Nhận định thị trường ngày 19/6: Xu hướng sẽ tích cực

(ĐTCK) Xu hướng của thị trường trong một vài phiên tới có thể sẽ là tích cực, tuy nhiên vẫn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tại những ngưỡng nhạy cảm và động thái của khối ngoại.
Nhận định thị trường ngày 19/6: Xu hướng sẽ tích cực

Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 19/6.

Xu hướng sẽ tích cực

CTCK FPT (FPTS)

Trong phiên 18/6 cả 2 sàn cùng thể hiện diễn biến giảm nhẹ, tuy nhiên, số mã tăng điểm vẫn tương đương với số mã giảm, ảnh hưởng tới sự giảm điểm đến từ những cổ phiếu trụ cột như GAS, MSN, PVD…

Hai phiên trở lại đây thanh khoản đã được cải thiện đáng kể so với những phiên của tuần trước, điều này đến từ diễn biến sôi động của cổ phiếu penny, trong phiên giao dịch 18/6, nhiều cổ phiếu đầu cơ giao dịch mạnh mẽ ở mức giá trần và đa phần những cổ phiếu này đều có thị giá thấp.

Thanh khoản cải thiện, cùng với đó là nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mua ròng là tín hiệu tích cực cho thị trường. Trong ngắn hạn, mặc dù các chỉ số sẽ có thể vẫn gặp khó khăn dưới áp lực của các ngưỡng kháng cự và diễn biến điều chỉnh của các cổ phiếu trụ nhưng khả năng giảm sâu là không cao.

Chúng tôi đánh giá, xu hướng của thị trường trong một vài phiên tới có thể sẽ là tích cực, tuy nhiên vẫn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tại những ngưỡng nhạy cảm và động thái của khối ngoại.

Dòng tiền đã được cải thiện nhiều hơn và đang có dấu hiệu xoay vòng giữa những cổ phiếu, nhóm ngành khác nhau. Về yếu tố tác động, chúng tôi cho rằng, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với đợt cơ cấu danh mục của các ETFs và kỳ vọng về kết quả kinh doanh 6 tháng sẽ là những yếu tố hỗ trợ đối với xu thế chung.

Dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Mặc dù ngày 18/6, thị trường không biến động mạnh, nhưng diễn biến có phần nghiêng về chiều hướng điều chỉnh, đặc biệt là tại các mã đã tăng nóng trong nhịp trước. Giai đoạn hiện tại cũng là giai đoạn khá bão hòa về mặt thông tin khi kỳ tái cơ cấu danh mục quý II của hai quỹ ETFs đã được phản ánh trước và không có nhiều thay đổi đột biến trên diện rộng.

Nhà đầu tư hiện đang trông chờ vào một cú huých về mặt chính sách liên quan đến quyết định chính thức về việc nới “room” cho khối ngoại hay các giải pháp đột phá nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, sự chậm trễ trong ban hành chính sách đang phần nào làm nản lỏng nhà đầu tư. Đa phần các dòng tiền lớn vì thế hiện vẫn đang chọn giải pháp đứng ngoài thay vì tham gia mạnh mẽ vào thị trường.

Về chiến lược, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị tranh thủ các nhịp hồi phục khi hai chỉ số thử thách các vùng kháng cự mạnh để chốt lời từng bước và đóng vị thế đối với phần danh mục ngắn hạn. Tỷ trọng dành cho danh mục trung hạn vẫn có thể được duy trì hoặc tranh thủ quay vòng nhằm giảm giá vốn trong các phiên thị trường có biến động mạnh.

Đang cho dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn

CTCK MB (MBS)

Thị trường phiên 18/6 tiếp tục giằng co và dao động với biên độ hẹp quanh tham chiếu. Cả hai chỉ số kết thúc giảm nhẹ dưới tham chiếu với thanh khoản chung của thị trường giảm nhẹ và ở mức trung bình thấp.

Thị trường vẫn tiếp tục phân hóa với một số nhỏ các cổ phiếu tiếp tục tăng giá, trong khi hầu hết các cổ phiếu còn lại chịu sức ép từ lực bán ở vùng giá trên tham chiếu. Ngoại trừ một số cổ phiếu có thông tin khá rõ ràng về kết quả kinh doanh tích cực trong quý II, đa số các cổ phiếu đi lên các phiên gần đây không có thông tin hỗ trợ đủ mạnh, do vậy không thể duy trì đà tăng mạnh để vượt qua các ngưỡng kháng cự mạnh hiện tại. Lực bán chốt ra tăng lên cả nhóm cổ phiếu midcap và penny. Dù vậy, lực bán chỉ ở mức vừa phải, không quyết liệt, chi mang tính chất chốt lời chứ không phải bán tháo. Ở chiều ngược lại, lực mua khá thận trọng và vẫn trong xu thế chờ đợi thông tin rõ ràng hoặc thị trường giảm xuống vùng giá tốt hơn. Do vậy cả 2 chỉ số chỉ dao động với biên độ rất hẹp.

Chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi thêm thị trường, cân nhắc chốt lời đối với các cổ phiếu đã tăng khá và chờ đợi các cơ hội rõ ràng hơn để mua vào khi thị trường điều chỉnh hợp lý.

Giai đoạn khó cho thị trường

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Tín hiệu tích cực phiên 17/6 đã không còn duy trì trong phiên 18/6 nữa khi lực mua không còn mang tính chủ động. Chỉ số VN-Index giảm nhẹ, nhưng tác động từ các mã vốn hóa lớn như GAS, MSN, BVH, VCB... là khá lớn. Số mã giảm cũng như số mã tăng khá tương đồng, trong khi những mã có giao dịch tham chiếu tăng lên đáng kể.

Giai đoạn này thật khó cho thị trường, bởi nó dường như không có một thông tin mang tính hỗ trợ nào cả. Điều chúng tôi quan tâm nhất chính là khối lượng giao dịch vẫn giữ ở mức ổn định so với 2 phiên gần đây. Nó cho thấy lực mua vào vẫn khá tốt và có thể là dòng tiền có tính ổn định cao, bởi giao dịch như hiện nay thì những nhà đầu tư lướt sóng sẽ vô cùng khó khăn để kiếm lời do biên độ giao dịch khá hẹp. 

Tạm thời duy trì trạng thái

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Dòng tiền đầu cơ luân chuyển sang các cổ phiếu có thị giá nhỏ, trong khi nhóm các cổ phiếu lớn có phiên điều chỉnh trên diện rộng khiến VN-Index tiệm cận mức nhạy cảm 570. Các yếu tố vĩ mô vẫn ổn định, tuy nhiên khoảng trống của tin tức vĩ mô support thị trường vẫn chưa được bù đắp.

Chúng tôi khuyến nghị, nhà đầu tư tạm thời duy trì trạng thái, không xác lập trạng thái mua mới và tiếp tục quan sát sự vận động của VN-Index trong phiên tới. Việc bán được xem xét khi VN-Index giảm dưới 565 điểm (đồng nghĩa break trendline ngắn hạn, support ngang-đỉnh của sóng trước) với số lượng mã giảm tăng.

Xu hướng ngắn hạn là tăng

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Thị trường tiếp tục chuỗi ngày giao dịch cân bằng. Hai sàn ghi nhận mức giảm nhẹ trong phiên 18/6 với thanh khoản giảm nhẹ so với phiên liền trước.

Phiên 18/6 các “trụ” đa phần suy giảm như GAS (-0,95%), MSN (-1,55%) và BVH (-1,26%). Ngược lại, thị trường lại ghi nhận sự hoạt động tích cực của nhóm cổ phiếu penny, dòng khoáng sản - đại diện tiêu biểu cho nhóm này đã có mức tăng vượt trội so với bình quân thị trường. Một vài cổ phiếu đáng chú ý trong dòng penny đã tăng mạnh như: BGM (+6,4%), KSS (+5,1%), KMR (+6,3%),…

Không có nhiều thông tin nổi bật trong 18/6, thị trường vẫn dành sự quan tâm cho các vấn đề cũ như tỷ giá hay tiến độ của vấn đề “nới room” dành cho các CTCK…Cũng cần lưu ý đây là tuần lễ “trọng điểm” cho kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, sự biến động vì vậy phụ thuộc không nhỏ vào hoạt động mua bán của các quỹ này cho đến hết tuần.

Chúng tôi nhìn nhận, xu hướng ngắn hạn là tăng (đối với VN-Index), các phiên suy giảm nhẹ hiện nay là quá trình điều chỉnh bình thường. Thanh khoản có một số cải thiện nhất định nhưng còn sớm để nói rằng dòng tiền thật sự mở rộng, đặc biệt khi đây là tuần lễ các ETFs tiến hành cơ cấu danh mục và tạo ra giao dịch khá đột biến.

Sẽ tăng điểm trở lại

CTCK Maritime Bank (MSBS)

Chỉ số VN-Index có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp, trong khi chỉ số HNX-Index cũng có phiên giảm điểm thứ 2 trong tuần. Chỉ số VN-Index sau 2 lần chạm mốc kháng cự 575 và không vượt qua được đã quay đầu giảm cuối giờ chiều do áp lực bán gia tăng.

Áp lực bán cuối phiên và trong phiên ATC tăng đáng kể, kéo thị trường đi xuống, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn giữ được mốc hỗ trợ 570 điểm.

Thị trường chứng khoán đang có những phiên giao dịch mà chỉ số liên tục đảo chiều trong phiên. Theo nhận định của chúng tôi, thị trường phiên giao dịch ngày 19/6 sẽ tăng điểm. Chỉ số VN-Index có khả năng vẫn sẽ giảm đầu phiên nhưng sau đó sẽ hồi phục trở lại.

Với diễn biến hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng việc giải ngân, thực hiện chốt lời nếu thị trường có biến động mạnh trong khi nhà đầu tư giá trị có thể xem xét mua gom một số mã cổ phiếu như PVD, PVS, HAG, FCN… cho mục tiêu đầu tư 2-3 tháng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục