giữ tiền mặt vẫn rất cao, giúp VN-Index hãm đà giảm với thanh khoản duy trì ở mức cao.

Điểm đáng chú ý là dù thị trường bị bán mạnh, nhưng PVT và 2 cổ phiếu chứng khoán lơn như HCM, SSI vẫn duy trì sắc xanh, giúp thị trường không rơi quá mạnh. Về cuối phiên, trong khi SSI dần yếu đà thì lại có DIG "hồi sinh".

Lực bán giá thấp khiến số mã giảm giá chiếm thế áp đảo, gấp 4 lần số mã tăng giá. Dù vậy, do lực mua bắt đáy khá lớn, nên VN-Index không rơi tự do như phiên chiều qua, mức giảm mạnh của VN-Index về cuối phiên là do bị kéo bởi các mã large cap như GAS, VIC, VNM.

Tương tự, trên HNX, giao dịch cũng diễn ra khá sôi động với sự bất ngờ trở lại của VCG và VND. Trong khi đó, lực bán mạnh đã khiến SHB, PVX, PVS giảm giá với thanh khoản lần lượt đạt hơn 10 triệu đơn vị, gần 4,9 triệu đơn vị và gần 1 triệu đơn vị.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 5,53 điểm (-0,96%), xuống 567,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,4 triệu đơn vị, giá trị 1.146,84 tỷ đồng. VN30-Index giảm 7,61 điểm (-1,18%), xuống 636,34 điểm. HNX-Index giảm 0,82 điểm (-1,02%), xuống 79,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,7 triệu đơn vị, giá trị 414,5 tỷ đồng.

Trên HOSE, cổ phiếu LCG gây chú ý khi lực xả hàng mạnh sau thông tin khả năng cổ phiếu sẽ bị tạm ngừng giao dịch và chuyển sang giao dịch dưới dạng bị kiểm soát. Tuy nhiên, lực mua bắt đáy rất lớn, trong đó có sự tham gia của khối ngoại, giúp thanh khoản LCG tăng cao. Kết thúc phiên, LCG giảm 300 đồng (-4,35%), xuống 6.600 đồng/cổ phiếu với hơn 5 triệu đơn vị được khớp, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua 406.400 đơn vị.

Trong nhận định thị trường phiên hôm nay, một số công ty chứng khoán đưa ra nhận định, đợt sóng tăng mạnh của thị trường sẽ kết thúc và thị trường sẽ bước vào đợt điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, Công ty chứng khoán Maritime Bank (MSBS) có cái nhìn bớt lạc quan hơn khi cho rằng: "Phiên 4/3, VN-Index sẽ giảm về vùng giá hỗ trợ 565 - 570 điềm đầu phiên và hồi trở lại sau đó, đóng cửa giảm điểm nhưng vẫn trên mốc 570 điểm".

Với nhận định lạc quan này và lực mua lớn, bên bán liệu có chùn tay, không thoát hàng bằng mọi giá, giúp thị trường hồi dần trong phiên chiều, hay sự sợ hãi vẫn lấn  át và đợt xả hàng vẫn cứ kéo dài?

"Trận đấu" hôm nay vẫn còn hiệp 2 phía trước, khi đó, chúng ta mới biết lòng tham thắng thế, hay sự sợ hãi sẽ đúng!

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục