Phiên giao dịch sáng 19/3: Đỉnh cao mới

(ĐTCK) Sau phiên nghỉ ngơi hôm qua (18/3), thị trường đã nhanh chóng lấy lại sức lực để băng băng trở vượt qua mốc 600 điểm, lấy lãi cả “vốn lẫn lãi” đã cho “vay” trong phiên hôm qua.
Phiên giao dịch sáng 19/3: Đỉnh cao mới
Thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua tiếp tục khởi sắc sau khi căng thẳng ở Ukraine được xoa dịu với những phát biểu của cả Nga và Ukraine. Trong khi Tổng thống Nga Putin cho biết, không có ý định chia cắt Ukraine, thì Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk cam kết không gia nhập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam không mấy chịu ảnh hưởng từ những thông tin ở Đông Âu trong 2 tuần giao dịch vừa qua, nhưng những diễn biến tích cực từ thị trường chứng khoán toàn cầu cũng ít nhiều ảnh hưởng tốt đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Phiên giao dịch hôm qua, thị trường đã chứng kiến lực chốt lời mạnh khi VN-Index chính phục được mốc 600 điểm, mức cao nhất trong hơn 4 năm, nhưng  nhờ lực mua cũng rất lớn, nên số mã tăng giá vẫn được giữ lớn hơn so với số mã giảm. Tuy nhiên, với việc đa số mã trong top 10 có vốn hóa lớn thị trường giảm giá đã khiến VN-Index ngậm ngùi chia tay mốc tâm lý 600 điểm khi chưa kịp “ấm chỗ”.

Trong bản tin nhận định thị trường phiên hôm nay, một số công ty chứng khoán tỏ ra thận trọng và cho rằng, áp lực bán sẽ tiếp tục và thị trường sẽ sớm bước vào đợt điều chỉnh, tuy nhiên, cũng có một số công ty chứng khoán lại tỏ ra lạc quan khi cho rằng, đà tăng của thị trường chưa dừng lại, dù thị trường có gặp một chút khó khăn ở ngưỡng cản 600 điểm và nhà đầu tư có thể tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Thâm chí, CTCK IVS nhận định: “Chúng tôi cho rằng, áp lực bán có thể xuất hiện sớm từ đâu phiên, nếu như áp lực này không đủ mạnh, thì lực cầu sẽ lại được đẩy mạnh trở lại và chinh phục mốc 600 điểm lần nữa.

Dòng chứng khoán và midcap sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VNM tiếp tục là tác nhân xấu cho chỉ số”.

Trở lại với diễn biến của thị trường, đúng như nhận định của IVS, áp lực bán lúc mở cửa không quá lớn, nên sắc xanh đã trở lại và VN-Index chinh phục được mốc 600 điểm ngay đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, dù thanh khoản không tốt bằng các phiên gần đây.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,88 điểm (+0,15%), lên 600,73 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 51 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, dù áp lực bán vẫn mạnh, nhưng dòng tiền vẫn còn rất lớn, nên nhanh chóng hấp thụ hết lượng cung giá thấp, các mã dần được kéo xanh và VN-Index nới dần khoảng cách với mốc 600 điểm.

Đúng như nhận định của IVS, VNM vẫn là tác nhân xấu, hãm đà tăng của VN-Index, trong khi đó các mã cổ phiếu vốn hóa lớn khác giảm điểm trong phiên hôm qua đã quay đầu tăng trở lại hết như GAS, VCB, BID và các mã ngân hàng khác…

Dù thị trường có đôi chút rung lắc nhẹ, nhưng với sự hỗ trợ tích cực của dòng tiền, cũng như áp lực chốt lời giá thấp không lớn, nên đà tăng vẫn được duy trì đến cuối phiên, tuy nhiên, diễn biến 2 sàn lại có đôi chút khác biệt. Trong khi đà tăng của VN-Index bị hãm bớt khi VIC về lại tham chiếu, VNM vẫn ì ở dưới tham chiếu, thì HNX-Index nới rộng đà tăng và tiến tới chinh phục mốc 89 điểm, bất chấp ACB vẫn giảm nhẹ.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,73 điểm (+0,62%), lên 603,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 101,12 triệu đơn vị, giá trị 1.709,95 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,9 triệu đơn vị, giá trị 119,5 tỷ đồng. VN30-Index tăng 4,3 điểm (+0,64%), lên 677,98 điểm.

HNX-Index tăng 0,91 điểm (+1,04%), lên 88,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,93 triệu đơn vị, giá trị 755 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2,93 điểm (+1,65%), lên 180,29 điểm.

Trên HOSE, PVT đã trở lại mặt đất sau 2 phiên bay bổng. Dù lực mua của khối ngoại bắt đầu tăng lên, nhưng không dồn dập và mức giá đặt mua thấp, trong khi bên nắm giữ muốn bán giá cao khiến thanh khoản PVT không tốt bằng mọi ngày. Kết thúc phiên sáng, PVT quay đầu giảm 100 đồng với gần 1,74 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào gần 0,41 triệu đơn vị. Trong khi đó, MSN cũng không cầm cự được sắc xanh nhạt khi chấp nhận lùi lại mốc tham chiếu với thanh khoản rất thấp. Trong phiên hôm qua, MSN được khối ngoại mua vào rất mạnh trong phiên thỏa thuận, nên không tác động nhiều đến giá cổ phiếu này.

MBB hôm nay bất ngờ lại sôi động, thậm chí có khối lượng khớp ngang ngửa ITA và giữ được đà tăng tốt. Kết thúc phiên MBB tăng 300 đồng (+1,96%), lên 15.600 đồng với 4,32 triệu đơn vị được khớp.

HAG với sự hỗ trợ rất tốt từ lực cầu ngoại vẫn duy trì đà tăng nhẹ 100 đồng, lên 28.200 đồng với 2,35 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào hơn 0,64 triệu đơn vị.

OGC sau phiên bùng nổ ngày hôm qua đã trở lại không khí bình thường, dù vẫn giữ được đà tăng nhẹ.

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng có mức tăng tương đối tốt, ngoại trừ AGR điều chỉnh giảm sau chuỗi ngày tăng mạnh.

Trên HNX, KLS sau khi có “thế lực” có ý đồ giữ giá phiên hôm qua đã vụt tăng mạnh trong phiên sáng nay. Cùng với đó là các mã chứng khoán khác trên sàn HNX vẫn duy trì đà tăng, trong đó nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn có được sắc tím. Kết thúc phiên sáng, KLS tăng 500 đồng (+3,60%), lên 14.400 đồng/cổ phiếu với 4,86 triệu đơn vị được khớp.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất trên HNX hôm nay là SHB. Bất chấp bị khối ngoại liên tiếp xả mạnh, nhưng sự hỗ trợ của nhà đầu tư trong nước đã giúp SHB không những không giảm mạnh, mà còn tăng tốt. Kết thúc phiên sáng, SHB đứng ở mức giá 10.500 đồng, tăng 400 đồng (3,96%) với 12,86 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 3,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dù các mã PVX có ý định thoái vốn vẫn tăng trần, thì PVX đã quay đầu giảm giá nhẹ với thanh khoản đạt gần 9,9 triệu đơn vị.

Với mục tiêu thoái vốn không thấp hơn giá trị cổ phiếu đó khi góp vốn, đầu tư, nhiều khả năng để PVX thoái vốn thành công khỏi 13 công ty niêm yết, giá các cổ phiếu này còn phải tăng mạnh nữa, thậm chí lên tham chiếu.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục