Phiên giao dịch sáng 18/9: Sóng ngắn

(ĐTCK) Sóng chứng khoán không kéo dài được quá 1 phiên. Ngay khi đồng loạt tăng trần hôm qua, phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu này, cùng nhiều nhóm cổ phiếu tăng nóng khác đã bị chốt lời mạnh. Trong khi đó, HAG lại lẳng lặng tạo tâm trấn thị trường.
Phiên giao dịch sáng 18/9: Sóng ngắn

Sau cú bứt phá cuối phiên hôm qua, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục hưng phấn khi bước vào phiên giao dịch sáng 18/9. Tuy nhiên, với việc thiếu lực đỡ từ nhóm cổ phiếu bluechip, cùng với con sóng họ P nhanh chóng qua đi khiến các chỉ số bước vào phiên giao dịch sáng nay rung lắc nhẹ.

Kết thúc đợt 1, VN-Index le lói sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,29 điểm (+0,05%) lên 625,95 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,11 triệu đơn vị, trị giá 112,81 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số Vn-Index nhanh chóng quay đầu giảm nhẹ, trong đó, nhóm Vn30 là một tác nhân chính.

Bộ tứ trụ cột chính chỉ còn MSN đứng giá tham chiếu, trong khi VNM và GAS cùng giảm 1.000 đồng/CP, VIC giảm 500 đồng/CP. Bên cạnh đó, các bluechip khác cũng có mức giảm đáng kể như PVD giảm 2.000 đồng (-1,96%), HPG giảm 500 đồng (-0,86%), BVH giảm 500 đồng (-1,15%)…

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị chốt lời mạnh. Bên cạnh PVD, các cổ phiếu khác giảm khá mạnh như PXS giảm 1.100 đồng (-2,84%), PXI giảm 700 đồng (-6,19%), PXL giảm 100 đồng (-1,92%)…

Bên cạnh đó, sức nóng của nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm đáng kể. Trong khi SSI và HCM đỏ điểm với cùng mức giảm tương ứng 300 đồng/CP còn BSI trở lại mốc tham chiếu.

FLC cũng không còn quá sôi động như các phiên trước. Mọi con mắt trong phiên sáng nay đều tập trung về một điểm:  HAG.

Ngày khi mở cửa, lực mua đã tới tấp được đổ vào, giúp HAG tăng mạnh ngay từ đầu phiên với thanh khoản tăng vọt. Tuy nhiên, khi mã này tiến đến mốc 25.000 đồng, một cuộc "cò cưa" đã diễn ra. Trong khi một bên muốn đẩy HAG lên cao hơn nữa, thậm chí là hướng tới mức giá trần 25.500 đồng, thì bên kia lại không để điều đó xảy ra. Lực chặn bán ở mức 25.000 và 25.100 đồng luôn đủ lớn để cản bước tiến của mã này.

Mặc dù vậy, lực chặn mua cũng đủ mạnh để giúp HAG không hạ nhiệt, mà chỉ quẩn quanh ở 25.000-25.100 đồng với thanh khoản vọt mạnh. Chỉ sau hơn 1 tiếng rưỡi giao dịch, HAG đã được khớp tới hơn 7 triệu đơn vị, giữ vị trí độc tôn về thanh khoản trên HOSE.

Đây cũng là phiên HAG có thanh khoản tốt nhất trong 6 tháng nay và nếu giữ được sự sôi động như thế này trong thời gian còn lại của phiên hôm nay, nhiều khả năng kỷ lục khối lượng khớp 12,28 triệu đơn vị của phiên 17/2 sẽ bị phá vỡ.

Trên sàn HNX, sắc đỏ chiếm chủ đạo khiến chỉ số HNX-Index giảm điểm ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, điểm tích cực là bên cạnh áp lực bán khá mạnh thì cầu hấp thụ cũng tỏ ra không thua kém giúp thanh khoản duy trì khá tốt.

Giống sàn HOSE, nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán cũng đua nhau giảm điểm. Các cổ phiếu dầu khí chủ chốt như PVC giảm 200 đồng (-0,5%), PVS giảm 500 đồng (-1,16%), PVG giảm 400 đồng (-2,82%), PVE giảm 300 đồng (-1,78%)… Còn họ chứng khoán có CTS và VND cùng giảm 500 đồng, SHS và BVS cùng giảm 400 đồng, KLS giảm 300 đồng…

PVX đang duy trì được sắc xanh với mức tăng nhẹ 100 đồng (+1,56%) lên 6.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,89 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Sau hơn 70 phút giao dịch, thị trường có dấu hiệu hồi phục khi nhiều cổ phiếu tìm đến sắc xanh. Trong đó, đáng chú ý nhóm cổ phiếu hỗ trợ lớn nhất của thị trường là VN30 và HNX30 cũng lần lượt đổi sắc và tăng điểm tích cực.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên, cùng với các bluechip quay đầu giảm khá mạnh khiến các chỉ số cùng đóng cửa trong sắc đỏ.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,69 điểm (-0,43%) xuống 622,97 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 87,79 triệu đơn vị, trị giá 1.815,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,42 triệu đơn vị, trị giá 400,64 tỷ đồng. Riêng HAI thỏa thuận hơn 4,63 triệu đơn vị, trị giá 157,73 tỷ đồng và TSC thỏa thuận 1,88 triệu đơn vị, trị giá 71,25 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong phiên sáng nay trên sàn HOSE còn có thỏa thuận 1,4 triệu trái phiếu BID1_106 với tổng giá trị hơn 115 tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,74%) xuống 89,48 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 57 triệu đơn vị, trị giá 844,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,36 triệu đơn vị, trị giá 60,68 tỷ đồng. Trong đó, HBS, SHB và VCS có đóng góp đáng kể với khối lượng đều trên 1 triệu đơn vị.

Nhóm Vn30 có 7 mã tăng, 6 mã đứng giá và có tới 17 mã giảm giá, chỉ số Vn30-Index giảm 2,21 điểm (-0,33%) xuống 663,45 điểm. Còn HNX30-Index giảm 1,94 điểm (-1,03%) xuống 185,85 điểm với 7 mã tăng, 9 mã đứng giá và 14 mã giảm giá.

Nhóm cổ phiếu bluechip hôm nay chi phối lớn đến thị trường khi hầu hết các cổ phiếu này tìm đến sắc đỏ thì cả hai sàn cũng đảo chiều. Trong đó, các cổ phiếu tác động mạnh đến thị trường như VIC, HPG và FPT cùng giảm 500 đồng, GAS, KDC, CSM và DRC cùng giảm 1.000 đồng, BVH giảm 600 đồng…

Mặc dù MSN đã bật tăng khá mạnh với mức tăng 1.500 đồng (+1,79%) lên 84.000 đồng/CP, cùng PNJ tăng 1.300 đồng (+4,02%)… nhưng đã không cứu được VN-Index thoát đỏ khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng.

Trong khi đó đà tăng của HAG chững lại và lực cầu không còn mạnh. Đóng cửa, HAG tăng 900 đồng (+3,63%) lên 24.800 đồng/Cp với khối lượng khơp lệnh đạt hơn 8,25 triệu đơn vị.

FLC vẫn chịu áp lực bán mạnh khiến giá cổ phiếu tiếp tục lùi sâu dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên, lực cầu cũng nhanh chóng hấp thụ mạnh dòng cổ phiếu khiến thanh khoản tăng khá mạnh. Đóng cửa, FLC giảm 200 đồng (-1,69%) xuống 11.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 11,91 triệu đơn vị.

Dòng cổ phiếu dầu khí tiếp tục suy giảm mạnh khi áp lực bán tiếp tục gia tăng. Trong đó, chỉ còn PXT giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng 100 đồng/Cp, còn lại đều giảm điểm. Đáng chú ý là PVD giảm 3.000 đồng (-2,97%), PXL giảm sàn, PXS giảm 1.800 đồng (-4,72%)…

Tương tự, trên sàn HNX, các cổ phiếu lớn giảm điểm khá mạnh như PVC giảm 1.100 đồng (-2,77%), PVS giảm 500 đồng (-1,16%), VND giảm 700 đồng (-4,09%), KLS giảm 500 đồng (-3,79%)…

Cổ phiếu PVX và SHB không còn ở mức giá xanh mà quanh về mốc tham chiếu. Trong đó, thanh khoản PVX vẫn dẫn đầu toàn sàn với gần 6,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục suy giảm. Đáng chú ý, trong nửa phiên sáng, PGS bất chấp dòng chảy họ P suy yếu vẫn tiếp tục vụt tăng khá mạnh thì về cuối phiên cổ phiếu này thoái lui và về mốc tham chiếu 39.000 đồng/CP.

Trong khi đó, họ Sông Đà cũng không còn bóng dáng của sắc tím.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục