Phiên giao dịch hôm qua, với sự trở lại khá bất ngờ của nhóm ngân hàng, thị trường đã có sự khởi đầu tuần mới tích cực. Một số mã nóng tiếp tục duy trì được độ hot của mình khi duy trì sắc tím với dư mua giá trần rất lớn.
Bước vào phiên giao dịch hôm nay, nhiều nhận định cho rằng, VN-Index sẽ test lại mốc 600 điểm để hoàn thành mẫu hình 2 đáy. Tuy nhiên, sự trở lại của nhóm ngân hàng, cũng như vai trò dẫn dắt của nhóm này với thị trường không được đánh giá cao.
Áp lực chốt lời được đánh giá sẽ tiếp tục gia tăng và trên con đường chinh phục mốc 600 điểm, thị trường sẽ phải chịu những nhịp điều chỉnh sau chuỗi tăng vừa qua.
Đúng như nhận định trên, trong phiên giao dịch sáng nay, áp lực chốt lời đã diễn ra khá mạnh ở các mã nóng, trong khi nhóm ngân hàng không còn duy trì đà tăng mạnh như cuối phiên hôm qua khiến VN-Index chỉ có được sắc xanh nhạt khi mở cửa phiên.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,28 điểm (+0,22%), lên 587,76 điểm với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 5,1 triệu đơn vị, giá trị 54,47 tỷ đồng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng tiếp tục được duy trì trong khoảng 15 phút khi nhóm ngân hàng vẫn giữ được đà tăng, dù không mạnh, trong khi các mã lớn khác vẫn giữ được sự cân bằng cần thiết.
Tuy nhiên, áp lực bán ra mỗi lúc một mạnh, khiến nhiều mã quay đầu giảm điểm và VN-Index cũng bắt đầu rung lắc. Sau nửa đầu phiên cố gắng cầm cự, cuối cùng cả 2 chỉ số đã phải “đầu hàng” trước áp lực bán mỗi lúc một mạnh và đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ. Dù trước đó, có lúc HNX-Index tăng hơn 1%.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 2,71 điểm (-0,46%), xuống 583,77 điểm với độ rộng của thị trường nghiên hẳn về phía tiêu cực (72 mã giảm và 122 mã tăng). Dù vậy, thanh khoản thị trường tiếp tục được duy trì ở cao với 99,94 triệu đơn vị, giá trị 1.600,95 tỷ đồng được chuyển nhượng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp cũng khá lớn với gần 7,9 triệu đơn vị, giá trị 263,29 tỷ đồng, đến chủ yếu từ 4,16 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 49 tỷ đồng và 1,98 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 156,42 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,04%), xuống 88,33 điểm dù có lúc đã vượt qua được ngưỡng 89 điểm. Độ rộng trên sàn này cũng nghiêng về phía tiêu cực với 69 mã tăng trong khi có tới 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,97 triệu đơn vị, giá trị 555,42 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh.
Nhóm ngân hàng không còn giữ được phong độ như phiên chiều qua, thậm chí “đại gia” VCB đảo chiều giảm 1,55%, xuống 44.600 đồng. Bên cạnh đó, các mã lớn khác như GAS, VIC, PVD, FPT giảm giá cũng là tác nhân chính khiến VN-Index không duy trì được đà tăng trong phiên sáng nay.
Các mã nóng cũng chịu áp lực chốt lời lớn trong phiên sáng nay, nên không còn giữ được mức tăng trần liên tục như trước đó. Trong đó, AGR đóng cửa ở mức tham chiếu 6.600 đồng với tổng khớp hơn 1,23 triệu đơn vị, thậm chí có lúc mã này còn giảm về 6.500 đồng.
Tương tự, UDC cũng không còn duy trì được đà tăng tối thiểu 1 bước giá. Trong khi đó, OGC lại bất ngờ được mua rất mạnh trong phiên sáng nay, bất chấp phải đổi mặt với lượng cung lớn từ VNM ETF. Sau khi mở cửa ở mức tham chiếu 2.500 đồng, khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục được ít phút, lượng dư bán giá trần 2.600 đồng khoảng 1 triệu đơn vị được hấp thụ một cách nhanh chóng và thay thế vào đó là lượng dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị. Lượng dư mua này càng ngày càng tăng, dù cũng có một số lệnh mua bị hủy sau đó. Đóng cửa, OGC được khớp gần 3,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,3 triệu đơn vị.
Trong khi JVC tưởng chừng sẽ thoát khỏi chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp của mình sau thông tin chính thức của Công ty được phát đi lên tiếng về các tin đồn liên quan đến hoạt động và vướng mắc tại dự án ở Bình Định. Tuy nhiên, sau khi được kéo lên mức 18.300 đồng nhờ lực cầu bắt đáy trong sáng qua, áp lực bán mạnh đã khiến cổ phiếu này quay đầu đóng cửa ở mức 17.100 đồng, đánh dấu phiên giảm giá thứ 5 liên tiếp.
Trong phiên sáng nay, nỗ lực bắt đáy, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài một lần nữa giúp JVC có được sắc xanh khi mở cửa phiên, nhưng cũng giống như hôm qua, những người muốn thoát ra khỏi mã này vẫn còn nhiều, nên JVC nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại và thậm chí đóng cửa ở mức sàn 16.000 đồng với 3,47 triệu đơn vị được khớp. Những nhà đầu tư nhỡ bắt đáy trong phiên hôm qua và đầu phiên sáng nay bắt đầu có lý do để lo lắng.
Các mã có tính đầu cơ cao trên HOSE như FLC, HAI, DLG, VHG, HQC, ITA… cũng chỉ lình xình quanh tham chiếu, trong đó FLC đóng cửa giảm 2,1%, xuống 9.300 đồng với 17,6 triệu đơn vị được khớp.
DLG với thông tin thâu tóm thành công một công ty của Mỹ và tiếp quản nhà máy tại Trung Quốc cũng không thể tăng mạnh trong sáng nay khi chốt phiên tăng 1 bước giá, lên 9.500 đồng.
Trên HNX, cũng giống sàn HOSE, áp lực chốt lời cũng diễn ra khá mạnh ở các mã nóng trên HNX. Trong đó, ngay khi lên mức trần 7.400 đồng đầu phiên, ASA đã chịu áp lực chốt lời, nên quay đầu đi xuống, thậm chí có lúc đã giảm gần 4,4%, xuống 6.500 đồng trước khi hồi trở lại và đóng cửa ở mức 6.900 đồng, tăng 1,47% với hơn 980.000 đơn vị được khớp.
Trong khi đó, lượng dư mua khá lớn mức trần của SHN cũng được hấp thụ hết, giúp mã này có thanh khoản cao trong phiên sáng nay với 1,71 triệu đơn vị. Dù vậy, sắc tím vẫn được duy trì tại SHN khi đóng cửa phiên sáng nay.
BAM cũng không còn duy trì được sắc tím đậm như phiên hôm qua, tương tự là các mã khác như NDF, SD7, VC3, trong khi L44 và SPI sau những rung lắc cũng đã giữ vững được chuỗi tăng trần của mình.
Dù vậy, ấn tượng trong phiên sáng nay có thể kể đến FID khi được kéo từ dưới mức tham chiếu lên mức giá trần 13.600 đồng trước khi đóng cửa ở mức 13.500 đồng, twang 8,87% với 418.500 đơn vị được khớp.
Trong khi FIT lại giảm khá mạnh 4,79%, xuống 15.900 đồng với 5,34 triệu đơn vị được khớp, KLF đứng ở tham chiếu với 2,67 triệu đơn vị được khớp.