Tăng thanh khoản, khó trông chờ cơ chế hiện hành

(ĐTCK) Tăng quy mô và tính thanh khoản cho TTCK trong năm 2016 là một trong những giải pháp quan trọng được cơ quan quản lý và các thành viên thị trường quan tâm, khi mà tính thanh khoản đang sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Nâng cao vòng quay vốn trên thị trường là một giải pháp thiết thực để gia tăng thanh khoản Nâng cao vòng quay vốn trên thị trường là một giải pháp thiết thực để gia tăng thanh khoản

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2016, bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho rằng, thanh khoản thị trường đang là mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và NĐT. Thanh khoản là một trong những cơ sở quan trọng tạo nên sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư vào TTCK.

Đối với HOSE, ngoài các giải pháp tăng cường chất lượng hàng hóa và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống công nghệ, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 cũng như chiến lược đến năm 2020 của Sở là gia tăng quy mô và tính thanh khoản cho thị trường. Mục tiêu này cũng gắn với sự phát triển của TTCK Việt Nam.

"Với cơ chế giao dịch hiện hành thì có rất ít cách để tăng thanh khoản, như bỏ giao dịch đợt 1 trên sàn HOSE và cho phép thực hiện cơ chế giao dịch liên tục giống như HNX đang áp dụng ngay từ đầu phiên" - ông Hoàng Thạch Lân.

Vậy tăng thanh khoản bằng cách nào khi mà tốc độ khớp lệnh đều ở mức rất thấp và chưa thấy dòng tiền mới gia nhập thị trường? Theo HOSE, bên cạnh việc thu hút các loại hàng hóa có chất lượng lên sàn, gia tăng số lượng các công ty đấu giá và quy mô niêm yết, Sở sẽ tập trung phát triển các sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo, chỉ số phát triển bền vững và sản phẩm phái sinh.

“HOSE đang nghiên cứu và kiến nghị các giải pháp kỹ thuật để tăng số lượng ETF niêm yết và giao dịch, đồng thời sẽ nghiên cứu ứng dụng các tiện ích giao dịch mới theo thông lệ quốc tế để hỗ trợ giao dịch, góp phần nâng tính thanh khoản cho thị trường, hướng đến năm 2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 70% đến 100% GDP”, bà Đào nói.

Trên thực tế, ngoại trừ một số phiên thanh khoản tăng tại thời điểm hoạt động mua bán của các quỹ ETF,  thì thanh khoản của TTCK đã sụt giảm mạnh từ giữa năm 2015 cho đến nay, bình quân giao dịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/phiên, có nhiều tháng giá trị giao dịch giảm xuống còn 1.500 tỷ đồng/phiên. Bên cạnh đó, việc NĐT ngoại liên tục bán ròng cũng ảnh hưởng lớn đến xu hướng giao dịch của các NĐT nói chung.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, các giải pháp mà cơ quan quản lý đang hướng tới để giúp tăng thanh khoản mà NĐT đang trông chờ là cho phép NĐT giao dịch trong phiên (Intraday trading) và chứng quyền có bảo đảm (Covered warrants).

Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm đầu tư tài chính có tính chất như một quyền chọn, cho phép người nắm giữ quyền được bán hoặc mua tài sản cơ sở với khối lượng xác định từ nhà phát hành tại một mức giá vào thời điểm được xác định hoặc trước đó.

Còn thực tế, theo ông Lân, với cơ chế giao dịch hiện hành thì có rất ít cách để tăng thanh khoản, như bỏ giao dịch đợt 1 trên sàn HOSE và cho phép thực hiện cơ chế giao dịch liên tục giống như HNX đang áp dụng ngay từ đầu phiên. 

Cũng theo ông Lân, hiện tại, giá trị giao dịch toàn thị trường giảm, nhưng không có nghĩa là mọi cổ phiếu, mọi nhóm ngành đều suy giảm giá trị giao dịch. TTCK không có tính chu kỳ hàng quý trong năm giống như các ngành sản xuất - kinh doanh, mà tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng của NĐT trong từng giai đoạn.

Trong khi đó, theo CTCK VPBank (VPBS), để tăng thanh khoản thì nhất thiết phải tăng quy mô thị trường thông qua việc đẩy nhanh quá trình IPO và niêm yết của các tổng công ty, tập đoàn lớn, tăng thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường.

Trong khi dòng tiền nội vẫn đang bị hạn chế do chính của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2015, thắt chặt nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng vào TTCK, thì việc nới “room” cho NĐT nước ngoài là một giải pháp tốt. Tuy vậy, các NĐT nước ngoài mua lô lớn thường là những NĐT dài hạn, ít tham gia giao dịch hàng ngày trên thị trường, do đó cũng không phải là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tính thanh khoản.

Tăng thanh khoản, khó trông chờ cơ chế hiện hành ảnh 1

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kinh tế và thị trường - Khối phân tích CTCK VPBS cho rằng, việc nâng cao vòng quay vốn trên thị trường là giải pháp thiết thực nhất để gia tăng thanh khoản, nhưng cần sự hỗ trợ rất nhiều từ chính sách (sản phẩm phái sinh, bán khống, rút ngắn thời gian giao dịch về T+0) cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, nếu TTCK Việt Nam đạt được những tiêu chí để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thì các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ETF sẽ quan tâm và dành tỷ trọng đầu tư lớn hơn cho Việt Nam và sẽ góp phần quan trọng trong việc gia tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Như vậy, ngoài yếu tố tự phát mang tính “nước nổi, thuyền nổi” của thanh khoản thị trường, vẫn cần những giải pháp cụ thể, quyết liệt mang tính kỹ thuật từ phía cơ quan quản lý để dòng tiền quay trở lại. Khi có hàng hóa tốt và các công cụ giao dịch đa dạng, tự thị trường sẽ đẩy quy mô và thanh khoản tăng lên.        

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục