KDC: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
KDC đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 với kết quả tiếp tục tăng trưởng khả quan. Cụ thể doanh thu tăng trưởng 12% yoy đạt 1.003 tỷ đồng nhờ hoàn thiện hệ thống quản lý nhà phân phối (DMS) và tăng độ phủ tại các điểm bán lẻ.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp đạt mức 42% tăng cao hơn 2% so với cùng kỳ năm trước nhờ Công ty thành công trong việc tung các sản phẩm mới có biên lợi nhuận cao.
Đặc biệt chi phí lãi vay và chi phí thuế được tiết kiệm đáng kể khi chỉ còn 8 tỷ và 24 tỷ đồng khi giảm lần lượt đến 43% và 39% so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong kỳ tăng mạnh 31% đạt 60 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận ròng đạt 6% cao hơn mức 5% của cùng kỳ.
KDC đặt kế hoạch năm 2014 tăng trưởng lạc quan với doanh thu đạt 5.150 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 660 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 7% so với năm trước. Trong đó động lực tăng trưởng doanh thu dựa trên cơ sở chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ nhờ vào các biện pháp đa dạng hóa và mở rộng sản phẩm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 7% và 19% đạt 1.797 tỷ đồng (hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu) và 135 tỷ đồng (hoàn thành 21% kế hoạch lợi nhuận).
Mặc dù tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của KDC còn ở mức khiêm tốn tuy nhiên đây hoàn toàn là yếu tố mang tính mùa vụ do ngành hàng bánh trung thu chỉ xuất hiện trong cơ cấu doanh thu quý III là một trong những nguồn đóng góp chính cho doanh thu của công ty (chiếm khoảng 17% doanh thu mỗi năm).
Bước vào mùa Trung thu năm nay, KDC sẽ cung cấp tổng sản lượng bánh phục vụ thị trường là 2.800 tấn (+8% so với cùng kỳ năm ngoái). Tính đến ngày 17.08, sản lượng tiêu thụ bánh trung thu Kinh Đô đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bên cạnh đối tượng khách hàng truyền thống là cá nhân thì phân khúc doanh nghiệp phục vụ biếu tặng cũng tăng đáng kể.
Với giả định giá bán bình quân tăng khoảng 7%, doanh thu từ bánh Trung thu của KDC ước đạt thấp nhất khoảng 928 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét tỷ lệ đóng góp của ngành hàng bánh trung thu vào cơ cấu chung, thì khả năng hoàn thành kế hoạch 5.150 tỷ đồng là khá cao.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo dự báo tăng trưởng chậm lại, chỉ khoảng 6% mỗi năm. Trong khi đó nhu cầu về ngành thực phẩm nói chung vẫn tăng trưởng tốt, do đó KDC nhận thấy rằng cần thiết phải dịch chuyển ngành hàng khác mà công ty chưa có sự hiện diện.
Tháng 5.2014, Công ty cũng đã hoàn tất phát hành 40 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, thu về hơn 1.700 tỷ đồng giúp KDC nâng cao tiềm lực tài chính để chủ động trong việc thực hiện chiến lược đầu tư, cụ thể như sau:
(1) Ngành hàng bánh kẹo: KDC đang chiếm từ khoảng 30 -40% thị phần ngành bánh kẹo trong nước. Sau khi tái cấu trúc, mảng này sẽ do BKD tiếp quản và NKD phụ trách mảng phân phối. Phương án tái cấu trúc đã được thông qua tại ĐHĐCĐ. Hiện nay quy mô ngành bánh kẹo đạt 15.557 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng chung của ngành đang chậm lại.
Do đó, KDC đang thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ cạnh tranh để đạt được mục tiêu tăng trưởng 13% trong năm 2014, cao hơn mức trung bình ngành chỉ khoảng 6 -8%
(2) Ngành hàng kem sữa: đang có tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 15% - 20%, với quy mô thị trường khoảng 1.900 tỷ đồng. Ngành hàng này sẽ do Kido phụ trách để tiếp tục phát triển các sản phẩm kem sữa.
