Thị trường đã xuất hiện sắc xanh nhiều hơn, tuy nhiên, tâm lý thận trọng quan sát trước những biến động của thị trường quốc tế cùng diễn biến giá dầu khiến giao dịch diễn ra khá thận trọng. Sau phiên mất điểm ngày 26/1, thị trường đã lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm qua nhờ sắc tím lan tỏa rộng trong nhóm cổ phiếu nhỏ cùng lực cầu duy trì khá tốt ở nhóm cổ phiếu lớn.
Diễn biến giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên tăng mạnh hay kể cả những phiên giảm vẫn duy trì ổn định xu thế bán ròng. Trong phiên hôm qua (27/1), khối này tiếp tục bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên hai sàn. Vì vậy, yếu tố khối ngoại vẫn sẽ tác động không mấy tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Trong khi đó, ở thị trường quốc tế, dù giá dầu thô vẫn tăng mạnh, nhưng trong phiên 27/1, Phố Wall đã trả lại gần hết những gì đã có trong phiên trước đó khi Fed phát tín hiệu, biến động của kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Còn trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Không đã hồi phục trở lại sau phiên lao dốc mạnh trước đó, tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc vẫn trong đà giảm.
Với những diễn biến trên đã tác khiến thị trường trong nước bước vào phiên giao dịch ngày 28/1 khá thận trọng, áp lực bán có phần thắng thế hơn sau phiên tăng điểm ngày hôm qua kéo chỉ số VN-Index điều chỉnh nhẹ dưới mốc tham chiếu.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 0,68 điểm (-0,13%) xuống 542,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,31 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị chỉ 25,1 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, sự hồi phục tích cực của các cổ phiếu bluechip giúp thị trường bật tăng và nhanh chóng vượt qua mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu chưa đủ mạnh để giúp các cổ phiếu này bật tăng mạnh khiến độ rộng thị trường chưa đủ lớn để yên tâm về xu thế tăng điểm.
Giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng giúp nhiều cổ phiếu trong nhóm dầu khí duy trì sắc xanh, tuy nhiên, đà tăng không còn mạnh như phiên trước như PVC, PVX cùng tăng hơn 3%, PVD, GAS, PVB tăng hơn 1%, thậm chí vẫn có mã lớn giảm điểm như PVS giảm hơn 2%.
Tương tự phiên trước, sắc tím trên thị trường chỉ còn tồn tại trong nhóm cổ phiếu tí hon. Đáng chú ý, AGR đã từng bước nhích và có phiên thứ 4 tăng trần liên tiếp lên 2.900 đồng/CP và hiện còn dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị. Trong khi đó, PTL cũng thiết lập sắc tím ở phiên thứ 2 liên tiếp lên 1.600 đồng/CP với lượng khớp chỉ 31.460 đơn vị nhưng dư mua trần tới hơn 1,54 triệu đơn vị.
Đà tăng của các bluechip tiếp tục bị thu hẹp, trong khi lực hãm đến từ VNM và MSN đã tạo gánh nặng kéo thị trường đi xuống. Tuy nhiên, thị trường kiểm định khá thành công mốc 540 điểm, ngay sau khi xuyên thủng ngưỡng kháng cự trên, lực cầu hấp thụ gia tăng giúp thị trường hãm đà giảm điểm.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,77 điểm (-0,14%) xuống 541,92 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 69,64 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.024,97 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,84 triệu đơn vị, trị giá 172,56 tỷ đồng. Vn30-Index tăng 0,05 điểm lên 559,03 điểm với 9 mã tăng, 10 mã giảm và 11 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,28%) xuống 76,05 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 30,31 triệu đơn vị, trị giá 294,83 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 10 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,08 điểm lên 134,65 điểm với 10 mã tăng, 14 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Trong khi VNM đã quay về mốc tham chiếu cùng các mã lớn khác như VIC, SSI, FPT thì MSN cũng chỉ còn giảm 1,36%, các mã khác như BVH, BID, CTG cũng chỉ còn giảm nhẹ 1-2 bước giá giúp thị trường cân bằng hơn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn nhích nhẹ như GAS, PVC, PVB đều tăng dưới 1%, PVD tăng 1,4%, trong khi đó, PVS biến động khá mạnh, thậm chí có thời điểm giảm sàn và chốt phiên giảm 2,72% với thanh khoản sôi động nhất trong nhóm đạt hơn 2 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, trong khi VCB, STB và MBB đã bật xanh thì CTG, BID, ACB vẫn giao dịch ở mức giá đỏ.
HAG sau phiên giảm hôm qua tiếp tục mất giá trong phiên sáng nay với mức giảm 2,27% lùi về mức giá 8.600 đồng/CP và khớp 4,57 triệu đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu được HAG nắm giữ tới 79,52% là HNG vẫn diễn biến xấu khi ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. Hiện HNG giảm 6,8% xuống 16.500 đồng/CP với lượng khớp chỉ hơn 2.000 đơn vị và dư bán sàn tới hơn 2 triệu đơn vị.
Điểm sáng trong phiên giao dịch là SCR. Dù không giữ được sắc tím đến hết phiên, nhưng lực cầu hấp thụ tích cực giúp SCR tăng mạnh cả giá và thanh khoản. Chốt phiên, SCR tăng 6,8% lên 9.400 đồng/CP và khớp 10,49 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Ngoài ra, các cổ phiếu đầu cơ quen thuộc khác cũng giao dịch sôi động như VHG khớp 7,97 triệu đơn vị, FLC khớp 6,28 triệu đơn vị, HAI khớp 3,61 triệu đơn vị, các cổ phiếu như HQC, OGC, KSA cùng khớp hơn 1,5 triệu đơn vị.