Bước vào phiên sáng nay, nhà đầu tư vẫn chưa phải đã xóa hết sự thận trọng. Điều này được thể hiện khá rõ ở nhóm cổ phiếu trụ VN30, khi phần lớn các mã trong nhóm này (17 mã) vẫn đứng ở tham chiếu sau thời gian khớp lệnh xác mở cửa, với thanh khoản ở mức trung bình.
VN-Index nhận được sự hỗ trợ từ GAS (tăng 1.000 đồng) nên đà tăng được nới rộng hơn so với chỉ số VN30.
Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 1,39 điểm (+0,23%) lên 594,71 điểm, Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 67,82 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường bắt đầu gia tăng dù các bước giá đưa ra vẫn khá thận trọng, khiến cung cầu vẫn có khoảng cách chênh lệch nhất định.
Trong số những mã vốn hóa lớn, ngoài GAS có thêm động lực tăng từ VIC, VCB, BVH (+100 đồng); FPT tăng 500 đồng; MSN, VNM, MBB đứng giá.
Chú “ngựa chiến” FLC, sau phiên đột biến hôm qua, cũng đã hạ nhiệt. Dù thanh khoản vẫn giữ được mức tốt khi chỉ trong 30 phút giao dịch đầu phiên, cổ phiếu này khớp hơn 5,6 triệu cổ phiếu, nhưng mức giá chỉ còn tăng nhẹ.
Ở nhóm dầu khí, PVT đang là đầu tầu dẫn dắt, với đà tăng ở cả điểm số và thanh khoản. Hiện PVT đang giao dịch tại mức giá 18.600 đồng (tăng 900 đồng), có thời điểm cổ phiếu tăng 1.100 đồng, khối lượng giao dịch đạt hơn 3 triệu đơn vị và là cổ phiếu có thanh khoản thứ 2 sàn HOSE, sau FLC.
Trên HNX, thiếu vắng những trụ đỡ như HOSE, nên chỉ số sàn này đã nhanh chóng đảo chiều. Đến 9h40, chỉ số HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%) xuống 90,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị 134,23 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, chỉ có FIT tăng 200 đồng; SHB tăng 100 đồng. PVX, VND, SHS, KLS đứng giá, trong khi ACB, SCR giảm 100 đồng; PVS và KLF giảm 200 đồng.
Thị trường sau đó không có gì đột biến xảy ra. Các giao dịch diễn ra khá ổn định, giúp chỉ số VN-Index không bị đẩy lùi, tuy nhiên, điều này cũng khiến cho chỉ số sàn này không thể bứt phá lên.
Tuy nhiên, chỉ trong 10 phút giao dịch cuối phiên sáng trước khi thị trường tạm nghỉ, điều bất ngờ đã xảy ra, áp lực bán từ những mã lớn như VIC, GAS đã kéo những mã này xuống dưới tham chiếu, ảnh hưởng trực tiếp lên cột chỉ số. VN-Index mất gần 3 điểm, kết thúc phiên sáng trong sắc đỏ bao trùm.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,22 điểm (-0,37%) xuống 591,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 82,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.308,84 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,1 triệu đơn vị, trị giá 18,97 tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản, ngoài FLC duy trì đà tăng của phiên hôm qua với thanh khoản cao (18,83 triệu đơn vị), các cổ phiếu khác trong nhóm đều đã hạ nhiệt, như ITA giảm 100 đồng (khớp 3 triệu cổ phiếu); HAG giảm 100 đồng (750.000 đơn vị); KBC giảm 100 đồng (1,7 triệu cổ phiếu)…
Ở chiều tăng, MSN (+1000 đồng); VCB (+300 đồng); FPT tăng 300 đồng; PVT tăng 500 đồng là những nhân tố giúp chỉ số trên sàn không bị giảm sâu.
Về thanh khoản, tính chung toàn sàn, thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá, những chủ yếu tập trung vào một số mã đầu cơ, ngoài FLC, chỉ có VHG khớp gần 6,2 triệu cổ phiếu, những mã có thanh khoản tốt trên sàn này chủ yếu khớp được trên 1 triệu cổ phiếu.
Trên HNX, bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, số mã giảm điểm chiếm áp đảo. Trong nhóm HNX30 chỉ có 4 mã tăng, có đến 21 mã giảm, với các mã đầu cơ chính giảm điểm.
Kết thúc phiên sáng, chỉ số HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,72%) xuống 89,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị 521,52 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt giá trị 8,12 tỷ đồng.
Sắc xanh chỉ còn lại trên FIT (tăng 200 đồng); SHB tăng 100 đồng, nhưng đà tăng cũng bị thu hẹp lại hơn so với đầu phiên.
KLF vẫn là tâm điểm chú ý trên HNX, với 8,5 triệu cổ phiếu được giảm dịch. Cổ phiếu này giảm 300 đồng, lùi về mức giao dịch 15.000 đồng/cp.