(3) Ngành hàng mì gói: KDC sẽ thực hiện hợp tác toàn diện với Sài Gòn Ve Wong với thương hiệu mì gói A- One. KDC ước tính doanh thu từ lĩnh vực mỳ gói sẽ tương đương doanh thu ngành bánh kẹo hiện nay của KDC. Sài Gòn Ve Wong là đơn vị có thế mạnh về công nghệ sản xuất mì gói với chất lượng cao và giá cả hợp lý.
Trong khi đó, KDC có lợi thế về thương hiêu, hệ thống phân phối và năng lực tài chính. Sự kết hợp này sẽ giúp gia tăng sức mạnh cho Kinh đô trong quá trình gia nhập ngành hàng mì gói hiện đang có quy mô đạt 20.185 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng đạt 7-9%.
(4) Ngành hàng dầu ăn: KDC đã trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex với tỷ lệ sở hữu 24%. Đây là bước đi quan trọng để KDC thâm nhập vào ngành dầu ăn với quy mô thị trường lên đến 20.743 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng chung của ngành đạt 7 – 9 %.
(5) Ngành hàng cà phê: KDC đang giữ quyền chi phối Phin Deli từng là công ty của doanh nhân Phạm Đình Nguyên và sở hữu thương hiệu cà phê có sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
KDC là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh bánh kẹo của Việt Nam với danh mục sản phẩm đa dạng, hệ thống phân phối sâu rộng tạo lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường bánh kẹo trong nước.
Với kết quả kinh doanh khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2014, cùng với kế hoạch tham gia vào các ngành hàng mới (mì ăn liền, cà phê và dầu ăn) như đã công bố tại ĐHCĐ 2014, chúng tôi cho rằng, KDC tiếp tục phù hợp để đầu tư trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, mức P/E đã khá cao so với trung bình ngành, nên chúng tôi chỉ đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ trong thời điểm hiện nay.
TDH: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)
Kết quả kinh doanh tăng trưởng chậm, lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Doanh thu thuần đạt 198,6 tỷ đồng (31,1% kế hoạch, +4,17% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 22,4 tỷ đồng (33,4% kế hoạch, cùng kỳ lỗ 7,3 tỷ đồng).
Mảng chuyển nhượng BĐS tăng trưởng khá, đạt 120 tỷ đồng, +46,6% so với cùng kỳ năm ngoái với việc tiếp tục ghi nhận doanh thu từ các dự án chung cư/đất nền công ty đã hoàn thiện như Trường Thọ (15 tỷ đồng), Long Hội city (31 tỷ đồng), Phước Long Spring town (8,6 tỷ đồng), chuyển nhượng toàn bộ dự án 1,4ha tại Hiệp Bình Phước với giá trị 37 tỷ đồng và hàng tồn kho tại một số dự án khác.
Hàng bán trả lại tăng mạnh trong 6 tháng 2014, ở mức gần 33 tỷ đồng xuất phát từ việc hạch toán các căn hộ người mua gốc chuyển nhượng cho người khác và phải trả ngược lại cho TDH trước khi chuyển giao cho người mua sau.
Biên lợi nhuận gộp của mảng chuyển nhượng BĐS giảm mạnh từ 40,4% xuống còn 12,7% do các sản phẩm tiêu thụ chậm và phải chịu lãi vay vốn hóa. Các dịch vụ liên quan đến chợ tăng trưởng tốt, đạt 68,2 tỷ đồng, +14,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên mảng dịch vụ khách sạn ghi nhận lỗ hơn 6,1 tỷ đồng.
Các loại chi phí (lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp) hầu như thay đổi không đáng kể. lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 22,4 tỷ đồng do đóng góp đáng kể từ bán 3,3 triệu cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Phong Phú (giá vốn 11 ngàn đồng/CP, giá bán khoảng 18 ngàn đồng/CP).
Trong 6th.2014, TDH tái cơ cấu các khoản nợ vay theo hướng gia tăng tỷ trọng các khoản vay dài hạn (trên 345 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2014, tăng hơn 72 tỷ đồng so với cuối năm 2013). TDH cũng chi trả trên 246 tỷ đồng nợ gốc với lãi suất cao bằng các khoản vay có lãi suất thấp hơn, lãi suất bình quân từ 11-12%/năm.
Áp lực chi trả được giảm bớt tuy nhiên dòng tiền chưa được cải thiện với việc chỉ bán hàng tại 2 dự án Phước Long Spring town (31/38 nền) và Long Hội giai đoạn 2 (48/183 nền); các căn hộ tồn tại Trường Thọ (60 căn), Phước Bình (15 căn) có diện tích lớn nên tốc độ bán hàng chậm.
TDH dự kiến sẽ chốt các quyền sau vào cuối tháng 9.2014: 10% cổ tức tiền mặt (5% cổ tức 2013 và 5% cổ tức 2014); cổ phiếu thưởng 10% và mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 2:1 (giá không thấp hơn 12.500 đồng/cổ phiếu) cùng một thời điểm.
Cao ốc Hàng Xanh đã cho thuê 22 năm, với giá thuê 324 ngàn đô/năm chưa được ghi nhận trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014. Dự kiến đóng góp trong KQKD năm nay không đáng kể.
Ước tính, TDH sẽ chỉ đạt khoảng 80-85% kế hoạch 2014 xuất phát từ: 1) DT từ Cantavil premier (dự định 60 tỷ đồng) sẽ khó có thể được ghi nhận trong năm 2014 do công trình đang được kiểm toán;
2) tồn kho tại các dự án Trường Thọ, Phước Bình có diện tích lớn (giá bán bình quân 1,5 tỷ đồng/căn);
3) các dự án đất nền mới như Phước Long Spring town giai đoạn 2 và Bình Chiểu sẽ không đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh. P/E trailing 10.x lần thấp hơn bình quân ngành 15.x lần. Tuy nhiên khuyến nghị THEO DÕI do công ty chưa có kế hoạch cụ thể phát triển quỹ đất, dòng tiền chưa được cải thiện rõ nét.
BVH: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)
Trong quý II/2014, doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng trưởng khả quan, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ liên kết chung, còn các mảng tài chính và ngân hàng đều đạt lợi nhuận xấp xỉ cùng kỳ 2013.
Các mảng hoạt động kinh doanh còn lại đóng góp rất nhỏ vào kết quả lợi nhuận của BVH, trong đó chỉ có doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán là có sự cải thiện rõ nét.
Tổng hợp lại, tổng doanh thu trong quý II/2014 đạt 4.713,3 tỷ đồng (+14,2% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 228,8 tỷ (-6,5% so với cùng kỳ năm ngoái).
Luyx kế 6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu đạt 9.189,7 tỷ đồng (+16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 50,1% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 661,5 tỷ đồng (+19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 55,9% kế hoạch).
Về mảng kinh doanh bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm trong quý II/2014 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2013 và đạt 3.304,2 tỷ (+13,6% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó: Phí bảo hiểm nhân thọ chiếm 58,15% và đạt 1.972,7 tỷ đồng (+25,8% so với cùng kỳ năm ngoái); phí bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 36,2% và đạt 1.227 tỷ (-1,5% so với cùng kỳ năm ngoái); và phí nhận tái bảo hiểm chiếm 3,1% và đạt 104,5 tỷ (+11,4%).
Như vậy, tỉ trọng và doanh số của bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ vững nhịp tăng trưởng tốt từ năm 2013, đặc biệt là nhóm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, trong khi bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa có triển vọng bứt phá so với năm 2013, có lẽ là do bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang hồi phục yếu và Bảo hiểm Bảo Việt (chuyên tiến hành các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ) vẫn đang trong quá trình tổ chức lại mô hình khai thác bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy nhiên, cùng với đó, chi phí dự phòng nghiệp vụ cũng tăng thêm gần 50% so với cùng kỳ 2013 (thêm 270,2 tỷ trong quý II/2014), chủ yếu là tăng dự phòng toán học gắn với bảo hiểm nhân thọ (tỉ lệ dự phòng toán học thường rất cao, có thể lên đến 90% phí bảo hiểm nhân thọ thực thu).
Ngoài ra, chi phí hoa hồng cũng tăng thêm 40 tỷ trong quý II/2014 (+13,9% so với cùng kỳ năm ngoái) nên tổng hợp lại, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm trong quý II/2014 xấp xỉ với quý II/2013 (-0,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về hoạt động bảo hiểm Nhân thọ, mặc dù biên lợi nhuận gộp của bảo hiểm nhân thọ không lớn do tỉ lệ dự phòng thường rất cao, phí bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò như đòn bẩy tài chính (nợ vay) cho hoạt động đầu tư và do đó vẫn đem lại lợi nhuận (tài chính) đáng kể cho công ty.
Qua trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi được biết kết quả khả quan của Bảo Việt Nhân Thọ có được là do đã đầu tư khá bài bản cho đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp chuyên khai thác các hợp đồng mới.
Cụ thể, với số lượng tư vấn viên hiện là 37 nghìn người nhưng Bảo Việt Nhân Thọ lại có thị phần hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong quý II/2014 cao nhất thị trường và đạt 25,7% (so với Prudential cũng đạt được số lượng hợp đồng mới gần tương đương nhưng lại có đội ngũ tư vấn viên lên đến 120 nghìn người).
Mặt khác, thị trường các tỉnh (không bao gồm thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh) với khách hàng là các cá nhân đơn lẻ đang là thị trường phát triển nhất của Bảo Việt Nhân Thọ.
Do đó, công ty hiện đang triển khai chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng ở các thành phố lớn và phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhóm hướng tới khối doanh nghiệp. Hơn nữa, thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung cũng được nhiều công ty bảo hiểm lớn trên thế giới đánh giá là còn nhiều tiềm năng với tỉ lệ mua bảo hiểm khá thấp nên nhìn chung, triển vọng mảng bảo hiểm nhân thọ trong trung hạn của BVH rất khả quan.
Ngược lại, đối với mảng Phi nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt lại không kỳ vọng sẽ có doanh thu phí tăng trưởng trong năm nay mà kỳ vọng nhiều hơn vào năm 2015 do công ty vẫn đang trong quá trình tổ chức lại mô hình khai thác và quản lý tập trung với hàm lượng công nghệ thông tin cao hơn nhằm hạn chế tỉ lệ bồi thường cao ở một số nghiệp vụ trong đó có bảo hiểm y tế và bảo hiểm nông nghiệp với thủy sản.
Ở một khía cạnh khác, chi phí bồi thường bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt trong quý II/2014 cũng tăng thêm 31,2 tỷ so với quý I/2014 (+81,9%), có thể là do một phần chi phí bồi thường cho vụ công nhân đập phá khu các công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh vào giữa tháng 5 đã được hạch toán trong quý này.
Tuy nhiên, BVH cũng ước tính tổng chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của công ty chỉ vào khoảng hơn 70 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,5% tổng chi phí bồi thường bảo hiểm phi nhân thọ của BVH trong năm 2013) nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến kết quả kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.
Về mảng đầu tư tài chính, doanh thu tài chính trong quý II/2014 đạt 830 tỷ (+9,8% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng chi phí tài chính tăng lên mức 331,6 tỷ (+24,1% so với cùng kỳ năm ngoái) khiến lợi nhuận tài chính chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với quý II/2013, doanh thu tài chính tăng mạnh ở khoản mục lãi đầu tư trái phiếu (+31,1%), còn chi phí tài chính tăng do chi phí repo, lãi vay (tăng thêm 37,8 tỷ) và lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (tăng thêm 27,7 tỷ).
Lợi nhuận tài chính quý II/2014 cũng chỉ bằng 70% của quý trước, chủ yếu là do chi phí dự phòng quý I/2014 là âm 17,6 tỷ (hoàn nhập dự phòng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận tài chính đạt 1.201,9 tỷ đồng (21,2% so với cùng kỳ năm ngoái), tỉ suất sinh lời của tài sản tài chính hiện là 2,5%/6 tháng (hay 5%/năm), hơi thấp hơn so với cùng kỳ 2013 (2,8%/6 tháng) nhưng vẫn là khả quan nếu xét đến quy mô giá trị danh mục tại 30/6/2014 là hơn 48 nghìn tỷ (+16,1% so với đầu năm) của BVH.
