Áp lực tỷ giá đè nặng doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn

(ĐTCK) Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh tỷ giá USD/VND. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng VND và USD từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (tương ứng mức tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ giao dịch tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. 
Áp lực tỷ giá đè nặng doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn

Như vậy, mức trần giao dịch của đồng USD kể từ 19/8 là 22.547 đồng, tức tăng 2% so với mức trần ngày hôm trước đó.

Đúng như nhận định của chúng tôi trước đó, rủi ro tiếp tục điều chỉnh tỷ giá USD/VND vẫn còn tồn tại sau quyết định nới biên độ giao dịch từ +/-1% lên +/- 2%. Sau quyết định nới biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND lên +/-2% thì Việt Nam vẫn là nước có mức độ trượt giá so với đồng USD ở mức trung bình trong khu vực tính từ đầu năm. Khi đó, tỷ giá giao dịch tại các NHTM vẫn đứng ở mức trần liên tiếp, giá USD tại thị trường chợ đen cao hơn trần tỷ giá. 

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, việc điều chỉnh biên độ giao dịch và nâng trần tỷ giá USD/VND là bước đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) đến nền kinh tế trong nước.

Trước đó, chúng tôi lo ngại, sự kiện Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT sẽ làm gia tăng tình trạng nhập siêu từ quốc gia này. Động thái điều chỉnh biên độ và nâng tỷ giá của NHNN vừa qua chắc chắn sẽ có lợi cho các DN xuất khẩu và làm giảm thiểu đáng kể rủi ro nhập siêu này. Tuy nhiên, rủi ro về tỷ giá vẫn còn tồn tại và phụ thuộc rất lớn vào động thái tiếp theo của Trung Quốc. Hơn nữa, mức độ trượt giá của VND kể từ đầu năm vẫn ở mức trung bình so với khu vực.

Áp lực tỷ giá đè nặng doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn ảnh 1

Việc điều chỉnh tỷ giá giúp ổn định thị trường ngoại hối. Hiện tại, giá USD giao dịch tại các NHTM có vẻ ổn định, nằm dưới mức trần. Đóng cửa giao dịch ngày 19/8, giá USD giao dịch tại VCB cuối ngày đứng ở mức 22.400 đồng, thấp hơn đáng kể so với mức trần là 22.547 đồng.

Việc nới biên độ và điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi cho các DN xuất khẩu. Tuy nhiên, một lần nữa, chúng tôi nhấn mạnh rằng, tùy thuộc vào động thái tiếp theo của Trung Quốc và sự linh hoạt trong điều hành chính sách của Việt Nam, sẽ có một số ảnh hưởng nhất định lên các ngành và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trong nước.

Áp lực tỷ giá đè nặng doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn ảnh 2

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam, xuất khẩu nhiều nhất là các mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; dệt may, giày dép; nông-lâm-thủy sản. Những DN niêm yết có thị trường xuất khẩu là chủ đạo như TCM, KMR, GTN, VHC, HVG, TTF, GDT có thể hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên, các DN có khoản vay ngoại tệ lớn như VOS, VNA, PVT, NT2 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Một số DN vay ngoại tệ, nhưng có nguồn thu ngoại tệ sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh như PVD.

* Ngành vận tải biển: Chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng đối với nhóm ngành này.

Triển vọng ngành vẫn chưa nhiều điểm sáng, nhưng lại còn khá nhiều rủi ro. Trong đó, tỷ lệ nợ vay cao và nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự mất giá của VND do các khoản vay bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) lớn là điều mà chúng tôi đã sớm đề cập. Bình quân, các công ty vận tải biển, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đang ở mức 0,87 lần, trong đó, có công ty lên đến 3,7 lần.

Các công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao có thể kể đến như: VOS (2,2 lần, trong đó tổng các khoản vay bằng USD tính tới 31/12/2014 là gần 167 triệu USD), VNA (3,7 lần, trong đó tổng các khoản vay bằng USD tính tới 31/12/2014 là gần 27 triệu USD), PVT (1,2 lần, trong đó tổng các khoản vay bằng USD tính tới 31/12/2014 là gần 147 triệu USD)…

* NT2 hiện có dư nợ vay 146 triệu USD, có thể chịu ảnh hưởng nhất định khi điều chỉnh tỷ giá.

 

CTCK Maybank Kim Eng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục