Bên cạnh đó là các cổ phiếu nới room, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các cổ phiếu mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước sẽ thoái vốn.
Ông có nhận xét gì về tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán?
Tuần qua, trên TTCK quốc tế có một số diễn biến đáng chú ý là các quỹ ETF tiếp tục rút vốn, tổng lượng rút ra là 2,12 tỷ USD, trong đó TTCK Mỹ bị rút ra 803,33 triệu USD, nhưng mua mạnh trái phiếu Mỹ, với giá trị 3,2 tỷ USD. TTCK Trung Quốc cũng bị khối ngoại rút vốn.
Về thị trường Trung Quốc, theo ước tính của Bloomberg, dòng vốn tháo chạy khỏi TTCK nước này trong năm 2015 là 1.000 tỷ USD, gấp 7 lần so với năm 2014. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bị đảo ngược do giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade), khiến mức dự trữ trong tháng 1/2016 giảm 99,5 tỷ USD, mức giảm lớn thứ 2 trong lịch sử, xuống 3.230 tỷ USD. Do đó, khả năng giảm giá của đồng nhân dân tệ vẫn có nguy cơ diễn ra trong năm 2016.
Đối với TTCK Việt Nam, diễn biến trong tuần giao dịch đầu Xuân nhìn chung là khả quan khi VN-Index tăng 1,7%, đạt 554 điểm; HNX-Index tăng 1,2%, đạt 77,8 điểm. Trong đó, sự hồi phục của TTCK thế giới, giá dầu và động thái nới room của một số DN, cũng như sự khởi sắc của cổ phiếu HNG, HAG đã tạo nên tâm lý giao dịch tích cực. Điều đó khiến dòng tiền đầu cơ được kích hoạt trở lại, thanh khoản tăng và giao dịch dần trở nên sôi động. Diễn biến này cho thấy, tâm lý ngắn hạn đang dần được chuyển hóa và nghiêng về trạng thái lạc quan hơn sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, với nhu cầu giải ngân cho năm mới bắt đầu tăng. Một điểm nhấn quan trọng về xu hướng dòng tiền đó là thanh khoản tăng mạnh, với mức tăng 49% trên HOSE, 24% trên HNX và không ít cổ phiếu có tín hiệu vượt đỉnh như MBB, SKG, LIX…
Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục có động thái bán ròng, kéo dài chuỗi bán ròng từ cuối tháng 11/2015 (trước thời điểm Fed tăng lãi suất) đến nay là hơn 4.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK Việt Nam trước áp lực rút vốn của NĐT nước ngoài tại các thị trường mới nổi. Hiện tại, xu hướng này đã có tín hiệu giảm dần trong tuần qua, khi khối ngoại bắt đầu mua ròng trong những phiên cuối tuần, khiến giá trị bán ròng theo tuần chỉ vào khoảng 64 tỷ đồng trên HOSE, nhờ lực mua 260 tỷ đồng đối với cổ phiếu MBB khi hở room ngoại.
Về cơ bản, TTCK Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi xu hướng vốn ngoại rút ròng trên toàn cầu, nhưng Việt Nam đang có các câu chuyện riêng như TPP, nới room, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước thoái vốn tại nhiều DN lớn, hoạt động hiệu quả…, do đó mức độ ảnh hưởng có thể sẽ giảm dần.
Xu hướng thị trường trong ngắn hạn sẽ như thế nào, theo ông?
Về xu hướng ngắn hạn, thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục và tích lũy đi lên, VN-Index hướng tới kiểm nghiệm vùng cản mạnh 555 - 565 điểm. Nếu vượt qua được vùng cản này, thị trường có thể tiếp tục sóng hồi phục với mục tiêu chinh phục 595 - 600 điểm. Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng khả năng thị trường có nhịp điều chỉnh khi VN-Index chạm ngưỡng cản mạnh 565 điểm.
Chiến lược ngắn hạn, khách hàng nhiều tiền mặt có thể xem xét giải ngân gia tăng tỷ trọng với nhóm cổ phiếu cơ bản tốt. Với khách hàng còn nhiều cổ phiếu, nên xem xét tái cơ cấu danh mục, lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, duy trì được vị thế và tốc độ tăng trưởng tốt, EPS cao, cổ tức cao. Vì thị trường mới chỉ ở trong nhịp phục hồi của một xu hướng giảm, nên chúng tôi khuyến nghị NĐT nên tập trung vào các cổ phiếu đã hình thành xu hướng tích lũy và bắt đầu tăng giá theo nhịp tăng của thị trường, chứ không phải tập trung vào các cổ phiếu vẫn trong xu hướng giảm, hoặc chưa kết thúc nhịp điều chỉnh.
Ông có khuyến nghị gì về các nhóm ngành đầu tư?
Về danh mục, chúng tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm sẽ phân hóa, NĐT nên quan tâm đến các mã dẫn đầu như VCB, MBB đối với ngân hàng và BVH, PTI, BIC… đối với bảo hiểm và câu chuyện sẽ được kích hoạt nhờ yếu tố room ngoại.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, khả năng có thể bị ảnh hưởng nếu dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành, nhưng điểm rơi về doanh thu và lợi nhuận của DN dự báo sẽ tập trung vào năm nay, NĐT vẫn nên dành sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu hàng đầu về bất động sản và khu công nghiệp như VIC, DXG, KBC, LHG, ITA…
Đối với các cổ phiếu có hệ số EPS cao, được hưởng lợi từ giá dầu như BMP, PLC, SKG…, có thể xem xét mua và giữ cho mục tiêu đầu tư trung hạn. Cổ phiếu hàng tiêu dùng như VNM, MGW, EVE, hay các cổ phiếu có tính phòng thủ như dược phẩm: DMC, PMC, DHG… phù hợp với khách hàng đầu tư giá trị. Đối với cổ phiếu hóa chất cơ bản tốt như LAS, LIX, NET, DGC…, có thể tiếp tục nắm giữ hoặc tăng tỷ trọng đầu tư. Đối với các mã này, NĐT nên mua gom khi giá thấp cho một chu kỳ đầu tư trung hạn. Riêng nhóm cổ phiếu dầu khí, có thể xem xét giao dịch dựa trên xu hướng giá dầu trong từng thời điểm.
Trong khi đó, cuộc chơi ở các mã đầu cơ thuần túy sẽ càng lúc càng khó khăn, do NĐT đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Vì thế, đối với các mã đầu cơ, khuyến nghị chung của chúng tôi là nên tránh. Nếu NĐT chấp nhận phiêu lưu ở các mã này, thì nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính, tránh mua bình quân giá và chấp nhận cắt lỗ sớm khi nhận ra sai lầm, không nên nắm giữ dài hạn.