Đợt họp bàn tăng lãi suất vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một cuộc thử thách tâm lý với TTCK toàn cầu, đặc biệt là TTCK mới nổi như Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, có thể nhận thấy, việc tăng lãi suất của Fed là tất yếu, vấn đề là thời gian thực hiện trong 3 tháng hay 6 tháng tới. Tuy nhiên, việc dự đoán về quyết định của Fed bao giờ cũng chỉ mang tính chất tương đối.
Diễn biến TTCK tuần qua cho thấy, động thái tăng lãi suất của Mỹ đã phản ánh vào giá thị trường khá đầy đủ. Sự đầy đủ này thể hiện ở nghịch lý trên thị trường: nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao, nhưng giá cổ phiếu lại giảm và được định giá ở mức thấp.
Trong một bản báo cáo mới đây, CTCK Bản Việt đã điều chỉnh giảm 4% giá mục tiêu dành cho cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, vì giá thép xây dựng giảm 7% trong tháng 7 - 8/2015 và việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận lĩnh vực thép.
Việc phá giá đồng nhân dân tệ tổng cộng 2,9% trong 8 tháng đầu năm 2015 sẽ khiến cạnh tranh trên thị trường thép Việt Nam gay gắt hơn, sự hỗ trợ từ lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng (hiện đang hoạt động tốt) cũng không bù đắp được. Do đó, Bản Việt điều chỉnh giảm 3% dự báo lợi nhuận của HPG cho năm 2016.
“Tuy nhiên, HPG hiện giao dịch ở P/E 6,3 lần trên cơ sở EPS dự phóng 2015 do chúng tôi đưa ra, thấp hơn 33% so với các công ty thép khác trong khu vực”, báo cáo của Bản Việt viết.
Phân tích của Bản Việt cho thấy, dù đã chiết khấu giá nhiều yếu tố, nhưng cổ phiếu HPG vẫn đang được định giá thấp.
Trên thị trường, không ít cổ phiếu khác cũng bị định giá thấp. Chẳng hạn, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp đầu ngành tôn thép. Mặc dù chịu chi phí tăng lên do điều chỉnh tỷ giá, nhưng lợi nhuận của HSG không bị ảnh hưởng nhiều khi nguồn thu từ xuất khẩu tương đối lớn.
HSG có tiềm năng tăng trưởng nhờ các dự án ở Nghệ An, Bình Định và triển vọng ở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ, khi Việt Nam chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cổ phiếu HSG đang được giao dịch ở mức giá tương đương P/E hơn 7 lần.
Trong khi nhóm cổ phiếu sản xuất bị định giá thấp thì dòng tiền chú ý đến nhóm nhóm cổ phiếu bất động sản đang hưởng lợi từ việc VND mất giá so với USD và sức mua của thị trường trong nước tăng lên.
Diễn biến này cho thấy, yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản trong nước là nhân tố chính giúp giá cổ phiếu bất động sản phục hồi sau khi chịu tác động từ động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong báo cáo cuối tuần qua, CTCK SHS nhận định, sau khi trải qua 2 tuần giao dịch tích lũy cạn kiệt, diễn biến giao dịch tích cực cuối tuần cho thấy, dòng tiền đứng ngoài đang dần quay trở lại trong bối cảnh Fed quyết định giữ nguyên lãi suất đồng USD và vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định TPP sẽ được nối lại vào cuối tháng 9 này tại Atlanta, Mỹ.
Còn sớm để kỳ vọng TPP sẽ được thông qua vào cuối năm nay, nhưng có thể thấy, TTCK đang vận động khá tích cực nhờ các thông tin hỗ trợ này.
Theo SHS, nhà đầu tư có thể bắt đầu tiến hành giải ngân vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2015, các doanh nghiệp hưởng lợi từ TPP như dệt may, thủy sản, đồ gỗ...
Sau những rung lắc của thị trường vì Fed, nhà đầu tư đang quay trở lại đánh giá các yếu tố cơ bản, có khả năng tác động đến giá cổ phiếu như cổ tức, kết quả lợi nhuận quý III/2015, triển vọng hưởng lợi từ TPP…
Đáng chú ý, trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 17/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, mức tăng trưởng GDP 6,3 - 6,4% của Việt Nam là hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2015 cũng như trong các năm tiếp theo.
Đây là thông điệp với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhà đầu tư trong nước có thể cảm nhận rằng, tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng là kết quả từ tăng trưởng của các doanh nghiệp đầu ngành, trong đó bao gồm các doanh nghiệp niêm yết. Điều này sẽ lực đỡ chính cho TTCK trong thời gian tới, khi thông tin về Fed không còn là bóng mây che phủ thị trường.