Cũng đáng chú ý là tại thời điểm 30/6/2014, số dư tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 3 tháng tăng thêm gần 4.700 tỷ (+72,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và đầu tư trái phiếu chính phủ dài hạn cũng tăng thêm 1.200 tỷ (+6,2% so với cùng kỳ năm ngoái), nguyên nhân chủ yếu là để phục vụ cho việc chi trả cổ tức năm 2013 (15% trên mệnh giá cổ phiếu, tương đương 1.021 tỷ đồng) và dòng tiền từ hoạt động repo trái phiếu.
Về mảng ngân hàng, cả thu nhập hoạt động và chi phí hoạt động đều tăng khoảng 53 tỷ nên thu nhập thuần trong quý II/2014 không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ 2013 (+0,9% so với cùng kỳ năm ngoái).
Cụ thể, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh trong quý II/2014 và đạt 17,3 tỷ (lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 22,9 tỷ, so với mức chỉ vài trăm triệu trong năm 2013) và thu nhập lãi tiền gửi tăng thêm 36 tỷ (+224% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng thêm 70 tỷ (+60,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, thu nhập thuần hoạt động ngân hàng tăng nhẹ so với cùng kỳ 2013 (+5% so với cùng kỳ năm ngoái).
Các mảng hoạt động kinh doanh còn lại đóng góp khá nhỏ vào kết quả lợi nhuận của BVH (thu nhập thuần chỉ tương đương ~3% lợi nhuận trước thuế), và cũng chỉ có doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán là nổi bật khi trong quý II/2014 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 đều đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2013. Đây cũng là yếu tố chính khiến thu nhập thuần từ hoạt động khác lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 23,8 tỷ đồng (cùng kỳ 2013 chỉ đạt 1,7 tỷ).
BVH là tập đoàn bảo hiểm đa ngành, có thị phần bảo hểm nhân thọ và phi nhân thọ lớn nhất trên thị trường Việt Nam. Mặc dù phải đổi mặt với rủi ro bồi thường bảo hiểm có thể tăng dần về cuối năm khi mùa mưa bão đến, nhiều khả năng BVH là tập đoàn bảo hiểm đa ngành, có thị phần bảo hiểm nhân thọ và phi nhân BVH sẽ vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2014 do nguồn lợi nhuận chính của tập đoàn đến từ hoạt động đầu tư tài chính vẫn đang ổn định.
Theo đó EPS đạt 1.739 đồng, P/E forward tại ngày 26/08/2014 là 25,5 lần, khá cao so với các tập đoàn bảo hiểm có cùng quy mô tài sản trong khu vực, mặt khác tập đoàn cũng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu lại mảng bảo hiểm phi nhân thọ nên chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với BVH.
SHB: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)
Quý II/2014, SHB đạt 587,3 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng (+105,7% so với cùng kỳ năm ngoái) chủ yếu nhờ cải thiện thu nhập lãi, thu dịch vụ và thu nhập khác.
Cụ thể, thu nhập thuần từ lãi tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 760,2 tỷ đồng trên cơ sở tăng trưởng cho vay 19,5 so với đầu năm và 56,4% so với cùng kỳ năm ngoái và NIM tăng nhẹ lên mức 2,15% so với 2,01% của cùng kì 2013.
Các hoạt động phụ trợ tín dụng theo đó cũng được thúc đẩy và giúp thu lãi từ dịch vụ tăng 104,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập khác (với các hoạt đông liên quan đến phục hồi nợ đã xử lý bằng dự phòng, thanh lý tài sản đảm bảo…) đạt 58,6 tỷ so với khoản lỗ 663 triệu đồng của quý II/2013.
Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ lên tới 89,4 tỷ đồng. Kết quả này xuất phát từ việc ngân hàng trích 84,6 tỷ đồng chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán, trong đó 83 tỷ đồng là phần trích lập cho trái phiếu VAMC.
Trong năm 2013, SHB đã bán 1.800 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và thu về 1.665 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Theo các quy định, bắt đầu từ năm 2014, ngân hàng phải trích lập 20% mỗi năm trên mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm liên tiếp, mức trích bình quân mỗi năm dự kiến 333 tỷ đồng.
Nhìn chung, với nguồn thu khả quan từ tín dụng và dịch vụ, tổng thu nhập hoạt động vẫn đạt 872 tỷ đồng (+37% so với cùng kỳ năm ngoái), cùng với đó chi phí hoạt động được tiết giảm 19% nhờ giảm mạnh chi phí lương và chi phí quản lý.
Việc thắt chặt quản lý chi phí dường như đang được thực hiện tốt theo kế hoạch ban đầu. Sau một thời gian sáp nhập, SHB đã hoàn thành bước cuối cùng của việc đồng bộ hệ thống giữa SHB và HBB trong năm 2013 và đi vào hoạt động ổn định từ 2014, tạo tiền đề cho việc cắt giảm chi phí.
Tỷ lệ chi phí hoạt động/ tổng thu nhập hoạt động theo đó giảm xuống chỉ còn 33%, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và đồng thời là mức thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên chi phí dự phòng tăng 248% so với cùng kỳ năm ngoái so với cùng kì khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đâì năm 2014, SHB đạt 505 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 42% kế hoạch năm.
Về hoạt động cho vay: Tín dụng của SHB được đẩy mạnh chủ yếu dành cho khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chủ yếu là doanh nghiệp SME.
Biến động tín dụng cho từng khối khách hàng lần lượt như sau: DNNN: giảm 13% so với đầu năm, chiếm 14% tổng dư nợ; DN ngoài nhà nước: tăng 47% so với đầu năm, chiếm 67,8% tổng dư nợ, cá nhân: giảm 22% so với đầu năm, chiếm 15% tổng dư nợ.
Việc giảm cho vay cá nhân dường như không thống nhất với định hướng tăng cường bán lẻ của ngân hàng. SHB vẫn đang trong thời gian xây dựng chiến lược bán lẻ và đã bày tỏ ý định mua lại một công ty tài chính để phát triển chuyên biệt cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.
Theo lĩnh vực ngành nghề, SHB tiếp tục tăng cho vay nông nghiệp nông thôn, chế biến lương thực, thủy sản (+19% so với đầu năm), tín dụng cho ngành này tiếp tục chiếm 21,6% tổng dư nợ, đây là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của NHNN.
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy dư nợ cho vay xây dựng và bất động sản tăng lần lượt 122% và 135% so với đầu năm. Tỷ trọng của hai nhóm ngành này chiếm 17,3% và 9% tổng cho vay khách hàng so với các mức 9,3% và 4,6% của cuối năm 2013.
Gần đây, SHB công bố gói tín dụng 1.000 tỷ cho Tân Hoàng Minh và một số cam kết cho vay đối với khách hàng mua nhà ở các dự án do Tân Hoàng Minh đầu tư, điều này có thể đã được phản ánh vào trong tăng trưởng tín dụng của 6 tháng đầu năm 2014.
Việc duy trì tỷ trọng cho vay doanh nghiệp sản xuất, xây dựng và bất động sản ở mức cao, những ngành cho nhu cầu vốn lớn và dài được phản ánh trong cơ cấu kì hạn của các khoản vay, với tín dụng tăng mạnh ở nhóm trung và dài hạn (52% và 24% so với đầu năm), trong khi cho vay ngắn hạn chỉ tăng 1,7%.
Về huy động vốn: SHB đạt tăng tiền gửi khách hàng 20,6% so với đầu năm trong 6 tháng đầu năm 2014, chủ yếu tăng ở tiền gửi có kì hạn (+22% so với đầu năm, chiếm 91% tổng TGKH).
Theo quan sát của chúng tôi, SHB luôn duy trì biểu lãi suất huy động ở mức hấp dẫn tương đối so với thị trường, do đó kết quả huy động đạt được là hợp lý.
Đặc biệt, ngân hàng giữ mức lãi suất cao đối với các kì hạn dài (khoảng 8% đối với kì hạn 12 tháng so với mức trung bình khoảng 7% của các ngân hàng khác) trong khi ở các kì hạn ngắn lãi suất đầu vào không có nhiều chênh lệch so với trung bình ngành.
