Sau phiên bùng nổ theo đà đầu tuần, cũng là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, thị trường đã chịu áp lực chốt lời trong phiên hôm qua (21/2) nên điều chỉnh nhẹ trở lại. Điều tích cực là thanh khoản được cải thiện và ngưỡng hỗ trợ là đường MA20 ở khu vực 1.076 điểm không bị vi phạm.
Nhiều nhận định cho rằng, phiên điều chỉnh hôm qua là cần thiết sau chuỗi tăng mạnh trước đó, thậm chí là điểm tích cực, giúp thị trường tăng bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, trước khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường trong nước nhận tin không hay từ bên kia bờ Thái Bình Dương.
Theo đó, phố Wall lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba (21/2 theo giờ địa phương, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam), sau khi các dữ liệu đã được thông báo cho thấy hoạt động kinh doanh hồi phục trong tháng 2 làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể có nhiều dư địa hơn để tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong phiên này, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên ngưỡng 3,9%, còn kỳ hạn 2 năm tăng lên 4,7%. Cả 2 mức lãi suất đều đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11/2022.
Diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ đã có tác động tiêu cực tới chứng khoán châu Âu khi mở cửa phiên sáng nay. Hầu hết các thị trường trong khu vực đều giảm mạnh khi mở cửa, nhưng sau đó chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc) đã hồi phục trở lại, trong khi chứng khoán Nhật Bản vẫn chìm trong sắc đỏ.
Chứng khoán Việt Nam dường như cũng bị dư chấn bởi đà lao dốc của phố Wall khi nhà đầu tư nhanh tay đặt lệnh bán giá thấp khi thị trường bắt đầu mở cửa, kéo VN-Index giảm gần 9 điểm khi mở cửa. Lực bán sau đó mạnh hơn, khiến VN-Index nới rộng đà giảm, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ đường MA20, xuống dưới mốc 1.070 điểm. Trên bảng điện tử, sắc đỏ bao trùm với hơn 300 mã, trong khi chỉ khoảng 50 mã có sắc xanh.
Tuy nhiên, lực bán tháo không xảy ra nên số mã giảm sàn rất ít, thậm chí có một số mã nhỏ ngược dòng ngoạn mục, đáng kể nhất là HQC. Trong khi các mã khác đều chìm trong sắc đỏ, thì HQC mở cửa với mức giá kịch trần 3.460 đồng với lực cầu khủng. Dù áp lực bán ra khá lớn, khiến mã này có lúc mất sắc tím, nhưng lực cầu liên tiếp được đẩy HQC trở lại mức trần với thanh khoản tăng vọt lên hơn 49,7 triệu đơn vị, còn dư mua trần tới 1,27 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của HQC và cũng là phiên có thanh khoản tốt nhất gần 1 năm.
Ngoài HQC, cổ phiếu nhỏ khác là TNT cũng gây ấn tượng với sắc áo tím khi tăng lên mức giá trần 4.280 đồng, khớp hơn 1,38 triệu đơn vị và còn dư mua trần.
Về thị trường chung, sau khi bị đẩy xuống dưới ngưỡng 1.070 điểm, cùng với việc các thị trường trong khu vực hồi phục trở lại, nhà đầu tư trong nước cũng đã bớt lo lắng hơn, lực cung giá thấp được tiết giảm, trong khi lực cầu cũng tự tin nhập cuộc giúp VN-Index hồi dần trở lại, thu hẹp đáng kể đà giảm. Sắc đỏ cũng giảm bớt, xuống dưới 300 mã, còn số mã xanh đang nhiều dần lên.
Tuy nhiên, lực bán sau đó gia tăng trở lại, trong khi cầu yếu khiến VN-Index đẩy lùi trở lại, thậm chí xuống mức thấp hơn đáy nửa đầu phiên sáng, số mã giảm lần nữa lại vượt qua con số 300.
Chốt phiên, VN-Index giảm 15,34 điểm (-1,42%), xuống 1.066,89 điểm với 71 mã tăng và 327 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 360,6 triệu đơn vị, giá trị 5.126,9 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng qua về khối lượng và giảm hơn 10% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,9 triệu đơn vị, giá trị 358 tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản, ngoài HQC, chỉ có thêm 2 sắc xanh nhạt tại SCR và SJS, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó PTL giảm kịch sàn xuống 3.870 đồng.
Trong các mã lớn của nhóm này, NVL là mã giảm mạnh nhất khi mất 5,8% xuống 12.100 đồng, khớp gần 10,49 triệu đơn vị. PDR cũng giảm mạnh 4,7% xuống 11.150 đồng, khớp 3,35 triệu đơn vị. VHM giảm 3,7% xuống 43.550 đồng, VIC giảm 3,3% xuống 52.600 đồng, NLG giảm 3% xuống 30.350 đồng.
Các mã giảm mạnh khác có DRH giảm 4,9% xuống 5.290 đồng, KHG giảm 4,6% xuống 5.150 đồng, CRE giảm 4,3% xuống 7.140 đồng, DXG giảm 4,2% xuống 11.300 đồng, HPX giảm 3,8% xuống 4.520 đồng, DIG giảm 3,6% xuống 14.750 đồng, VCG giảm 2,8% xuống 20.900 đồng...
Hai nhóm dẫn dắt khác là ngân hàng và chứng khoán toàn bộ chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, nhóm thép là giao dịch tích cực hơn khi đa số có sắc xanh, dù đà tăng không mạnh. Trong đó, HPG tăng 0,2% lên 21.650 đồng, POM tăng 0,4% lên 5.480 đồng, HSG tăng 1% lên 15.950 đồng, TLH tăng 1,4% lên 7.250 đồng, NKG tăng 1,6% lên 15.550 đồng và mạnh nhất là SMC tăng 4,9% lên 10.800 đồng. Trong nhóm này, HSG là mã có thanh khoản tốt nhất, chỉ đứng sau HQC trên sàn HOSE với 15,24 triệu đơn vị. Tiếp đến là HPG với 12,33 triệu đơn vị. NKG với 10,09 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí có sự phân hóa với GAS tăng 1,2% lên 109.600 đồng, PVD tăng 3,6% lên 22.700 đồng, trong khi PLX giảm 1,2% xuống 40.100 đồng, PGD, PGC và PET cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
HNX cũng mở cửa giảm mạnh trước áp lực tâm lý của nhà đầu tư. Sau đó, đã hồi phục dần và có lúc về lại gần tham chiếu trước khi quay đầu giảm trở lại theo đà diễn biến tiêu cực trên HOSE, nhưng mức giảm thấp hơn so với HOSE.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,37 điểm (-0,64%), xuống 212,72 điểm với 55 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,1 triệu đơn vị, giá trị 870,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 56 tỷ đồng.
Trên sàn này, PVS là mã có giao dịch sôi động nhất với 7,85 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 4,2% lên 27.500 đồng. Một mã dầu khí khác cũng tăng tốt là PVC tăng 7,2% lên 16.400 đồng, khớp 2,87 triệu đơn vị.
Trong khi đó, 2 mã có thanh khoản tốt tiếp theo là SHS (6,96 triệu đơn vị) và CEO (4,85 triệu đơn vị) đều đóng cửa giảm lần lượt 2,2% xuống 8.700 đồng và 3,5% xuống 22.000 đồng.
UPCoM lại có giao dịch không quá xấu như 2 sàn niêm yết. Mở cửa trong sắc đỏ nhạt, chỉ số chính của thị trường này giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phần lớn của phiên sáng, nhưng bất ngờ có cú nhảy vọt lúc 10h33, trước khi cũng hạ nhiệt chóng vánh về đóng cửa sát tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 78,2 điểm với 88 mã tăng và 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,9 triệu đơn vị, giá trị 335,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 34,8 tỷ đồng.
BSR là mã có thanh khoản tốt nhất với 9,67 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 17.400 đồng. OIL cũng tăng 2,1% lên 9.800 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị. PXS tăng 6,7% lên 4.800 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Trong khi đó, C4G giảm 2,5% xuống 11.800 đồng, khớp 1,92 triệu đơn vị, đứng sau BSR.