Xin cho biết nhận định của ông về diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm?
Áp lực tỷ giá đối với Việt Nam là khó tránh khỏi, cho dù phía cơ quan quản lý vẫn cam kết giữ biên độ tăng không quá 2% trong năm nay. Đáng chú ý là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có ý định điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản USD. Vì thế, việc xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ là một trong những biện pháp để khuyến khích các DN trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong điều kiện chúng ta chưa có biện pháp kỹ thuật sâu rộng hơn thì giải pháp đơn giản nhất là nới lỏng biên độ tỷ giá, thay vì cam kết một mức nhất định.
Có nghĩa là, áp lực giảm giá đối với đồng nội tệ vẫn lớn trong thời gian tới, thưa ông?
Về nguyên tắc, theo tôi, tỷ giá phải và vẫn trong chiều hướng tăng, nhưng tăng thế nào thì còn phụ thuộc vào hàng nhập xuất của Việt Nam với các nước trong khu vực. Cụ thể, cần xem xét hàng nhập - xuất của Việt Nam mạnh vào khu vực nào để điều chỉnh ở khu vực đó. Bởi Việt Nam hiện nay là nền kinh tế mở nên cần thiết phải tính toán đến tỷ trọng xuất, nhập khẩu với từng khu vực. Trong rổ tiền tệ thế giới hiện nay thì USD đang tăng giá mạnh. Nhưng việc đồng đô tăng sẽ tương quan với một số đồng ngoại tệ khác như Euro, Yên Nhật, NDT… sẽ giảm. Đồng nội tệ cần giảm giá để giúp cho DN xuất khẩu cạnh tranh được trên các thị trường này, thay vì phải chịu thiệt khi các ngoại tệ trên đang giảm giá khá mạnh so với đồng USD.
Ông Trần Thanh Hải
Nhưng nếu tỷ giá tiếp tục điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến trả nợ nước ngoài và nhập siêu?
Điều đó là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó cần phải điều chỉnh tỷ giá thì chúng ta phải tính toán lại nợ nước ngoài, xem đang nợ USD nhiều hay Yên Nhật.
Mặt khác, khi tăng tỷ giá thì hàng hóa nhập khẩu và nguyên liệu đầu vào sẽ tăng giá. Đồng thời, các DN xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cũng sẽ khó khăn. Nhưng thực ra điều này, chỉ ảnh hưởng những ngành chuyên nhập khẩu, không ảnh hưởng nhiều đến DN xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Vì một khi tỷ giá đầu vào tăng thì tỷ giá đầu ra cũng sẽ tăng theo để cân đối. Chẳng hạn như nhập khẩu các loại xe hơi cao cấp tiêu thụ ở thị trường nội địa thì khi tỷ giá tăng, người mua sẽ phải trả giá cao.
Còn với các lĩnh vực khác như nhập phân bón để phục vụ cho ngành hàng nông nghiệp, sau đó lấy sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới thì sẽ được bù đắp bởi tỷ giá đầu ra tăng lên.
Áp lực tỷ giá tăng sẽ tác động ra sao đến lãi suất tiền đồng, thưa ông?
Về nguyên tắc, tỷ giá theo chiều hướng lên sẽ ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng. Tuy nhiên, lạm phát được kỳ vọng được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất tiết kiệm tiền đồng đang được các ngân hàng áp dụng ở mức hiện nay vẫn có lợi khi gửi tiết kiệm. Bởi tính toán với mức lạm phát hiện nay thì tỷ suất lợi nhuận trong việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn được đảm bảo và an toàn so với một số kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, trước xu hướng bất động sản đang ấm dần lên, nhất là kể từ ngày 1/7/2015, khi người nước ngoài được nởi lòng điều kiện sở hữu nhà cũng là một trong những yếu tố tác động để những người đang có tiền nhàn rỗi hướng đến kênh bất động sản. Vì thế, khả năng dòng tiền dịch chuyển từ tiết kiệm sang bất động sản là khó tránh khỏi.
Vậy còn thị trường vàng sẽ diễn biến ra sao, liệu vàng có giảm giá mạnh khi USD dự báo còn tăng?
Dù đồng USD mạnh lên và Trung Quốc phá giá đồng NDT, song trong những ngày qua, vàng lại lội ngược dòng tăng giá, đi trái với quy luật lâu nay. Đó được xem là hiện tượng các nhà đầu tư bị tác động tâm lý. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, giá vàng và giá cà phê đã giảm trở lại.
Xu hướng của giá vàng sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Nhiều khả năng, vàng sẽ giảm xuống ngưỡng “đáy” khoảng 1.083 USD/ounce khi đồng USD được dự báo còn mạnh lên trong thời gian tới đây, nhất là khi Fed có khả năng tăng lãi suất. Nhưng điều đó không có nghĩa là vàng chỉ có chiều hướng giảm mà không có những giai đoạn tái bật lên.
Liệu có nhiều khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD cuối năm nay không, thưa ông?
Động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc được xem là “đòn” ra tay trước các dự báo cho rằng, Fed sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản đồng USD trở lại sau cuộc họp FOMC vào giữa tháng 9/2015. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra chiều ngày 13/8 cho rằng, họ có quan ngại việc Fed sẽ điều chỉnh lãi suất đồng USD vào giữa tháng 9 tới.
Vì thế, việc phá giá đồng NDT được xem là động một thái để hạn chế việc Fed sớm tái tăng lãi suất đồng USD. Bởi nếu Fed sớm điều chỉnh lãi suất vào giữa tháng 9 sẽ thu hút một lượng lớn USD đang trôi nổi (hơn 4.000 tỷ USD) trên thế giới sẽ chảy về nước Mỹ.
Các nhà đầu tư sẽ bán tháo tài sản khác để quay trở lại với đồng USD. Do đó, các loại hàng hóa sẽ giảm, nhưng đồng USD sẽ có điều kiện để tăng tiếp theo. Trong khi, Trung Quốc hiện là quốc gia có sức hấp thụ USD lớn nhất trên thế giới thông qua TTCK, thị trường hàng hóa nên rất quan ngại việc Mỹ tăng lãi suất đồng USD.
Thực tế cho thấy, TTCK Trung Quốc thời gian qua đi xuống rất mạnh phần nào cho thấy, các nhà đầu tư đã lường trước những động thái của Fed.