Phiên giao dịch sáng 4/11: Lấy đà?

(ĐTCK) Thị trường giằng co mạnh quanh tham chiếu trong phiên sáng và đóng cửa trong sắc đỏ trên cả 2 sàn. Tuy nhiên, lực mua vẫn khá tốt và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đây là đợt lấy đà cho phiên buổi chiều.
Phiên giao dịch sáng 4/11: Lấy đà?

Đánh giá về xu hướng thị trường, đa số công ty chứng khoán và chuyên gia chứng khoán đều có cái nhìn lạc quan về thị trường trong tháng 11. Tuy nhiên, để có những đợt sóng lớn như giữa tháng 9 hay quý I là khó xảy ra, mà thay vào đó là những phiên tăng giảm đan xen và sẽ có những đợt rung lắc khi các chỉ số đang hướng tới vùng đỉnh gần nhất.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, diễn biến thị trường diễn ra giống như những nhận định trên, ngay khi VN-Index lên mức 607 điểm và tưởng chừng sẽ chinh phục mốc 610 điểm, thì lực bán ở các mã lớn xảy ra, đẩy lùi chỉ số này về gần tham chiếu.

Việc đà tăng của thị trường trong phiên đầu tuần bị hãm lại đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.

Về các thông tin vĩ mô mới công bố. Chỉ số PMI dù giảm nhẹ xuống 51 so với mức 51,7 của tháng 9, nhưng vẫn là tháng 14 liên tiếp chỉ số này đứng trên mức 50, cho thấy ngành sản xuất của Việt nam tiếp tục tăng trưởng. Số lượng đơn đặt hàng trong tháng 10 tiếp tục tăng trưởng nhờ vào số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng (tăng trưởng nhanh nhất trong 6 tháng).

Còn theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt. Tuy tháng 10 có nhập siêu 400 triệu USD, nhưng tính chung 10 tháng vẫn xuất siêu 1,9 tỷ USD cho thấy kinh tế đang có chuyển biến tích cực và giảm áp lực lên thị trường ngoại hối.

Cũng theo Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm nay tăng 11,1% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế, tuy nhiên, cũng theo bộ này, dù tổng mức bán lẻ tăng, nhưng sức mua vẫn ở mức thấp, cho thấy còn nhiều việc phải làm để kinh tế tăng trưởng vững chắc.

Với thông tin bên ngoài, trong phiên tối qua trên thị trường chứng khoán Âu, Mỹ, áp lực chốt lời đã diễn ra trên diện rộng, khiến các chỉ số đảo chiều giảm điểm. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước, nhất là khi thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có tuần tăng điểm trước đó.

Ngay khi mở cửa, thị trường bị thử thách khi lực bán vẫn được duy trì, trong khi bên mua rụt rè hơn hẳn, khiến VN-Index giảm điểm ngay khi mở cửa với thanh khoản chỉ bằng khoảng hơn 50% so với đợt 1 của sáng qua.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,6 điểm (-0,27%), xuống 601,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2 triệu đơn vị, giá trị 32,46 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX-Index cũng giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong những phút đầu phiên.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục trên HOSE, đà giảm tiếp tục được duy trì, thậm chí VN-Index có lúc về sát 601 điểm, nhưng sau đó, lực mua gia tăng ở một số bluechip như GAS, VNM, MSN…, giúp VN-Index dần hồi phục và có lúc cũng đã chuyển sắc xanh. HNX-Index sau thời gian giao dịch dưới tham chiếu, cũng đảo chiều tăng điểm leo lên ngưỡng 89,2 điểm trước khi bị đẩy lùi trở lại tham chiếu.

Thị trường những phút còn lại của phiên sáng giao dịch giằng co quanh tham chiếu, phụ thuộc vào diễn biến của các mã lớn. Thanh khoản của cả 2 sàn giảm nhẹ so với phiên sáng qua cho thấy, nhà đầu tư vẫn chực chờ cơ hội để tích lũy dần cổ phiếu, chuẩn bị cho đợt tăng sắp tới.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,53 điểm (-0,25%), xuống 601,62 điểm. VN30-Index giảm 1,96 điểm (-0,3%), xuống 642,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,69 triệu đơn vị, giá trị 1.176,66 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,65 triệu đơn vị, giá trị 106,2 tỷ đồng. GTN tiếp tục có giao dịch thỏa thuận lô lớn với 3,26 triệu đơn vị được khớp, giá trị 64,55 tỷ đồng.

Dù nhận được sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, nhưng do một số mã lớn khác giảm giá như ACB, VCG, OCH, nên HNX-Index cũng đảo chiều giảm điểm và đóng cửa trong sắc đỏ.

Cụ thể, HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%), xuống 88,70 điểm. HNX30-Index lại tăng 0,11 điểm (+0,06%), lên 177,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,6 triệu đơn vị, giá trị 468,41 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 3 tỷ đồng.

VIC sau phiên khởi sắc đầu tuần nhờ thông tin mở bán thành công Dự án Vinhome Nguyễn Chí Thanh đã nhanh chóng đảo chiều với mức giảm 400 đồng ngay khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy sau đó đã dần lấy lại được giá tham chiếu, nhưng do lực mua yếu hơn rất nhiều phiên đầu tuần, nên chốt phiên, mã này vẫn giảm 300 đồng (-0,61%), xuống 48.900 đồng với 0,59 triệu đơn vị được khớp, chỉ bằng 30% so với phiên sáng qua.

VCB sau thông tin thay đổi nhân sự cao cấp cũng không có chuyển biến tích cực hơn, thậm chí mã này còn đảo chiều giảm điểm và hiện đang ở mức thấp nhất phiên 27.900 đồng, giảm 300 đồng (-1,06%), thanh khoản đứng ở mức thấp.

Trong khi đó, GAS và VNM đang sau những nỗ lực làm chỗ dựa cho VN-Index, đã trở về với mức giá tham chiếu. Trong khi MSN còn quay đầu giảm 500 đồng (-0,61%), xuống 81.000 đồng.

Ngoài ra, các mã vốn hóa lớn khác như BID, HPG, BVH, PVD cũng đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không lớn. Các mã này đều có điểm chung là thanh khoản rất thấp.

Nhóm dầu khí tưởng chừng đã trở lại sau 2 phiên bùng nổ, cũng nhanh chóng lặng dần, chỉ còn lác đác một vài mã riêng lẻ còn duy trì đà tăng.

Nhóm bất động sản lại trở về với xu hướng tích lũy thường thấy trong nhiều tuần qua. Về cuối phiên, KBC, HAR hồi mạnh trở lại, trong đó, KBC tăng 300 đồng (+1,78%), lên 17.200 đồng với 4,23 triệu đơn vị được khớp, HAR tăng 400 đồng (+3,33%), lên 12.400 đồng với 3 triệu đơn vị được khớp.  Trong khi đó, FLC và ITA cùng đứng ở tham chiếu với thanh khoản thấp so với mức trung bình nhiều phiên gầy đầy của 2 mã này.

Nhóm chứng khoán cũng có những nỗ lực cuối phiên khi SSI đảo chiều tăng nhẹ 200 đồng với 3,55 triệu đơn vị được khớp. HCM đứng ở tham chiếu, trong khi AGR và BSI giảm nhẹ.

VHG dù không còn duy trì được sắc tím như phiên đầu tuần, nhưng mã này vẫn có được mức tăng tốt 500 đồng (+3,31%), lên 15.600 đồng với 3,57 triệu đơn vị được khớp.

Nhìn chung, đúng như nhận định của các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn của Đầu tư Chứng khoán điện tử, hiện chưa có nhóm, ngành nào đủ sức dẫn dắt thị trường tạo sóng như nhóm dầu khí trước khia.

Trên HNX, nhóm dầu khí với sự dẫn dắt của PVS và PVC lại tỏ ra khá vững chắc hơn, dù vậy như đà đề cập ở trên, do nhiều mã lớn khác giảm giá như ACB, VCG, OCH, KLF, nên dù nhóm dầu khí, cùng FIT hỗ trợ, chỉ số HNX-Index cũng không tránh khỏi phiên giảm giá.

PVC có mức tăng 1.300 đồng (+3,93%), lên 34.400 đồng với 1,96 triệu đơn vị được khớp, đứng sau KLF với 3,62 triệu đơn vị và FIT với 2,29 triệu đơn vị. Trong đó, KLF giảm nhẹ 100 đồng, còn FIT tăng 500 đồng (+1,97%).

PVS cũng có được mức tăng 400 đồng (+0,98%), lên 41.300 đồng với hơn 1,14 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, còn phải kể đến PVE tăng 700 đồng (+4,64%), PLC tăng 1.000 đồng (+3,31%), PFL tăng 200 đồng (+5,26%)…

Hiệu ứng “tay mới” vẫn tiếp diễn trên HNX khi mã mới lên sàn là BAM tăng trần ngay ngày chào sàn. Hiện mã này đang được giao dịch ở mức 16.900 đồng/cổ phiếu, tăng kịch biên độ cho phép 30% so với mức tham chiếu 13.000 đồng. Thanh khoản cũng khá tốt với 370.000 đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần, nhưng không lớn.

Nhà đầu tư đang trở lại bán ròng khá mạnh trên HNX và tập trung vào các mã như VND, KLS, PVC, PVE. Trong khi đó, khối này cũng mua vào dè dặt hơn so với phiên đầu tuần.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục