Sau tuần hồi nhẹ, thị trường đã nhanh chóng chịu áp lực chốt lời sớm khi bước vào tuần giao dịch mới. Trong phiên hôm qua, dù nhận được sự hỗ trợ của nhóm dầu khí và lực cầu bắt đáy khi VN-Index về vùng 645 điểm, nhưng thị trường vẫn chịu phiên giảm điểm khi nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng và số mã giảm chiếm thế áp đảo.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, không chỉ là tâm lý thận trọng, bên nắm giữ cổ phiếu đã mất kiên nhẫn rất sớm. Với áp lực lớn trên, thị trường mở cửa với mức giảm khá mạnh.
Cụ thể, VN-Index mở cửa giảm 5,18 điểm (-0,8%), xuống 643,2 điểm với 10,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 200,66 tỷ đồng, chủ yếu là do giao dịch thỏa thuận hơn 5,78 triệu cổ phiếu BCI, giá trị 139 tỷ đồng.
Đà giảm sau đó được nới rộng khi áp lực bán tháo xuất hiện trên diện rộng, không kể lớn, nhỏ. Áp lực bán tháo xuất phát từ một số cổ phiếu có tính thị trường, cổ phiếu nhỏ, sau đó lan rộng ra khắp bảng điện tử và khi các mã lớn cũng bị nhiễm “virut” bán tháo, ngưỡng hỗ trợ được xem là cứng 640 điểm của VN-Index đã không thể giữ được. Trên bảng điển từ chỉ le lói một ít sắc xanh (30 mã trên mỗi sàn), trong khi sắc đỏ bao trùm cả 2 bảng điện tử với 201 mã giảm trên HOSE và 164 mã giảm trên HNX.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm 11,47 điểm (-1,77%), xuống 636,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,33 triệu đơn vị, giá trị 1.575,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,53 triệu đơn vị, giá trị 179 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch thỏa thuận BCI ngay từ đầu phiên.
HNX-Index cũng giảm tới 1,49 điểm (-1,79%), xuống 81,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,37 triệu đơn vị, giá trị 318,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,9 triệu đơn vị, giá trị 59 tỷ đồng.
Áp lực bán tháo xảy ra tại nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính thị trường như VHG, OGC, KSB, TTF, JVC, ITA, FIT, VNH, PTL, VOS, MCG, BGM…
Trong đó, những thông tin liên quan đến việc cổ đông lớn Tân Liên Phát ngưng lại và không chuyển đổi khoản vay hơn 1.200 tỷ đồng, cũng như thông tin về sai lệch nghiêm trọng liên quan đến hàng tồn kho, nợ khó đòi khiến giá cố phiếu TTF rơi tự do từ ngày 19/7 đến nay. Sau 11 phiên giảm sàn liên tiếp, thị giá cổ phiếu TTF giảm từ mức 43.600 đồng, xuống còn 21.500 đồng trong phiên 1/8.
Đà giảm này chưa có dấu hiệu dừng lại khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, lệnh bán ATO và lệnh bán sàn cả triệu đơn vị, trong khi bên mua chỉ “vui tay” 4.640 cổ phiếu. Chốt phiên, TTF giảm sàn phiên thứ 11 liên tiếp, xuống 20.000 đồng với lượng dư bán sàn hơn 4,1 triệu đơn vị. Nếu không có bất ngờ đột biến nào quá lớn, TTF sẽ có phiên giảm sàn thứ 11 liên tiếp và có mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 29/10/2015. So với mức giá của phiên 18/7, cổ phiếu TTF đã mất hơn 54% giá trị.
Cùng bị bán sàn ồ ạt trong phiên sáng nay như TTF còn có OGC. Ngay trong đợt giao dịch xác định giá mở cửa, lệnh bán ATO và bán sàn (2.100 đồng) OGC đã lên tới hơn 5 triệu đơn vị, trong khi bên mua cũng không nhiều người đủ dũng cảm để xuống tiền, dù thị giá của OGC nhỏ hơn nhiều. OGC cũng dư bán sàn tới hơn 3,8 triệu đơn vị và chỉ được khớp gần 98.000 đơn vị.
OGC bị bán tháo mạnh trong phiên sáng nay sau khi công bố báo cáo tài chính quý II hợp nhất với mức lỗ ròng 492 tỷ đồng hợp nhất. Tính đến 30/6/2016, OGC có tới 2.276 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 2.509,3 tỷ đồng.
Tương tự, với khoản lỗ 22 tỷ đồng trong quý II, QBS cũng bị xả mạnh trong phiên sáng nay và hiện đang ở mức sàn 7.200 đồng với hơn 65.000 đơn vị được khớp, còn dư bán sàn gần 1,8 triệu đơn vị.
Ngoài 3 mã trên, sàn HOSE còn có 16 mã khác đóng cửa ở mức sàn như VHG, VNH, PTL, VOS, VNA, MCG, LCM, KSH, BGM… Cùng hàng loạt mã ngấp nghé mức sàn như ITA, UDC, PVT, PPI, NVT, LSS, HNG, HHS, HAR, HAS, DAG, CIG, FIT, JVC, TSC…
Không chỉ các mã nhỏ, một số mã lớn khác cũng đang bị bán mạnh, như VCB giảm 2,83%, VNM giảm 1,29%, MSN giảm 2,34%, GAS giảm 1,67%, PVD giảm 3,04%, HPG giảm 1,81%...
Trên HNX cũng 14 mã đóng cửa ở mức sàn trong phiên sáng nay, như HKB, HLC, KHL, KSK, MPT, BBS, ITQ…
Các mã bluechip trên HNX cũng giảm mạnh như AAA giảm 2,65%, NTP giảm 2,3%, PVB giảm 3,1%, PVC giảm 3,05%, PVS giảm 2,3%, VCS giảm 2,5%...
Tuy nhiên, trong xu thế tiêu cực đó của thị trường, FLC lại lội ngược dòng ngoạn mục khi có thời điểm tăng trần lên 6.000 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 5.900 đồng, tăng 3,51% với tổng khớp hơn 7 triệu đơn vị.
FLC tăng mạnh nhờ thông tin kết quả kinh doanh quý II/2016 của công ty mẹ và hợp nhất tăng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý II năm nay của công ty mẹ FLC đạt hơn 2.001 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 552,63 tỷ đồng, tăng 83,5% so với cùng kỳ. Còn doanh thu hợp nhất đạt 2.268,23 tỷ đồng, tăng 67,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đat hơn 402 tỷ đồng, tăng 64,4% so với cùng kỳ.