PVT: Đang giao dịch với mức PE 16x
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Doanh thu vận tải 2013 của CTCP Vận tải dầu khí (PVT) tăng 50% năm trước, đạt hơn 2.700 tỷ đồng, giúp nâng tỷ trọng doanh thu mảng này từ mức 40% tổng doanh thu trong 2012 lên 54% trong 2013. Điều này là nhờ:
(1)PVT đã đưa thêm 1 tàu chở LPG và 1 tàu chở dầu thô mới vào hoạt động trong quý IV/2013;
(2)hoạt động vận chuyển dầu thô trong 2013 thông suốt trở lại do Nhà máy lọc dầu Dung Quất không bị trục trặc kỹ thuật và tạm ngưng hoạt động như 2012;
và (3)nỗ lực tái cơ cấu hoạt động đội tàu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng.
Tổng doanh thu tăng 11,4% năm trước. Ngoài tăng trưởng của mảng vận tải, các mảng kinh doanh khác như dịch vụ FSO/FPSO (chiếm 9% tổng doanh thu) và thương mại (chiếm 33% tổng doanh thu) cũng đều đạt kết quả khả quan trong 2013 với mức tăng lần lượt là 93% và 21% năm trước. Tuy nhiên, khác với 2012, doanh thu dịch vụ khác 2013 giảm mạnh 83% năm trước, xuống còn 188 tỷ đồng, chỉ còn đóng góp khoảng 4% tổng doanh thu, so với mức đột biến 24% của cùng kỳ. Do ảnh hưởng này, tổng doanh thu 2013 chỉ tăng 11,4% năm trước, đạt 4.971 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế 2013 tăng mạnh 115,4% năm trước, đạt hơn 235 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cải thiện nhẹ từ 10% lên 11% trong 2013. Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu cũng giảm 2 điểm phần trăm năm trước, xuống còn 4% trong 2013. Đặc biệt, chi phí tài chính ròng 2013 giảm mạnh 95% năm trước, xuống còn 18,2 tỷ đồng đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng lợi nhuận 2013 của PVT. Chi phí tài chính giảm chủ yếu nhờ lỗ từ chênh lệch tỷ giá giảm. Trong 2013, tỷ giá được duy trì ổn định.
Ngoài ra, gánh nặng lỗ chên lệch tỷ giá của những năm trước cũng không còn nữa do vì toàn bộ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hồi tố cho 5 năm trước đã được ghi nhận trong 2012. Theo phương pháp phân bổ tỷ giá mới (Thông tư 179/2012/TT-BTC), công ty chỉ ghi nhận khoản lỗ tỷ giá theo từng năm.
Triển vọng của thị trường vận tải LPG (Gas Shipping - công ty con của PVT đang chiếm khoảng 90% thị phần cả nước) cũng được đánh giá lạc quan với dự báo nhu cầu sử dụng khí LPG ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 5- 6 năm tới. Ngoài ra, theo kế hoạch, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ không có bảo dưỡng hoặc sửa chữa lớn trong 2014. PVT hiện là công ty độc quyền vận chuyển 100% nguyên liệu dầu thô và 50% sản lượng đầu ra cho nhà máy này. Mảng vận tải dầu thô có tiềm năng tăng trưởng khi các nhà máy lọc dầu khác như Nghi Sơn, Vũng Rô, Long Sơn,… đi vào hoạt động. Cổ phiếu PVT hiện đang giao dịch ở mức PB và PE 1,4x và 16x, so với mức 0,8x và 12x do giá đã tăng rất mạnh trong năm qua nhờ kết quả kinh doanh cải thiện và kỳ vọng được đưa vào danh mục cp của các quỹ ETF trong các đợt cơ cấu danh mục.
VCG: Có thể mua vào ở mức giá hiện tại
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Cổ phiếu của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG) là cổ phiếu đã được chúng tôi gọi mua vào cuối năm 2013 (5/12), đóng lại vị thế này vào ngày 3/3/2014 và ghi nhận mức lợi nhuận 33,6%. Đến hiện tại sau một giai đoạn tích lũy nhẹ, VCG đã tăng và vượt kháng cự tại 16.700 đồng để tạo mức đỉnh cao hơn, xác nhận tiếp tục di chuyển theo xu hướng tăng.
Relative Strength tạo đỉnh cao mới, cho thấy mức độ hoạt động của VCG tốt hơn bình quân thị trường chung. Kết quả này hàm ý việc lựa chọn VCG có thể giúp cải thiện hiệu suất trung bình toàn danh mục.
Liên tiếp trong 2 phiên bứt phá kháng cự vừa qua, khối lượng giao dịch của VCG ghi nhận mức cao đột biến. Dòng tiền rõ ràng đang dành sự quan tâm rất lớn đến VCG và điều này giúp gia tăng độ tin cậy của điểm bứt phá.
Market Vectors Vietnam ETF sẽ mua vào khoảng 8,5 triệu cổ phiếu của VCG trong tuần này để phục vụ cho việc cơ cấu danh mục.