Điều này theo chúng tôi là do ngân hàng cần nguồn vốn dài để tài trợ tương ứng cho việc tăng nhanh tín dụng trung và dài hạn. Tỷ lệ cho vay/huy động hiện tại của SHB ở mức 83,6%, thấp hơn một chút so với con số 84,3% của năm 2013 khi huy động tăng trưởng tốt hơn so với thời gian trước.
Chất lượng tài sản của SHB vẫn là một vấn đề đáng lưu ý. Theo báo cáo tài chính, SHB không phân loại cho vay khách hàng theo 5 nhóm nợ mà chỉ chia thành hai nhóm nợ quá hạn và nợ trong hạn.
Nợ quá hạn đạt hơn 7.471 tỷ đồng (+72% so với đầu năm), chiếm 8,2% tổng dư nợ. Theo cách hiểu của VCBS, nợ quá hạn sẽ bao gồm nợ nhóm 3, 4 và 5 mà phần phần nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày, thuộc nhóm 2.
Do đó chúng tôi đã tiến hành loại trừ các khoản nợ quá hạn từ 10-90 ngày khỏi nợ quá hạn để tính số nợ xấu.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, phần nợ quá hạn dưới 3 tháng của SHB là 1.209,1 tỷ đồng.
Theo đó, nợ xấu của SHB ước tính ở mức 6.261,6 tỷ đồng, chiếm 6,84% tổng dư nợ, cao hơn nhiều mức 4,1% của cuối năm 2013. SHB vẫn “treo” 1.228 tỷ đồng nợ Vinashin vào mục nợ khoanh chờ xử lý.
Bên cạnh đó, SHB cũng có 2.021 tỷ đồng tài sản có quá hạn hơn 3 tháng, nhiều khả năng ở mục các khoản lãi phí phải thu (giá trị 4.750 tỷ vào cuối quý II/2014). Phần quá hạn này có thể xuất phát từ việc SHB cơ cấu lại các khoản nợ theo quyết định 780 và tạm thời ghi nhận vào phải thu.
Chúng tôi dự báo cả năm lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng (-15% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 70% kế hoạch) chủ yếu do chi phí dự phòng tăng cao (465 tỷ đồng chi phí dự phòng so với khoản hoàn nhập 493 tỷ đồng của năm 2013). Từ kết quả này, lợi nhuận sau thuế ước đạt 677 tỷ đồng. Tuy nhiên, do SHB được hoàn nhập khoản thuế TNDN hơn 100 tỷ đồng từ xử lý lỗ lũy kế của HBB, khoản hoàn nhập này dự kiến ghi nhận trong năm 2014, giúp lợi nhuận sau thuế tăng lên mức 777 tỷ đồng.
EPS tương ứng đạt 859 đồng/cổ phiếu (đã tính đến rủi ro pha loãng do phát hành thêm để tăng vốn điều lệ). P/E theo đó ở mức 10,7 lần.
Tiếp tục lưu ý đến các vấn đề về chất lượng tài sản, rủi ro tăng chi phí dự phòng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh lời, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu SHB.
DGC: PE đang giao dịch ở mức 9,4x
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ ngày 26/8/2014 với giá chào sàn 30.000 đồng/cp. Với vốn điều lệ 335 tỷ, số lượng cổ phiếu được niêm yết là 33,5 triệu, trong đó tỷ lệ giao dịch tự do là 64%.
Trong giai đoạn 2007-2013 sau khi cổ phần hoá, DGC đã ghi nhận tăng trưởng ấn tượng với doanh thu thuần tăng bình quân 44,6%/năm và lợi nhuận ròng tăng bình quân 59,2%/năm nhờ mở rộng hoạt động sang sản xuất phốt pho vàng với 2 dây chuyền đầu tư năm 2009 và 2011. Hiện nay, hoạt động sản xuất phốt pho vàng khá ổn định, đóng góp hơn 80% doanh thu và lợi nhuận của DGC.
Bên cạnh đó, thông qua công ty con và công ty liên kết, DGC đang đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm mới như phân lân giàu TSP, phụ gia thức ăn chăn nuôi và axit trích ly, là những sản phẩm có hiệu quả sử dụng cao trong ngành nông nghiệp. Trong ngắn hạn việc đầu tư mở rộng sản xuất chưa đem lại lợi nhuận ngay, nhưng theo chúng tôi đây sẽ là động lực tăng trưởng mới trong dài hạn.
Hoạt động SXKD của DGC cũng không tránh khỏi một số rủi ro nhất định như biến động giá nguyên liệu, giá bán sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường. Nhìn chung, DGC là công ty có (1) triển vọng tăng trưởng trong dài hạn từ đầu tư sản phẩm mới; (2) khả năng
sinh lời tốt; (3) tình hình tài chính khá lành mạnh; và (4) tỷ lệ chi trả cổ tức khá hấp dẫn. Ở mức giá đóng cửa ngày 26/8/2014 là 39.000VND/cp, DGC giao dịch với P/E 2014 là 9,4x.
DMC: Khuyến nghị mua vào
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
DMC duy trì xu hướng tăng ổn định kéo dài từ tháng 5. Đà tăng có phần chững lại từ nửa cuối tháng 7 và hình thành một vùng tích lũy.
Trong hai phiên gần đây, đường giá bứt phá mạnh mẽ qua khỏi kháng cự 43.2, xác nhận kết thúc quá trình tích lũy và quay lại với xu hướng tăng.
Thanh khoản tăng mạnh trong 2 tuần gần đây, đặc biệt tốt trong hai phiên vượt kháng cự và đây là một điểm cộng. Dòng tiền rõ ràng có sự tập trung lớn hơn tại DMC so với thời gian trước đó.
MACD vẫn nằm phía trên đường 0 và tiếp tục gia tăng để ủng hộ đường giá đi lên.
Nền tảng cơ bản: DMC đang giao dịch ở mức 9 lần PE2014, thấp hơn mức 11-12 lần BQ ngành dù DMC đang là công ty dược niêm yết lớn thứ 3 (sau DHG, TRA). Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 tốt với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 21% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, triển vọng dài hạn khá tích cực nhờ hỗ trợ từ CĐ lớn CFR ở các mảng: xuất khẩu, sản xuất và thương mại.
NĐT có thể xem xét mua vào DMC trong các phiên tới với mức giá quanh 44. Mục tiêu gần nhất: 50.0 (+12,6%). Dừng lỗ: 40.9 (-7,9%).
PVG: Rủi ro công nợ cao
CTCK MB (MBS)
PVG vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1055 tỷ và lợi nhuận đạt mức 12.3 tỷ. Mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty có dấu hiệu cải thiện song theo đánh giá của chúng tôi, tình hình tài chính của Công ty vẫn tiềm tàng yếu tố rủi ro.
Công ty có một khoản phải thu của Công ty TNHH kinh doanh Dầu khí Việt Hải trị giá 18.8 tỷ VNĐ, đã quá hạn 6 tháng. Theo Thông tư số 2282009/TT― BTC của Bộ Tài chính, PVG sẽ phải trích lập dự phòng khoảng 8.05 tỷ VNĐ, và do đó lợi nhuận quý 2 2014 sẽ giảm một khoản tương ứng. Tuy nhiên, PVG hiện tại chưa tiến hành trích lập khoản phải thu khó đòi này.
Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên thận trọng và tích tới yếu tố này khi xem xét đầu tư vào PVG do hiện tại Công ty TNHH kinh doanh Dầu khí Việt Hải cũng đang gặp khó khăn và khả năng hoàn trả khoản nợ cho PVG là không chắc chắn. Mức thiệt hại thực tế có thể sẽ còn cao hơn mức 8.05 tỷ nếu trong thời gian tới Công ty TNHH kinh doanh Dầu khí Việt Hải không thể hoàn trả được nợ cho PVG.
Hiện tại, PVG đang làm việc với Tập đoàn Dầu khí về khoản lãi chậm nộp tiền thu được từ cổ phần hóa. Khoản phải nộp này hiện nay được tạm xác nhận là 13.8 tỷ VND theo công văn 7731/DKVN –TCKD của Tập đoàn Dầu khí. Báo cáo tài chính của Công ty chưa phản ánh khoản công nợ tiềm tàng này do đó đây cũng là một yếu tố rủi ro đối với Công ty.