Phiên giao dịch sáng 19/6: GAS hãm đà rơi của VN-Index trong phiên xả hàng

(ĐTCK) Ngay đầu phiên giao dịch ngày 19/6, áp lực bán tăng mạnh khiến thị trường nhuốm trong sắc đỏ và thanh khoản lại tăng mạnh.
Phiên giao dịch sáng 19/6: GAS hãm đà rơi của VN-Index trong phiên xả hàng

Phiên điều chỉnh hôm qua với dấu hiệu áp lực bán gia tăng trong phiên qua, đặc biệt là đợt ATC đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Ngay khi mở cửa phiên giao dịch, lực bán đã dồn dập đổ vào thị trường, khiến cả 2 chỉ số giảm mạnh và thanh khoản cũng tăng vọt so với nhiều tuần gần đây. 

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 5,1 điểm (-0,89%) xuống 564,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7,4 triệu đơn vị, trị giá 105,86 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm chưa có dấu hiệu ngừng khi trên bảng điện tử chắc đỏ vẫn chiếm chủ yếu với 126 mã giảm và chỉ 13 mã tăng giá. Trong đó, hầu hết các cổ phiếu bluechip cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu, ngoại trừ MSN và PGD. Tuy nhiên, sắc xanh nhạt của hai cổ phiếu này cùng đà tăng nhẹ của một số cổ phiếu nhỏ và vừa cũng không đủ sức kéo VN-Index đi lên. Chỉ số VN-Index đã có thời điểm rơi gần 10 điểm.

Mặc dù các chỉ số đều giảm điểm với áp lực đẩy bán mạnh nhưng dòng tiền tham gia vào thị trường khá tích cực khiến thanh khoản tăng mạnh ngay từ đầu phiên.

Dòng tiền bắt đáy sau đó cũng được đẩy mạnh, giúp thanh khoản trên hai sàn tăng mạnh với giá trị giao dịch trên cả hai sàn trong phiên sáng đạt trên 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều mã trên hai sàn hồi xanh khiến đà giảm của các chỉ số được hãm bớt.

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,33 điểm (-0,58%) xuống 566,7 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 90,28 triệu đơn vị, trị giá 1.263,43 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,15 triệu đơn vị, trị giá 92,27 tỷ đồng. HNX-Index giảm 0,81 điểm (-1,06%) xuống 76,04 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 47,32 triệu đơn vị, trị giá 458,62 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ với 1,7 tỷ đồng.

Hai nhóm trụ cột dẫn dắt thị trường là VN30 và HNX30 vẫn chủ yếu giao dịch dưới mức tham chiếu khiến chỉ số Index vẫn giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, VN30-Index giảm 5,93 điểm (-0,96%) xuống 612,68 điểm với 26 mã giảm, 3 mã đứng giá và duy nhất PGD tăng giá. Còn HNX30-Index giảm 1,96 điểm (-1,27%) xuống 152,15 điểm với 24 mã giảm, 3 mã đứng giá và chỉ 2 mã tăng.

Trong khi MSN không còn giữ sắc xanh nhạt và điểm điểm khá mạnh với mức giảm 1,6% thì GAS lại là bệ đỡ chính cho chỉ số VN-Index với mức tăng hơn 0,95%. Đồng thời, các cổ phiếu khác trong nhóm gồm DPM, EIB, VNM cũng đã lấy lại mốc tham chiếu.

Lực cầu khá mạnh nhưng mức giá đưa ra đều dưới mốc tham chiếu khiến FLC vẫn đóng cửa trong sắc đỏ với thanh khoản tăng mạnh và dẫn đầu sàn HOSE. Kết thúc phiên, FLC giảm 2,83% xuống 10.600 đồng/Cp và khối lượng khớp lệnh đạt 9,44 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu khác cũng thuộc nhóm bất động sản là ITA và HQC tiếp tục được giao dịch mạnh. Dù cùng giảm 200 đồng/CP nhưng cả hai cổ phiếu đều có khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VNE tiếp tục tỏa sáng với sắc tím khi kết phiên và khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao đạt gần 2,7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, sức nóng cũng đã giảm đáng kể so với phiên trước đó. Cụ thể, nếu phiên trước, VNE còn dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị thì trong phiên 19/6, áp lực chốt lời đã xuất hiện khi dư bán trần đạt gần 50.000 đơn vị.

Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE chỉ tập trung vào STB và DPM với khối lượng mua vào lần lượt 1,27 triệu đơn vị và hơn 930.000 đơn vị. Chính nhờ lực cầu ngoại mạnh đã giúp DPM lấy lại được mốc tham chiếu trong khi STB cũng hãm đà giảm và chỉ giao dịch dưới mốc tham chiếu một bước giá.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã lấy lại mốc 76 điểm, tuy nhiên sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo trên bảng điện tử.

Trong khi các cổ phiếu lớn như SCR, KLS, SHB, VCG, PVS… vẫn giảm điểm thì PVX đã lấy lại mốc tham chiếu và vẫn dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HNX với hơn 5,43 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

PVS nhận được lực cầu ngoại khá mạnh với lượng mua vào hơn 725.000 đơn vị, chiếm hơn 50% tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu, tuy nhiên, áp lực khối nội đẩy bán mạnh khiến cổ phiếu này vẫn duy trì sắc đỏ. Đóng cửa, PVS giảm 0,75% xuống 26.600 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,44 triệu đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục