Trong phiên giao dịch chiều, VN-Index bất ngờ nới rộng đà tăng, leo lên mức cao nhất ngày chỉ trong 30 phút giao dịch đầu nhờ sự khởi sắc của nhóm ngân hàng sau tuần bị chốt lời trước đó. Tuy nhiên, áp lực bán tăng mạnh một lần nữa đẩy chỉ số này trở lại ngưỡng tham chiếu và giằng co trong 30 tiếp theo trước khi khởi sắc trở lại vào cuối phiên và xác định được đà tăng vững chắc của mình.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng 3,75 điểm (+0,64%), lên 586,48 điểm. Dù đà tăng nới rộng hơn nhiều so với phiên sáng, nhưng độ rộng của thị trường lại hẹp hơn rất nhiều với số mã tăng, giảm tương đương nhau (107 mã tăng và 106 mã giảm).
Thanh khoản thị trường vẫn được duy trì khá tốt với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 155 triệu đơn vị, giá trị 2.279 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,87 triệu đơn vị, giá trị 190,79 tỷ đồng.
HNX-Index cũng duy trì mức tăng 0,42 điểm (+0,47%), lên 88,36 điểm với 101 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,44 triệu đơn vị, giá trị 731,46 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,1 triệu đơn vị, giá trị 29 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, hỗ trợ cho VN-Index bật mạnh trở lại cuối phiên chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau tuần chịu áp lực chốt lời trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, dòng bank đã tạm dừng, để nhường chỗ dẫn dắt cho dòng “P” và bất động sản. Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bất ngờ trở lại một cách mạnh mẽ.
MBB bất ngờ nhận được lực cầu rất mạnh trong những phút cuối phiên, kéo mã này lên mức giá trần 14.800 đồng. Trong đó, riêng đợt khớp lệnh ATC đã có tới gần 2 triệu đơn vị được khớp, nâng tổng khối lượng khớp cả phiên lên 10,38 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
CTG cũng vụt tăng mạnh lên mức 20.800 đồng, tăng 6,12% với 4,8 triệu đơn vị được khớp. Đây cũng là mức giá cao nhất trong ngày của CTG và chỉ còn cách mức trần 1 bước giá.
Tương tư, VCB, BID dù không tăng quá mạnh như MBB và CTG, nhưng cũng đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 45.300 đồng, tăng 3,9% và 22.000 đồng, tăng 3,77%. Tăng khiêm tốn hơn là EIB tăng 2,27% và STB tăng 0,54%.
Trong khi dòng bank trở lại, thì nhóm cổ phiếu được kỳ vọng nhiều là dầu khí lại đóng cửa trong sắc đỏ. Nhóm chứng khoán cũng đã đảo chiều, ngoại trừ AGR vẫn đang được đỡ giá ở mức trần 6.600 đồng dù gặp lực cung lớn trong phiên chiều.
Tương tự là nhóm bất động sản cũng không còn giữ được nhiệt như 2 phiên cuối tuần trước với VIC giảm 2,88%, TDH giảm 2,28%, DXG, HAR, SJS… giảm giá, DIG ở mức tham chiếu, NTL chỉ còn tăng nhẹ 1 bước giá, trong khi thậm chí KDH giảm sàn. Sắc tím chỉ còn lại ở DRH, UDC.
Các mã trong nhóm này có tính đầu cơ cao như HQC, ITA, FLC cũng không có nhiều chuyển biến trong phiên chiều khi chỉ lình xình trong biên độ hẹp. Trong đó, FLC có thanh khoản vượt trội với 28 triệu đơn vị được khớp và đứng ở tham chiếu.
Trong khi đó, JVC không thể duy trì được sắc xanh trong phiên sáng khi đóng cửa giảm 1,15%, xuống 17.100 đồng với 12,49 triệu đơn vị được khớp, còn OGC giảm sàn 2.500 đồng với gần 10,6 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn.
Trên HNX, sắc tím vẫn ngự trị tại BAM, ASA, VIG, SHN, HDO, L44, SPI và thêm sự góp mặt của một số mã khác như VC3, SD7, NHP, NDF và một vài mã đơn lẻ khác, nhưng các mã này có thanh khoản không tốt và sắc tím cũng không quá đậm.
Trong khi đó, ngoại trừ VIG, nhóm chứng khoán đã thu hẹp đà tăng trong phiên chiều, trong đó VND cũng mất luôn vị trí dẫn đầu thanh khoản khi lùi về vị trí thứ 3 với 4,1 triệu đơn vị được khớp, trên KLF với hơn 4 triệu đơn vị được khớp, trong khi đứng dưới PVX với 5,7 triệu đơn vị được khớp và SHB với 6,44 triệu đơn vị được khớp.
Không giống như phiên sáng, phiên chiều, HNX-Index chịu những đợt rung lặc mạnh khi cố gắng tiếp cận ngưỡng 89 điểm, suýt chút nữa chỉ số này đã trả giá nếu không có sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng trong những phút cuối phiên. ACB và SHB dù không không duy trì được mức giá cao nhất ngày, nhưng cũng có mức tăng 2,35% và 2,47%, lên 21.800 đồng và 8.300 đồng.