Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,36 điểm (-0,22%) xuống 627,41 điểm với tổng khối lượng 3,85 triệu đơn vị, trị giá 56,82 tỷ đồng.
Trái với lo ngại về đợt rung lắc tiếp tục kéo dài, thị trường chứng khoán Việt trong phiên sáng nay khá tích cực. Lực cầu giá cao duy trì khá ổn định giúp các cổ phiếu hồi xanh. Trong đó, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap hỗ trở khá tốt cho chỉ số Vn-Index lấy lại sắc xanh với các cổ phiếu VST, VPH, VNL, SBC, SAM, PXT, PNC, MDG… tăng kịch trần.
Bên cạnh đó, cặp đôi VNM và GAS cũng giữ nhịp tăng 1.000 đồng/CP đã hỗ trợ khá tốt giúp chỉ số Vn-Index tìm lại sắc xanh.
Đột biến trong phiên sáng chính là SAM. Bất chấp những không tin không mấy tích cực như quý II, Công ty có quý lỗ đầu tiên sau 2 năm hay việc cổ đông lớn nhất là VNPT rút gần hết vốn nắm giữ với lượng đăng ký bán hơn 40,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 31,02% vốn, nhưng SAM đã tăng mạnh với lượng giao dịch lớn nhất trên sàn. Sắc tím nhanh chóng được thiết lập nhờ lực mua tăng mạnh, hiện SAM tăng 700 đồng lên mức giá trần 11.500 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 4,82 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, điểm nổi KSH tiếp tục tạo ấn tượng với phiên tăng trần thứ 11 liên tiếp
Tuy nhiên, đúng như nhận định của hầu hết các công ty chứng khoán. Sau hơn 1 giờ giao dịch, áp lực đẩy bán bất ngờ gia tăng khiến nhiều cổ phiếu giảm điểm hoặc trở lại mốc tham chiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu VN30 với sắc đỏ chiếm chủ đạo, các ông lớn VNM, GAS cùng trở lại mốc tham chiếu khiến chỉ số Vn-Index đảo chiều giảm điểm.
Tại thời điểm 10h09, trên sàn HOSE có 66 mã tăng, 85 mã giảm và 80 mã đứng giá. Chỉ số Vn-Index giảm 1,34 điểm (-0,21%) tạm đứng ở mức 627,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch 40,31 triệu đơn vị, trị giá 701,55 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, với sự hỗ trợ đến từ các cổ phiếu bluechip đã giúp chỉ số HNX-Index duy trì được sắc xanh. Tại cùng thời điểm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,08%) lên 85,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 26,73 triệu đơn vị, trị giá 342,66 tỷ đồng.
Về nửa cuối phiên giao dịch, lực mua ở các mã lớn tăng mạnh, kéo thị trường tăng trở lại và VN-Index vượt qua mốc 630 điểm dễ dàng.
Đóng cửa, trên sàn HOSE với 108 mã tăng, 75 mã giảm và 83 mã đứng giá, chỉ số VN-Index tăng 4,04 điểm (+0,64%) lên 632,81 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 81,36 triệu đơn vị, trị giá 1.479,01 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 8 triệu đơn vị, trị giá 131,24 tỷ đồng. Riêng RDP thỏa thuận hơn 6,23 triệu đơn vị ở mức giá trần đã đóng góp hơn 98,49 tỷ đồng và APC thỏa thuận 1,71 triệu đơn vị, trị giá 24,14 tỷ đồng. VN30-Index tăng 4,08 điểm (+0,61%) lên 671,98 điểm với 18 mã tăng, 8 mã giảm và 4 mã đứng giá.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục được củng cố sắc xanh với mức tăng 0,51 điểm (+0,6%) lên 86,4 điểm với tổng khối lượng giao dịch 53,44 triệu đơn vị, trị giá 688,72 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,98 triệu đơn vị, trị giá 32,25 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2,57 điểm (+1,46%) lên 178,47 điểm.
Các cổ phiếu bluechip vẫn là trụ cột chính giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh trong phiên sáng nay. Trong đó, FPT tăng 2.000 đồng (+3,51%), VNM tăng 1.000 đồng (+0,88%), HAG tăng 1.100 đồng (+3,06%)… cùng đầu tàu GAS tăng 2.000 đồng (+1,6%), lên 125.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn duy trì sắc tím như HAI, KSH, MDG, MHC, PXT, SAM, SBC…. Trong đó, đột biến SAM vẫn không có nhiều biến động thêm khi lượng dư mua trần vẫn chất đống trong khi bên bán không mấy nhả hàng khiến thanh khoản SAM chỉ tăng nhẹ so với nửa đầu phiên sáng với hơn 5,8 triệu đơn vị. Đóng cửa, SAM tăng trần lên 11.500 đồng/Cp với lượng dư mua trần hơn 1,11 triệu đơn vị.
Trái với diễn biến khá chậm ở nửa đầu phiên sáng, lực mua vào FLC tăng mạnh giúp thanh khoản cổ phiếu này vươn lên dẫn đầu toàn sàn. Tuy nhiên, lực cầu chủ yếu giá thấp khiến FLC đóng cửa ở mức tham chiếu 12.500 đồng/Cp với khối lượng khớp hơn 7,2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tăng mạnh. HCM tăng 1.200 đồng (+3,09%), AGR tăng 200 đồng (+2,82%) với khối lượng khớp cùng đạt gần 1 triệu đơn vị, còn SSI tăng 600 đồng (+2,08%) với hơn 3,37 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Trên sàn HNX, dẫn đầu thanh khoản vẫn là KLF với 7,97 triệu đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa tăng 800 đồng (+6,2%) lên 12.900 đồng/CP.
PVX duy trì mức tăng nhẹ 100 đồng lên 5.700 đồng/Cp với khối lượng khớp hơn 6,1 triệu đơn vị
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn vẫn duy trì đà tăng khá ổn định. Trong đó, VND với thông tin được chấp nhận kết nối giao dịch trực tuyến trở lại đã tăng khá mạnh với mức tăng 300 đồng (+1,8%) lên 16.700 đồng/CP.