Nhà đầu tư có thể xem xét mua VCG ở giá hiện tại 17.100 đồng. Mục tiêu đầu tiên kỳ vọng tại 20.500 đồng (+19,9%), mức dừng lỗ tại 15.000 đồng (-12,2%).
CSM: Giá mục tiêu là 53.200 đồng
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
CTCP Cao su miền Nam (CSM - sàn HOSE) tiếp tục đạt mức doanh thu thuần ổn định 3.166 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước. Tuy nhiên nhờ giá nguyên liệu cao su đầu vào giảm đến 20% trong năm, thu nhập tài chính tăng gấp 6 lần và chi phí lãi vay giảm 47,5%, lợi nhuận sau thuế của CSM đạt 360 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. EPS đạt 5.400 đồng/CP.
Doanh thu năm 2014 của CSM ước đạt 3.450 tỷ đồng, tăng 10%. Doanh thu từ các sản phẩm truyền thống dự báo tăng 1,2%. Dự án Radial bắt đầu hoạt động vào quý II/2014, ước tính đóng góp 275 tỷ đồng vào tổng doanh thu.
Giá cao su giảm hỗ trợ áp lực chi phí lớn từ nhà máy Radial, lợi nhuận gộp biên dự báo giảm nhẹ, đạt 26,3%. Với giả định giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm nhẹ, đạt 26,3%. Với giả định giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm 15% trong năm 2014, chúng tôi dự báo lợi nhuận gộp biên của CSM chỉ giảm nhẹ mặc dù các chi phí từ nhà máy Radial là không hề nhỏ.
Ghi nhận 70 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án số 9 Nguyễn Khoái, lợi nhuận sau thuế (LNST) ước đạt 395 tỷ đồng, tăng 9,7%. Trong năm 2014, CSM dự tính ghi nhận doanh thu 225 tỷ đồng từ dự án này với tổng mức đã đầu tư là 155 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng từ dự án là 70 tỷ đồng.
Với tiềm năng tăng trưởng của dự án Radial, xu hướng giá cao su đầu vào thuận lợi và lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng dự án bất động sản, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM (tốt hơn) với giá mục tiêu là 53.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 19,5% so với giá hiện tại ngày 17/03/2014 là 44.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, NĐT cũng cần lưu ý về rủi ro biến động giá cao su và ảnh hưởng không thuận lợi từ Hiệp định TPP.
>> Tải báo cáo
PXS: Đánh giá tích cực
(CTCK Dầu khí - PSI)
CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS - sàn HOSE) hưởng lợi nhiều từ chuyển biến của nền kinh tế vĩ mô, nhu cầu xây dựng, xây lắp tăng ngày một mạnh đặc biệt là qua sự gia tăng của FDI.
Đặc thù về sử dụng vốn của ngành việc lãi suất giảm mạnh trong năm 2013 và sự tự tái cơ cấu tài chính đang thể hiện tích cực trên BCTC của PXS. Xu hướng tích cực mới chỉ bắt đầu.
Cơ sở chính cho sự tăng trưởng đột phá trong doanh lợi vẫn nằm ở các hợp đồng mà PXS đang và dự kiến triển khai, tiêu biểu có thể kể đến như dự án P3/P4, giá trị khoảng 600 tỷ đồng, Dự án Chân đế Thái Bình và Dự án Hàm Rồng ký với Petronas có tổng giá trị hơn 950 tỷ đồng, Dự án H5 giá trị quanh 169 tỷ đồng và phần còn lại của Dự án Diamond giá trị trên 320 tỷ đồng v.v…
Những dự án mà PXS chuẩn bị ký kết trong năm 2014 cũng là điểm nhấn rất mạnh và có sự tác động trực tiếp tới doanh lợi năm 2014 và tiếp tục giúp PXS tăng trưởng trong các năm sau đó, có thể kể đến như Dự án chế tạo chân đế, khối thượng tầng Thái Bình; lắp đặt cơ điện cho Thái Bình 2; chế tạo và lắp đặt nhà tuabin và nhà điều khiển trung tâm cho Thái Bình 2 v.v…
Ngoài ra còn phải kể đến những yếu tố không tác động nhiều tới doanh thu nhưng có tiềm năng tạo, nên sự gia tăng lợi nhuân rất đáng kể như việc tiết giảm được chi phí vay nợ (nhờ trả trước khoản vay 160 tỷ đồng), giảm chi phí tài chính nhờ thoái vốn thành công khỏi PVPIPE , một số máy móc thiết bị đã khấu hao hết nhưng vẫn còn giá trị sử dụng (giá trị này khả năng sẽ còn tăng nhiều trong năm 2014), lãi tiền gửi tiết kiệm kì hạn ngắn, các khoản doanh lợi nhở mở rộng thầu nước ngoài qua MCPECOM v.v…
Trong năm 2014, chúng tôi dự đoán cổ tức bằng tiền mặt thực nhận tối thiểu là 19% (gồm cả cổ tức tạm ứng năm 2014 và một phần của năm 2013), ROE ở mức 12,30%, ROA là 5%. Dựa trên các yếu tố trên, chúng tôi đánh giá TÍCH CỰC đối với cổ phiếu PXS.