Dù tâm lý nhà đầu tư đã được giải tỏa sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định không tăng lãi suất trong kỳ họp kết thúc vào ngày 17/9, nhưng diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không có nhiều chuyển biến khi thị trường chủ yếu lình xình với thanh khoản thấp.
Trong phiên cuối tuần trước, thanh khoản của thị trường đã tăng đột biến, nhưng đây chủ yếu là giao dịch của các quỹ ETFs trong ngày cuối chốt danh mục và chủ yếu là ở đợt ATC. Điều đáng chú ý là dù được mua vào, hoặc bán ra rất mạnh trong đợt ATC, nhưng giá các mã trong đợt tái cơ cấu danh mục của ETFs không có nhiều thay đổi, thậm chí những mã được mua vào mạnh còn giảm giá.
Bước sang tuần giao dịch mới, thị trường sẽ trở lại với trạng thái bình thường sau tuần hồi hộp vừa qua với những thông tin từ Fed và hành động thêm vào, bớt ra của ETFs.
Diễn biến trong phiên giao dịch sáng nay giống với các tuần trước khi giao dịch diễn ra chậm và các chỉ số chỉ lình xình trong biên độ hẹp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,49 điểm (+0,09%), lên 566,74 điểm với 2,36 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 32,44 tỷ đồng.
Dù số mã tăng giá nhỉnh hơn số mã giảm giá, nhưng VN-Index không thể bứt phá mạnh khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục. Sắc xanh trên sàn HOSE chỉ duy trì khoảng 30 phút trước khi VN-Index quay đầu giảm điểm và sau đó giằng co nhẹ quanh tham chiếu.
Giao dịch vẫn diễn ra chậm chạp và mức biến động giá của các cổ phiếu không lớn, chủ yếu là quẩn quanh mức giá tham chiếu.
Về nửa cuối phiên, với sự trở lại của VNM, BID và nhiều mã khác, VN-Index đã có được sắc xanh khi đóng cửa phiên sáng.
Tương tự, HNX-Index sau khi giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu lúc đầu phiên, cũng đã chính thức xác lập xu hướng giảm, nhưng mức giảm cũng không lớn. Sau đó, với sự hồi phục của một số mã lớn vào cuối phiên, HNX-Index đã trở lại mốc tham chiếu.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,06 điểm (+0,54%), lên 569,31 điểm với 101 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,67 triệu đơn vị, giá trị 908,26 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,34 triệu đơn vị, giá trị 130,3 tỷ đồng.
HNX-Index đứng ở mức 77,76 điểm với 63 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,86 triệu đơn vị, giá trị 203,57 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Quan sát diễn biến thị trường sáng nay cho thấy, chỉ có nhóm ngân hàng tìm được tiếng nói chung khi đóng cửa đều ở sắc xanh. Trong đó, tăng mạnh nhất là MBB với mức hơn 2%, lên 15.200 đồng với 3,61 triệu đơn vị được khớp, tiếp đó là VCB tăng 1,59%, lên 44.700 đồng, nhưng thanh khoản thấp, dưới 200.000 đơn vị. Các mã còn chỉ tăng nhẹ 1 bước giá với thanh khoản không lớn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đang là lực cản của thị trường khi GAS, PVD giảm giá, nhưng một số mã khác như DPM, PGD lại có được sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu lớn khác, trong khi VNM đảo chiều tăng điểm trở lại, thì MSN lại lùi về tham chiếu, cũng là mức thấp nhất trong phiên. Ngoài ra, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của VIC, BVH, FPT…, trong khi HAG, KDC lại trở thành lực cản của thị trường.
Những con sóng đơn lẻ trên thị trường nhanh chóng lặn như AGR, SHI. Trong đó, SHI chỉ còn tăng 3,17%, lên 13.000 đồng với 1,78 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc lên mức trần 13.400 đồng. Trong khi AGR cũng mất mức giá trần dù lúc đầu còn dư mua giá trần khá lớn.
Sôi động nhất sáng nay có thể kể đến VHG khi được khớp 6,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 1 bước giá.
Trên HNX, VCG trở thành tâm điểm chú ý khi có thời điểm được kéo lên mức giá trần 12.300 đồng. Tuy nhiên, cũng giống SHI trên HOSE, đà tăng của mã này hạ nhiệt dần sau đó do áp lực bán lớn. Chốt phiên, VCG tăng 34,46%, lên 11.700 đồng và được khớp 2,1triệu đơn vị, lớn nhất sàn HNX.
NDN cũng đang tăng tốt với thanh khoản đứng liền sau VCG với 1,15 triệu đơn vị được khớp, chốt phiên tăng 2,17%, lên 14.100 đồng, trong khi NDX vẫn đang còn dư mua giá trần 11.200 đồng khá lớn.
Trong khi đó, BAM và FID chốt phiên với mức sàn 1.800 đồng và 10.400 đồng, dù không còn dư bán sàn như nửa đầu phiên sáng.