Phiên giao dịch đầu tuần mới, không chỉ chứng khoán Việt Nam, mà chứng khoán toàn cầu đều rơi vào hoảng loạt, bắt nguồn từ việc chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất 8 năm.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ngay khi VN-Index rời khỏi ngưỡng hỗ trợ 550 điểm, áp lực giải chấp đã đẩy thị trường giảm sâu hơn có lúc mất tới hơn 32 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và đóng cửa mất hơn 5%, tương đương với cơn hoảng loạn ngày 8/5/2014, phiên giao dịch gắn với sự kiện biển Đông.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, dù VN-Index đã thoát khỏi mức điểm thấp nhất ngày, trên 2 sàn vẫn còn lượng dư bán sàn cả chục triệu đơn vị.
Đây chính là lý do khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, lượng cung này sẽ tiếp tục đẩy thị trường giảm mạnh về vùng 500 điểm, đặc biệt, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh hơn 400 điểm.
Đúng như lo ngại, lực bán ATO và giá sàn được tung vào mạnh ngay khi thị trường mở cửa, khiến VN-Index lùi về gần mức 510 điểm.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 15,8 điểm (-3%), xuống 511,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,63 triệu đơn vị, giá trị 107,63 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay khi lượng dư bán sàn được hấp thụ hết, tín hiệu tích cực đã đến với thị trường. Không còn hiện tượng lực bán ồ ạt được đẩy vào như phiên hôm qua, thay vào đó, lực cung giá thấp dần được tiết giảm, giúp nhiều mã hồi phục trở lại, qua đó giúp VN-Index hãm bớt đà giảm và chuyển sắc xanh một cách ngoạn mục.
Nhiều mã lớn đã hồi phục như VNM, FPT, BID, HPG, CTG, DCM… kéo theo nhóm chứng khoán và nhiều mã khác hồi phục theo.
Nhóm cổ phiếu thị trường, hiện chỉ còn FIT vẫn đang chịu cảnh dư bán sàn, còn lại đều về tham chiếu, thậm chí có một số mã như HAI, KBC đã chuyển sắc xanh.
Trên HNX, tích hiệu tích cực cũng đến, thậm chí chỉ số HNX-Index còn hồi phục mạnh hơn khi đang có mức tăng gần 0,8%. Các nhóm cổ phiếu đáng chú ý như ngân hàng, chứng khoán đều đang hồi phục tốt. Nhóm dầu khí với PVS, PVC thậm chí cũng đang có sắc xanh, bất chấp giá dầu thô thế giới trong phiên đầu tuần xuống dưới 39 USD/thùng.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi giảm mạnh đầu phiên, chứng khoán Nhật Bản cũng đã đảo chiều tăng điểm trở lại, chứng khoán Hồng Kông cũng nhanh chóng tăng mạnh sau khi mở cửa trong sắc đỏ, hiện chỉ còn chứng khoán Trung Quốc đang giảm mạnh gần 4%.
Sự hồi phục trở lại của thị trường sau những phiên giảm mạnh là điều dễ hiểu, bởi lực cầu bắt đáy luôn được duy trì rất tốt trong 2 phiên vừa qua, lượng cung giải chấp dường như cũng đã được hấp thụ đa số. Sự hồi phục này đem lại tâm lý an tâm cho nhà đầu tư, sau khi chứng kiến những phiên “đau tim” vừa qua.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo để đánh giá, tránh đưa ra những quyết định vội vàng. Bởi dù lượng cung giá thấp đã được hấp thụ tốt, nhưng lượng hàng cần giải chấp chắc chắn vẫn còn nhiều và do đó, không loại trừ khả năng kéo thị trường lên để dễ dàng thoát hàng.
Đúng như đánh giá trên, ngay khi thị trường vừa chớm xanh, lực cung đã gia tăng, đẩy cả 2 chỉ số quay đầu giảm mạnh trở lại. Tưởng chừng sắc xanh chỉ là chút ngẫu hứng thoáng qua như trêu ngươi nhà đầu tư và nhiều người cho rằng đó chỉ là bẫy bulltrap sập nhanh. Tuy nhiên, về cuối phiên, một lần nữa nhóm cổ phiếu lớn như VNM, nhóm ngân hàng, thậm chí là cả nhóm dầu khí cũng được kéo tăng trở lại, giúp thị trường có phiên hồi phục mạnh.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 5,84 điểm (+1,11%), lên 532,77 điểm với 117 mã tăng, trong khi số mã giảm chỉ còn 95 mã so với hơn 240 mã của phiên hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch đạt 102,64 triệu đơn vị, giá trị 1.563,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,45 triệu đơn vị, giá trị 109,4 tỷ đồng.
HNX-Index cũng tăng mạnh 1,36 điểm (+1,86%), lên 74,46 điểm với 96 mã tăng, nhiều hơn so với 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,43 triệu đơn vị, giá trị 298,45 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,98 triệu đơn vị, giá trị 39,1 tỷ đồng.
Tạo ấn tượng trong phiên giao dịch sáng nay đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giá dầu thô thế giới giảm mạnh gần 7%, xuống dưới 39 USD/thùng. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng nay, nhóm cổ phiếu dầu khí trên 2 sàn lại khác vững vàng, chỉ giảm nhẹ khi mở cửa phiên, sau đó đã dần dần hồi phục.
Trên thị trường dầu thô thế giới, giá dầu thô sau khi giảm xuống mức kỷ lục, đã hồi phục trở lại gần 2% trong phiên sáng nay, qua đó cũng góp phần hỗ trợ nhóm cổ phiếu năng lượng, trong đó có nhóm dầu khí niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Việt Nam.
Ấn tượng nhất trong nhóm này chính là DCM khi tăng trần lên 12.800 đồng với 511.570 đơn vị được khớp và còn dư mua trần. Về lý thuyết, với những doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu đầu vào là khí như DCM và DPM, thì việc giá dầu, khí giảm sẽ giúp lợi nhuận tăng lên, tuy nhiên cùng chung xu hướng của thế giới, cả DCM và DPM cũng đều có những phiên giảm mạnh trước đó.
Sáng nay, ngoài DCM tăng trần, thì DPM cũng tăng 2,67%, lên 30.800 đồng với 630.770 đơn vị được khớp.
Ngay cả các doanh nghiệp gặp bất lợi khi giá dầu giảm như GAS và PVD cũng được kéo tăng trong phiên sáng nay với mức tăng lần lượt là 0,5% và 2,92%.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng trở lại khá mạnh mẽ với những cái tên đáng chú ý như VCB (+2,28%), BID (+4,04%), CTG (+1,71%), MBB (+2,22%), STB (1,26%), chỉ còn EIB giảm 3,25%.
Phiên hồi phục sáng nay còn có sự đóng góp của nhóm ngân hàng với SSI (+1,72%), HCM (+1,38%), một số mã lớn như VNM (+3,17%), FPT (+2,12%), HPG (+4,27%) - đây là mã có mức tăng vững chắc ngay cả khi thị trường có thời điểm rung lắc mạnh…
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường lại không đủ sức mạnh để trở lại sau 2 phiên giảm sàn đồng loạt trước đó, khi chủ yếu đang ở quanh ngưỡng tham chiếu. Trong đó, FIT còn giảm mạnh nhất khi mất thêm 4,08%, xuống 9.400 đồng, nhưng lực cầu lớn đã giúp mã này thoát mức sàn. Kết thúc phiên, FIT là mã có thanh khoản tốt nhất HOSE với 8,8 triệu đơn vị được khớp, trên FLC được khớp 7,77 triệu đơn vị, CII được khớp 7,62 triệu đơn vị.
Tương tự, sau đợt rung lắc mạnh, tưởng chừng là đã sập bẫy bulltrap, nhiều mã trên HNX cũng đã trở lại mạnh mẽ như nhóm ngân hàng, chứng khoán, đặc biệt là nhóm dầu khí tăng khá mạnh. Cụ thể, PVS tăng 6,04%, PVC tăng 3%, PGS tăng 2,29%...
Nhiều mã khác cũng đã không còn giảm sản, ngoại trừ KVC vẫn đang có sắc xanh mắt mèo khi chốt phiên ở mức sàn 9.900 đồng.