Tuy nhiên, ghi nhận từ một số thành viên thị trường, các phương án này cần được quy định rõ ràng, chi tiết hơn để đảm bảo tính khả thi.
Mở không gian riêng cho DN trên sàn
Theo quy định của Luật Đầu tư, doanh nghiệp được đối xử là NĐT nước ngoài khi NĐT ngoại nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên. Quy định này có áp dụng với khối DN trên sàn (niêm yết và UPCoM) không, là vấn đề đã được tranh luận khá nhiều, nhưng có thể sẽ có hướng xử lý khi bản dự thảo Nghị định đang được UBCK hoàn thiện cụ thể hóa điểm này.
Theo phương án đề xuất mới của UBCK, tổ chức phát hành được niêm yết cổ phiếu không có quyền biểu quyết trên sở GDCK khi đang có cổ phiếu phổ thông niêm yết trên sở GDCK.
Theo dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán do UBCK dự thảo, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của NĐT nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 1, Điều 23, Luật Đầu tư hoặc theo quy định pháp luật liên quan, ngoại trừ cổ phần, phần vốn góp thuộc sở hữu của công ty đại chúng đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở GDCK, tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đại chúng.
Như vậy, với dự thảo này, thị trường kỳ vọng, tỷ lệ để định danh một DN có cổ phiếu giao dịch trên sàn (niêm yết hoặc trên UPCoM) là nhà đầu tư nước ngoài sẽ theo quy định khác với sở hữu mức 51% được định danh tại Luật Đầu tư.
2 giải pháp gián tiếp
Cũng tại dự thảo Nghị định, lần đầu tiên UBCK đề xuất cơ chế chào bán và niêm yết cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Phương án này có tính khả thi cao hơn phương án phát triển sản phẩm NVDR, vì hệ thống pháp lý liên quan, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp cũng như pháp luật về chứng khoán đã quy định về cổ phiếu không có quyền biểu quyết.
Theo quy định hiện hành, công ty đại chúng được chào bán cổ phiếu ưu đãi cổ tức (cổ phiếu không có quyền biểu quyết) khi điều lệ công ty có quy định về việc cho phép chào bán loại cổ phiếu này và các quy định về quyền, nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phiếu không có quyền biểu quyết theo hướng: bảo đảm cổ đông sở hữu cổ phiếu không có quyền biểu quyết có tất cả các quyền và nghĩa vụ như cổ đông phổ thông, ngoại trừ quyền biểu quyết tại ĐHCĐ (trừ trường hợp biểu quyết thông qua việc mua cổ phiếu quỹ hoặc giảm vốn; giải thể, phá sản).
Cổ phiếu không có quyền biểu quyết không tính vào tổng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với công ty đại chúng. Tổng số cổ phiếu không có quyền biểu quyết được phát hành tối đa không quá 50% vốn điều lệ...
Cũng theo phương án đề xuất mới của UBCK, tổ chức phát hành được niêm yết cổ phiếu không có quyền biểu quyết trên sở GDCK khi đang có cổ phiếu phổ thông niêm yết trên sở GDCK.
“Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ được niêm yết và giao dịch như thế nào để giúp thị trường, NĐT phân biệt được với cổ phiếu phổ thông?”, tổng giám đốc một DN niêm yết đặt câu hỏi.
Ông đề xuất, cùng với quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, UBCK cần xây dựng dự thảo thông tư để sớm trình Bộ Tài chính ban hành nhằm đảm bảo có hiệu lực đồng thời với thời điểm Nghị định có hiệu lực.
Giải pháp thứ hai, dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, lần đầu tiên UBCK đề xuất phương án cho phép CTCK và công ty quản lý quỹ nước ngoài được lập chi nhánh tại Việt Nam. Chi nhánh này là đơn vị phụ thuộc của CTCK và công ty quản lý quỹ nước ngoài, không có tư cách pháp nhân và được cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam…
Nếu cơ chế này được Chính phủ cho phép triển khai, theo đánh giá của UBCK, sẽ góp phần cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho TTCK, bởi khi muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam, thay vì phải sử dụng dịch vụ do các CTCK hiện diện tại Việt Nam cung cấp, họ chỉ cần đến tổ chức kinh doanh chứng khoán ở nước bản xứ là giải quyết được toàn bộ các thủ tục để được đầu tư vào TTCK Việt Nam.
“Rộng cửa cho CTCK ngoại, hai mặt tác động”
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện NĐT ngoại đã thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nên việc UBCK đề xuất phương án cho phép CTCK nước ngoài mở chi nhánh hoạt động tại nước ta, về cơ bản không thay đổi, không tác động gì nhiều đến thị trường.
Mặt tích cực của việc có nhiều CTCK cùng hoạt động là tạo môi trường cạnh tranh cao hơn. Do đó, các CTCK phải liên tục đổi mới, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn để phục vụ khách hàng. Các CTCK nước ngoài sẽ có thuận lợi hơn trong kêu gọi và tư vấn cho NĐT nước ngoài, bởi họ ít nhiều đã có quan hệ từ trước với đối tượng khách hàng này.
Tuy nhiên, nếu có quá nhiều CTCK, TTCK Việt Nam không đủ lớn để đáp ứng công việc cho các CTCK, dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giảm giá phí, đe dọa giảm chất lượng. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn của các CTCK trong nước, bởi cạnh tranh đã dẫn đến không ít trường hợp cung cấp sản phẩm không an toàn, không đảm bảo chất lượng. Từ đó làm cho chính các CTCK gặp rủi ro lớn. Nếu có quá nhiều CTCK nước ngoài vào Việt Nam, thì cũng dẫn đến tình trạng tương tự…
“Thị trường chờ giải pháp căn cơ”
Ông Trịnh Hoài Giang,Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)
UBCK đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho triển khai quy định nới room, nhằm cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại cho TTCK, đa dạng kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Các giải pháp mang tính gián tiếp gỡ tắc cho nới room không dễ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn, nên thị trường, giới đầu tư tiếp tục chờ đợi các giải pháp tháo gỡ mang tính trực diện, căn cơ hơn. Chỉ có như vậy mới tạo ra sức hút lớn đối với dòng vốn ngoại.
Các giải pháp gỡ khó cho triển khai quy định nới room cần được chuẩn hóa, có tính khả thi cao và nhất là cần hướng đến tạo ra ưu thế cạnh tranh so với các thị trường lân cận trong thu hút vốn ngoại. Không nên triển khai các sản phẩm mà từ kinh nghiệm của các thị trường trong khu vực đã triển khai, nhưng thanh khoản thấp, không mấy thu hút NĐT quan tâm…