Phiên giao dịch sáng 15/3: Lo lắng gia tăng

(ĐTCK) Sau nhiều lần cố gắng chinh phục mốc 580 điểm bất thành, khả năng điều chỉnh của VN-Index đang ở mức cao.
Phiên giao dịch sáng 15/3: Lo lắng gia tăng

Trong 2 tuần vừa qua, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu dầu khí và một số mã đơn lẻ có thông tin hỗ trợ (áp thuế tự về với thép nhập khẩu, cổ tức, kết quả kinh doanh, nới room, ETFs…), VN-Index đã có những phiên giao dịch khởi sắc cả về điểm số và thanh khoản.

Tưởng chừng với sự trợ giúp này, VN-Index sẽ dễ dàng vượt qua mốc kháng cự 580 điểm để hướng tới các mức giá cao hơn với kỳ vọng chờ đợi là 600 điểm. Tuy nhiên, mốc 580 điểm đang trở thành ngưỡng cản quá mạnh đối với VN-Index cả về tâm lý và kỹ thuật.

Trong 6 lần thử sức chinh phục ngưỡng cự này, VN-Index đều thất bại, thậm chí có phiên đã phải “trả giá” khi bị đẩy xuống dưới tham chiếu.

Với những cơ hội lớn từ sự hỗ trợ đắc lực của nhóm dầu khí, nhưng không thể chinh phục được ngưỡng 580 điểm, nhiều nhà đầu tư lo lắng thị trường đã có dấu hiệu phân phối đỉnh quanh ngưỡng này và đang đướng trước nguy cơ bước vào xu hướng điều chỉnh.

Lo lắng này gia tăng khi giá dầu thô thế giới sụt giảm khi giới phân tích cho rằng, đà tăng mạnh 6 tuần liên tiếp vừa qua của “vàng đen” là ngoài yếu tố cơ bản, khi thị trường vẫn đang đối mặt với dư cung và mức dư cung này đang ngày một lớn dần.

Đúng như lo lắng, ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, trụ đỡ chính của thị trường trong thời gian gần đây là cổ phiếu dầu khí đã đồng loạt giảm giá, kéo VN-Index mở cửa trong sắc đó.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,2 điểm (-0,21%), xuống 576,78 điểm. Điểm tích cực cùa thị trường là thanh khoản khá tốt khi có 6,47 triệu đơn vị, giá trị 84,74 tỷ đồng được chuyển nhượng trong 15 phút giao dịch đầu tuần. Phần lớn trong số này đến từ giao dịch của HAG, HNG và OGC. Tuy nhiên, cả 3 mã này đều bị bán mạnh và giảm giá ngay khi mở cửa, thậm chí có lúc đã về sát mức sàn.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của VN-Index vẫn duy trì, nhưng không quá mạnh do chỉ số này đang nhận được sự hỗ trợ tốt của VIC, FPT, HPG.

Trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giảm hơn 3,5%, trong khi dầu thô Brent cũng giảm hơn 2%. Trong phiên châu Á sáng nay, giá dầu thô WTI tiếp tục giảm và đang đe dọa mất mốc 37 USD/thùng.

Cùng với ảnh hưởng của giá dầu thô, nhóm cổ phiếu dầu khí còn đối mặt với áp lực chốt lời khi nhiều mã đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm, như GAS tăng hơn 60% so với mức đáy, PVC tăng hơn 54%, PVS, PXS, PVD cũng tăng hơn 30%...

Do đó, trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu này đã quay đầu giảm mạnh với GAS giảm 2,28%, PVD giảm 2,62%, PVC giảm 3,25%, PVS giảm 2,94%, PVB giảm 2,05%...

VIC sau những phút đầu hỗ trợ cho thị trường, tưởng chừng sẽ duy trì đà tăng đến hết phiên, nhưng do lực cầu quá yếu, VIC đã quay đầu giảm giá, đóng cửa dưới tham chiếu 1 bước giá. HPG cũng tương tự khi đảo chiều, nhưng cũng kịp trở lại tham chiếu khi chốt phiên, chỉ còn FPT tăng nhẹ 1 bước giá.

Trên HNX, đà tăng của ACB, VCG, SHB cũng bị thu hẹp cuối phiên khiến HNX-Index đảo chiều giảm điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,16 điểm (-0,37%), xuống 575,82 điểm với 56 mã tăng, trong khi có tới 153 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,2 triệu đơn vị, giá trị 1.338,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,7 triệu đơn vị, giá trị 144 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,31%), xuống 79,76 điểm với 56 mã tăng và cũng có tới 116 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,9 triệu đơn vị, giá trị 406,7 tỷ đồng.

Đà tăng của HPG gặp khó khăn bất chấp tập đoàn này được đánh giá là có lợi lớn từ việc Bộ Công thương áp thuế tự vệ với thép và phôi thép nhập khẩu.

Trong khi VIC, HPG quay đầu, thì VN-Index lại nhận được sự hỗ trợ của một mã lớn khác là VNM khi tăng 1,48%.

Cũng hưởng lợi từ quyết định của Bộ Công thương, POM có được sắc tím, dù thanh khoản thấp, trong khi VIS quay đầu giảm giá. Trong khi đó, sau chuỗi tăng mạnh 48,4% kể từ đầu tháng 3 tới phiên hôm qua, áp lực chốt lời tại TLH sẽ gia tăng, khiến mã này chấm dứt đà tăng. Tuy nhiên, TLH vẫn tăng đều qua các phiên và sáng nay lại trở lại sắc tím khi chốt phiên ở mức 4.900 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần.

Tuy nhiên, cổ phiếu tạo chú ý là nhóm cổ phiếu thị trường khi có giao dịch sôi động ngay khi mở cửa phiên.

HAG, HNG, OGC sau những phút đầu bị bán khá mạnh, có lúc xuống sát mức sàn, đã dần dần hồi phục. HAG có lúc đã có được sắc xanh, nhưng do bên mua sau đó có phần thận trọng, trong khi lực bán gia tăng trước thông tin HAG lỗ nặng quý IV/2015 khiến mã này đóng cửa dưới tham chiếu 1 bước giá khi chốt phiên sáng với 7,5 triệu đơn vị được khớp.

Cũng có chung thông tin không tích cực về kết quả kinh doanh như công ty mẹ HAG, nhưng lực mua tại HNG lại rất lớn nhằm đón đầu đợt tái cơ cấu của FTSE ETF, nên HNG đã đảo chiều thành công, thậm chí có lúc đã tiến sát mức trần 9.500 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 9.200 đồng, tăng 3,37% với hơn 11 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào hơn 380.000 đơn vị.

Liên quan đến HAG, tập đoàn này vừa công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ quý IV/2015 khá lớn. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng lĩnh vực khoáng sản, giá cao su giảm, cũng như ảnh hưởng của việc giá ngô giảm, giá đường giảm... Tuy nhiên, mảng chăn nuôi bò đang đem lại lợi nhuận lớn cho tập đoàn.

Trong năm 2016, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cả 2 sẽ có lợi nhuận ổn định khi không còn phải chịu lỗ từ việc chuyển nhượng tài sản liên quan đến khoáng sản, lợi nhuận ổn định từ bảng thịt bò, cũng như giá ngô, giá đường thế giới hồi phục...

OGC sau nỗ lực về lại được tham chiếu, đã quay đầu giảm trở lại khi lực bán gia tăng. Chốt phiên, OGC giảm 2,94%, xuống 3.400 đồng với 4,32 triệu đơn vị được khớp.

Một mã thị trường khác là VHG cũng có thanh khoản tốt với 5,84 triệu đơn vị được khớp. Mã này cũng đã đảo chiều thành công từ mức sát sàn, lên trên tham chiếu, trước khi đóng cửa ở vạch xuất phát 6.100 đồng.

Các mã khác như FLC, FIT, ITA, HQC lại có giao dịch khá trầm lắng, trong khi DLG là mã gây ấn tượng nhất về giá trong nhóm khi tăng có lúc tăng lên mức trần 7.500 đồng, trước khi đóng cửa tăng 2,82%, lên 7.300 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp.

Sau hiệu ứng ETF phiên đầu tuần, SBT đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại sáng nay khi đóng cửa ở mức 29.000 đồng, giảm 3% với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. 

Ngoại trừ HNG, 4 mã còn lại lọt vào danh sách kỳ này của FTSE ETF là HQC, ASM, PGD và HHS cũng chỉ giao dịch lình xình cả về thanh khoản và giá.

Trên HNX, chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trong phiên sáng nay là PVS và SCR với lượng khớp lần lượt đạt 1,83 triệu đơn vị và 1,74 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,223.44 7.08 0.58% 61,325 tỷ
HNX 228.94 1.44 0.63% 551 tỷ
UPCOM 89.84 0.14 0.16% 279 tỷ