Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,19 điểm (+0,21%) lên 561,97 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,24 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 16,18 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, nhiều mã thuộc nhóm VN30 đang tăng khá tích cực như MSN, HPG, HSG, VIC, VNM…, trong đó, MSN là điểm tựa chính của thị trường với mức tăng 4,32%. Vn-Index được nới rộng đà tăng và đang nỗ lực tìm lại mốc 560 điểm. Tuy nhiên, mốc kháng cự trên khá lớn, cùng với dòng tiền yếu khiến VN-Index chưa thể tiếp cận ngưỡng 650 điểm.
Đúng như nhận định của hầu hết các CTCK, việc tái cơ cấu danh mục các quỹ ETF hoàn tất, thị trường sẽ giao dịch trầm lắng hơn. Qua gần 50 phút giao dịch nhưng trên sàn HOSE chỉ có FLC và ITA có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường và đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sàn HNX giằng co khá mạnh, chỉ số HNX-Index liên tục đổi sắc. Nhóm HNX30 là lực cản chính của thị trường khi hầu hết các cổ phiếu đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Thanh khoản trên sàn khá thấp với duy nhất KLF có khối lượng khớp đạt hơn 1,1 triệu đơn vị.
Đóng cửa, VN-Index tăng 4,49 điểm (+0,8%) lên 565,27 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,84 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 644,74 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với khối lượng đạt 12,28 triệu đơn vị, trị giá 267,79 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý nhất của thị trường chính là giao dịch thỏa thuận 10 triệu cổ phiếu DXG ở mức giá sàn đem lại tổng giá trị 140 tỷ đồng. Trước đó, Chủ tịch HĐQT DXG là ông Lương Trí Thìn đã có thông báo đăng ký bán 10 triệu cp DXG từ ngày 23/6 đến ngày 22/7 để để thuận tiện cho việc quản lý tài sản cá nhân.
Còn HNX-Index vẫn giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm 0,19 điểm (-0,25%) xuống 76,12 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 14,7 triệu đơn vị, trị giá 180,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp không đáng kể với chưa đầy 1 tỷ đồng.
Trong khi nhóm VN30 tăng khá mạnh với 17 mã tăng, chỉ 5 mã giảm và 8 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 4,52 điểm (+0,74%) lên 611,75 điểm. HNX30-Index đóng cửa giảm 0,94 điểm (-0,61%) xuống 151,69 điểm với 16 mã giảm, 5 mã tăng và 6 mã đứng giá.
Trong nhóm VN30, MSN không còn tăng mạnh như đầu phiên nhưng vẫn là trụ cột chính của thị trường với mức tăng 3,28% lên 91.500 đồng/CP, trong khi HPG và HSG, VIC, VNM vẫn giữ đà tăng khá tốt. Đáng chú ý có thêm VCB, mở cửa chỉ đứng giá tham chiếu nhưng với lực cầu ngoại hỗ trợ mạnh đã giúp VCB tăng 4,23% lên 26.000 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh của VCB đạt hơn 676.000 đơn vị, trong đó, khối ngoại mua vào hơn 542.000 đơn vị, chiếm hơn 80% tổng khối lượng giao dịch VCB.
ITA vẫn là cổ phiếu có thanh khoản dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp gần 2,86 triệu đơn vị và giá vẫn giữ mức tăng 1,25% đứng tại 8.000 đồng/CP. Còn FLC và HQC đều đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sắc xanh nhạt của PVS và VCG không đủ mạnh để kéo HNX-Index vượt qua được mốc tham chiếu. Còn lại các cổ phiếu lớn khác như SCR, KLC, SHB, VND… đều giảm điểm.
Thanh khoản trên sàn HNX khá thấp, chỉ có 5 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị gồm KLF, PVX, SCR, PVS và FIT. Trong đó, KLF dẫn đầu thanh khoản với hơn 2,16 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,8nhẹ 0,9% đứng giá 11.100 đồng/CP.
Đúng như nhận định trước đó, phiên 23/6 sẽ khá trầm lắng bởi hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF đã hoàn tất, dòng vốn ngoại chủ yếu đứng ngoài quan sát. Khối ngoại mua vào gần 2,48 triệu cổ phiếu, trong đó, VCB được gom mạnh nhất với hơn nửa triệu đơn vị, ITA được mua vào 485.000 đơn vị, còn lại các cổ phiếu khác được mua vào khá thấp. Trong khi trên sàn HNX, khối này chỉ mua vào 463.400 đơn vị và PVS dẫn đầu với khối lượng được mua 256.100 đơn vị.