Phiên hôm qua, lực bán chốt lời đã xuất hiện từ nửa cuối phiên giao dịch chiều qua (23/2), dù không quá mạnh nhưng gần như đã xóa hết nỗ lực tăng giá trước đó của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (24/2), việc “xả hàng” đã rõ ràng và mạnh hơn hẳn, xuất hiện ở nhiều nhóm cổ phiếu, nhất là tại nhóm cổ phiếu lớn. Vì vậy, không có gì lạ khi cả 2 chỉ số đều giảm điểm ngay khi mở cửa. Mặc dù vậy, sức cầu cũng không quá thận trọng nên thanh khoản khá tốt.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,8 điểm (-0,32%) xuống 559,48 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,85 triệu đơn vị, giá trị 68,46 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán gia tăng khiến đà giảm thị trường được nới rộng hơn. Tuy nhiên, dường như đây chỉ là động thái thử sức cầu của thị trường. Bởi khi thị trường giảm mạnh hơn, lực cầu đã ngay lập tức nhập cuộc và cũng tập trung chủ yếu tại các mã lớn.
Có thể khẳng định rằng, lực cầu thị trường hiện đang khá tích cực. Nhờ đó, các mức giá đỏ dần được hấp thụ và thị trường nhanh chóng chuyển màu.
Nhóm cổ phiếu tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đang tạo lực đỡ chính cho thị trường.
Nhóm ngân hàng, ngoại trừ MBB đang giảm giá nhẹ, còn lại đều tăng điểm. Trong đó, VCB tăng mạnh tới 700 đồng, BID tăng 500 đồng và đã khớp hơn 1 triệu đơn vị. BIC đang tăng mạnh 1.200 đồng, thậm chí còn tăng trần từ đầu phiên.
Trong khi đó, nhóm dầu khí tiếp tục là lực cản của thị trường khi các mã dầu khí lớn đa phần giảm điểm. GAS giảm 300 đồng, PVD giảm 400 đồng, PVS giảm 100 đồng, PVC giảm 200 đồng…
Giá cổ phiếu dầu khí trong nước tiếp tục “đu” theo đà giảm của giá dầu thế giới. Ngày hôm qua, giá dầu lao dốc hơn 4% sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út, Ali al-Naimi tuyên bố không cắt giảm sản lượng. Điều này đã xóa tan động thái xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu.
Đáng chú ý, phiên này là phiên T+3 của lượng “khủng” cổ phiếu HNG của phiên này 19/2. Vì vậy, lượng cung lớn được bung ra khiến HNG giảm sàn trở lại ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, với sức cầu tốt, nên HNG đang cố “vùng vẫy” để thoát khỏi mức giá giá này. Hiện HNG đang dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với hơn 11 triệu đơn vị được khớp chỉ sau 1 tiếng giao dịch.
Tại thời điểm 10h5, VN-Index tăng 1,55 điểm (+0,28%) lên 562,83 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 48,96 triệu đơn vị, giá trị 653,7 tỷ đồng. Còn HNX-Index dừng tại mốc tham chiếu 78,19 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 132 tỷ đồng.
Sau đôi chút thử thách, dần về cuối phiên, lực cầu càng được củng cố và gia tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đã khá lâu thị trường mới chứng kiến sự trở lại đồng loạt của nhóm “cổ phiếu vua”. Nhờ đó, các chỉ số không chỉ bay cao, thanh khoản thị trường cũng rất tích cực.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 6,13 điểm (+1,09%) lên 567,41 điểm với 99 mã tăng và 92 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 5,01 điểm (+0,87%) lên 578,79 điểm với 13 mã tăng và 9 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 100,7 triệu đơn vị, giá trị gần 1.482 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 2,8 triệu đơn vị, giá trị 82,7 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,62%) lên 78,68 điểm với 88 mã giảm và 75 mã tăng. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,91 điểm (+0,65%) lên 140,13 điểm với 7 mã giảm và 10 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,36 triệu đơn vị, giá trị gần 299 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,47 triệu đơn vị, giá trị 12,83 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực đẩy chính của thị trường khi đồng loạt tăng mạnh mẽ, cả về điểm số lẫn thanh khoản. BID giữ vững sắc tím ở mức giá 18.100 đồng/CP và khớp hơn 5,15 triệu đơn vị, mạnh nhất nhóm. VCB tăng 1.500 đồng lên 42.500 đồng/CP và khớp 1,2 triệu đơn vị. CTG tăng 800 đồng và STB tăng 400 đồng, khớp tương ứng 2,15 triệu và 1,07 triệu đơn vị.
SHB khớp 1,4 triệu đơn vị và tăng 100 đồng lên 6.800 đồng/CP, trong khi ACB tăng mạnh 700 đồng lên 19.900 đồng/CP và khớp 0,46 triệu đơn vị.
Ngoài ra, chỉ số còn được hỗ trợ tích cực từ các mã lớn khác như VNM, KDC cùng tăng 1.000 đồng; BIC tăng trần lên 21.900 đồng/CP; SSI và HCM tăng lần lượt 400 đồng và 800 đồng, riêng SSI khớp 2,1 triệu đơn vị…
Ngược lại, đà giảm của nhóm dầu khí lại gia tăng và là nhân tố chính níu thị trường. GAS giảm 800 đồng; PVD và PVB cùng giảm 600 đồng, trong đó PVD khớp 1,25 triệu đơn vị; PVS giảm 200 đồng xuống 15.100 đồng/CP và khớp 1,06 triệu đơn vị.
Về mặt thanh khoản, tâm điểm thị trường vẫn là “cặp đôi” HNG-HAG. Với phiên T+3, HNG đã giảm sàn bởi lượng hàng lớn chốt lời. Tuy nhiên, với sức cầu mạnh, HNG đã thoát được mức giá sàn và tạm chốt phiên sáng với mức giảm 600 đồng, xuống 9.400 đồng/CP và khớp được hơn 15,58 triệu đơn vị, mạnh nhất thị trường.
Ngược lại, HAG đã tăng 200 đồng lên 9.100 đồng/CP và thanh khoản cũng mạnh khớp hơn 10,4 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã có tính đầu cơ khác như FLC, ITA, KBC, HHS, HQC, HAI, OGC, SHI… cùng đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đa phần giữ sắc xanh nhẹ. FLC tăng 100 đồng lên 6.900 đồng/CP và khớp 5,13 triệu đơn vị.
Trên HNX, SCR vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 4,9 triệu đơn vị được khớp và tăng 200 đồng lên 9.700 đồng/CP.